16:27 31/08/2010

Bao nhiêu phần doanh nghiệp nhà nước là vừa?

Anh Quân

Tranh luận quanh vấn đề vai trò, vị trí, quản trị và sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước

 Mặc dù có sự đồng thuận quan điểm về hiệu quả đầu tư thấp của khu vực nhà nước cần được cải thiện, vẫn tồn tại những câu hỏi khó lý giải như có hay không một tỷ lệ tối ưu doanh nghiệp nhà nước, dẫn hướng nền kinh tế phát huy hết hiệu quả?
Mặc dù có sự đồng thuận quan điểm về hiệu quả đầu tư thấp của khu vực nhà nước cần được cải thiện, vẫn tồn tại những câu hỏi khó lý giải như có hay không một tỷ lệ tối ưu doanh nghiệp nhà nước, dẫn hướng nền kinh tế phát huy hết hiệu quả?
Bài phát biểu với chủ đề “Doanh nghiệp nhà nước hay kinh tế tư nhân: Bao nhiêu phần nhà nước là vừa?” của GS. Rainer Stachuletz (Đại học Kinh tế và Luật tại Berlin, Đức) trong buổi hội thảo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Viện Friedrich Ebert Stiftung tại Việt Nam đã một lần nữa làm dấy lên những thảo luận về vai trò, vị trí, quản trị và sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước.

Dẫn nhận định của nhà khoa học quản lý người Đức Charles Blankart, GS. Rainer Stachuletz cho biết, đã có những lập luận đưa ra tỷ lệ nhà nước tối ưu nên chiếm 35% sẽ đưa nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng tiềm năng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo không đồng tình với lập luận này.

Theo cách đặt vấn đề về tỷ lệ nhà nước của GS. Rainer Stachuletz , một nghiên cứu chung của GS. Nguyễn Văn Nam (Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân) và TS. Nguyễn Phi Lân (Vụ Dự báo và Thống kê tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư.

Hai tác giả này cho rằng, trong khi nắm nhiều nguồn lực của đất nước, khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn…, các doanh nghiệp nhà nước thường có hiệu quả đầu tư thấp, rất dễ tạo nên những bất ổn vĩ mô cho nền kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Phi Lân, việc duy trì tăng trưởng cao và liên tục, vượt quá mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế trong nhiều năm, thông qua đầu tư cao và kém hiệu quả (thể hiện ở hệ số ICOR tăng trong những năm gần đây), sẽ dẫn tới lạm phát trong dài hạn.

Trong khi đó, đầu tư cao kéo dài và vượt quá tích lũy của nền kinh tế khiến cho mức chênh lệch tiết kiệm và đầu tư tăng lên nhanh chóng, trong suốt giai đoạn 2001-2007, theo tính toán của các tác giả, mức chênh lệch này luôn vượt 10% GDP.

Bù đắp cho mức đầu tư vượt quá khả năng này, thâm hụt cán cân vãng lai cũng kéo dài trong nhiều năm. “Duy trì mức chênh lệch tiết kiệm và đầu tư trong nhiều năm sẽ tạo ra những bất ổn với nền kinh tế trong trung và dài hạn”, TS. Nguyễn Phi Lân nói.

Bổ sung thêm quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, nói điểm quan trọng của đầu tư nhà nước không phải chỉ ở tính hiệu quả mà còn ở sự lan tỏa đến các lĩnh vực, khu vực kinh tế khác.

Tuy nhiên theo ông Thành, qua xem xét và phân tích số liệu đầu tư thời gian gần đây cho thấy, đầu tư nhà nước có tác dụng làm tăng dòng vốn FDI, nhưng với đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân thì kết quả không rõ ràng.

Mặc dù có sự đồng thuận quan điểm về hiệu quả đầu tư thấp của khu vực nhà nước cần được cải thiện, vẫn tồn tại những câu hỏi khó lý giải như có hay không một tỷ lệ tối ưu doanh nghiệp nhà nước, dẫn hướng nền kinh tế phát huy hết hiệu quả?

Trong khi việc giảm sự điều tiết của nhà nước được coi là “câu thần chú” của các nhà kinh tế và chính trị theo trường phái tự do, phân tích của GS. Rainer Stachuletz cho thấy, nhiều nước phát triển tại châu Âu như Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch đều có tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước trên 50%, nhiều nước còn lại đều trên 40%.

“Chi nhà nước cao so với GDP không hẳn đã cho thấy đó là nước phát triển kém, an sinh xã hội không tối ưu”, ông nói.

“Tôi đồng ý rằng không nên quan tâm tỷ lệ nhà nước là bao nhiêu”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ quan điểm. “Quản trị với doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng và chúng ta có thể cải thiện được, nhưng không thể bỏ qua vấn đề sở hữu được”, ông lưu ý thêm.

Theo ông Thành, vấn đề sở hữu của doanh nghiệp nhà nước là đại diện của đại diện, tức là không đi đến tận cùng xác định được người sở hữu. “Như vậy rất dễ dẫn tới rủi ro đạo đức”, ông nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, với các doanh nghiệp nhà nước là sở hữu toàn dân, đại diện “cổ đông” lớn thì càng cần phải theo mô hình công ty đại chúng, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ.