10:44 18/11/2021

Càng chần chừ, dư địa thời gian cho hồi phục kinh tế của Việt Nam càng hẹp lại

Vũ Phong

Mặc dù dư địa tài khóa để thực hiện gói cứu trợ và phục hồi nền kinh tế vẫn có thể còn nhưng Việt Nam có thể sẽ không còn dư địa thời gian nữa...

Toàn cảnh sự kiện do ADB tổ chức
Toàn cảnh sự kiện do ADB tổ chức

Tại sự kiện "Phục hồi và Phát triển kinh tế sau Đại dịch Covid-19, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức, ông Jay Roop, chuyên gia kinh tế chính của ADB tại Thái Lan cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan không phải trường hợp ngoại lệ.

Tuy nhiên, tại Thái Lan, nơi có 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng các doanh nghiệp này vẫn tồn tại và không bị sụp đổ trong đại dịch nhờ vào rất nhiều các biện pháp của chính phủ cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

Nhìn nhận về các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan, ông Jay Roop cho rằng, chính sách tiền tệ mang lại những hỗ trợ tốt hơn so với các biện pháp tài khóa. Bởi lẽ, biện pháp tài khóa có thể giúp doanh nghiệp trong ngắn hạn nhưng không thể giúp được các doanh nghiệp trong dài hạn

Chi tiết hơn, một trong những biện pháp liên quan đến chính sách tiền tệ mà Chính phủ Thái Lan triển khai rất hiệu quả, ông Jay Roop cho biết, đó là các khoản vay mềm. Theo đó, Chính phủ đã cung cấp khoản tín dụng 8 tỷ USD nhằm giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn và có thể là vay được đến 1 triệu USD với mức lãi suất thấp là 5%/năm trong 5 năm của chương trình.

Bên cạnh đó, một biện pháp liên quan đến chính sách tiền tệ được Chính phủ Thái Lan triển khai là hoãn các khoản trả nợ và tài sản của doanh nghiệp như khách sạn sẽ là tài sản đảm bảo. Chính phủ tiếp nhận các khoản tài sản này và coi đó như là khoản tài sản đảm bảo đối với khoản tín dụng mà doanh nghiệp vay để tiếp tục duy trì hoạt động.

“Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Thái Lan cùng sàng lọc doanh nghiệp có thể tham gia vào các chương trình này. Đây là biện pháp mang tính chất hồi phục trong trung hạn với kỳ vọng doanh nghiệp có thể hồi phục về mặt tài chính”, ông Jay Roop nói.

Về biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh giảm thuế VAT và gia hạn thời gian nộp tờ khai thuế VAT. Nếu như quá hạn, doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu một mức phạt nhưng thấp hơn so với trước kia.

Ngoài ra, ông Jay Roop còn chia sẻ một số biện pháp tài khóa thú vị như Chính phủ đồng thanh toán cho người tiêu dùng, đồng thanh toán cho người dân khi chi tiêu trong lĩnh vực du lịch… Tức người dân trả một phần và Chính phủ cũng hỗ trợ trả giúp một phần.

“Năm 2021, chúng tôi ước tính chỉ có 0,3% doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản nhờ Chính phủ triển khai các biện pháp trên và nhiều biện pháp khác. Hơn 99% doanh nghiệp dễ bị tổn thương, dễ đổ vỡ hiện vẫn tồn tại”, ông Jay Roop chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, Việt Nam có thể sẽ không còn dư địa thời gian nữa, cho dù dư địa tài khóa để thực hiện gói cứu trợ và phục hồi nền kinh tế vẫn có thể còn.

Cụ thể, khi các quốc gia đi vào chu kỳ phục hồi mà lúc đó Việt Nam mới bắt đầu đưa ra và thực hiện các chính sách tài khoá mạnh thì sẽ muộn, vì áp lực lạm phát ngày càng tăng. Trong khi đó, với gần 90% doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch và 1,8 triệu người thiếu việc làm đang gây áp lực cho việc hình thành một chính sách tài khóa mạnh để hỗ trợ nền kinh tế.

“Việt Nam nếu không nhanh cả mặt ra chính sách và thực hiện, càng chần chừ thì càng ngày dư địa thời gian càng thu hẹp lại”, ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh.