15:45 03/03/2022

Cảnh báo xung đột Nga-Ukraine làm gia tăng lây lan Covid-19

Dũng Hiếu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể khiến dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh hơn nữa, kéo theo nguy cơ gia tăng số trường hợp bệnh trở nặng.

Người tị nạn và ôtô xếp hàng tại biên giới Moldova ngày 26/2, gần vùng Mayaky - Udobne của Ukraine. Ảnh: AP
Người tị nạn và ôtô xếp hàng tại biên giới Moldova ngày 26/2, gần vùng Mayaky - Udobne của Ukraine. Ảnh: AP

WHO quan ngại sâu sắc về tình hình khẩn cấp về nhân đạo tại Ukraine hiện nay. Ukraine đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao trước thời điểm xảy ra xung đột.

Xung đột xảy ra khiến tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 tại nước này sụt giảm, đồng nghĩa có thể không phát hiện được các chuỗi lây lan. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng thấp cũng là một yếu tố làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu cảnh báo, tình trạng thiếu oxy dự trữ sẽ ảnh hưởng tới khả năng điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 cũng như bệnh nhân mắc các căn bệnh khác.

Dẫn số liệu thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Tedros Adhanom Ghebreyesu, cho biết tính đến ngày 1/3, hơn 870.000 người đã rời khỏi Ukraine do lo tình hình bất ổn hiện nay và con số này dự kiến sẽ tăng lên nhanh chóng.

"Sự dịch chuyển dân số quy mô lớn sẽ góp phần làm lây lan COVID-19, đồng thời có nguy cơ gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế ở các nước láng giềng", Tổng Giám đốc WHO cảnh báo.

Còn ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, cho rằng việc di chuyển dân số ồ ạt do xung đột không chỉ khiến Covid-19 lây lan nhanh hơn mà còn có thể tạo ra những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

WHO đang tiến hành vận chuyển vật tư y tế thiết yếu từ Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) cho người dân Ukraine. Chuyến hàng đầu tiên dự kiến đến Ba Lan vào ngày 3/3, trong đó bao gồm 36 tấn vật tư dành cho việc chăm sóc chấn thương và phẫu thuật khẩn cấp. 

WHO cũng kêu gọi thiết lập một hành lang an toàn để đảm bảo rằng nhân viên nhân đạo và hàng viện trợ có thể đến với những người đang cần sự trợ giúp một cách liên tục và an toàn.

Trước đó – vào cuối tháng 2, các hoạt động của bệnh viện Ukraine bị đe dọa do thiếu điện. Ngay cả các xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân cũng có nguy cơ vướng vào làn đạn giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine.

Chưa kể, Ukraine phải đối mặt với sự gia tăng của các ca nhiễm dịch Covid-19. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, số ca bệnh mới tăng 555% trong khoảng thời gian từ ngày 15-1 đến ngày 25-2.

Theo các chuyên gia y tế thế giới, đợt bùng phát dịch Covid-19, kết hợp với việc ngày càng có nhiều người bị thương trong cuộc chiến sẽ gây áp lực lớn hơn nữa đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá căng của Ukraine.