07:30 04/09/2008

Chứng khoán Anh sụt giảm mạnh

Duy Cường

Ngày 3/9, chứng khoán châu Âu và Mỹ mất điểm trong khi giá dầu đã giảm xuống 109,35 USD/thùng

Cổ phiếu khối khai mỏ, năng lượng, hàng không và ngân hàng giảm mạnh đã đẩy thị trường Anh chìm trong sắc đỏ - Ảnh: AP.
Cổ phiếu khối khai mỏ, năng lượng, hàng không và ngân hàng giảm mạnh đã đẩy thị trường Anh chìm trong sắc đỏ - Ảnh: AP.
Ngày 3/9, chứng khoán châu Âu và Mỹ mất điểm trong khi giá dầu đã giảm xuống 109,35 USD/thùng

Chứng khoán Mỹ: S&P 500 tiếp tục mất điểm

Sản lượng khai thác dầu ở Vịnh Mexico đã dần phục hồi sau khi cơn bão Gustav đi qua khiến giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 10 tại NYMEX trong ngày 3/9 đã giảm thêm 36 cent/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 109,35 USD/thùng.

Tuy giá dầu giảm mạnh và được dự báo có thể về 85 USD/thùng, nhưng riêng Goldman Sachs vẫn tiếp tục duy trì quan điểm của mình, rằng giá dầu sẽ lên đến 149 USD/thùng vào cuối năm nay.

Ngày 3/9, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, số đơn đặt hàng tại các nhà máy của nước này đã tăng 1,3% trong tháng Bảy do số lượng các đơn đặt hàng của ngành vận tải tăng mạnh. Bên cạnh đó, các đơn đặt hàng đối với ngành chế tạo kim loại, máy móc và hàng lâu bền cũng tăng trên 1,3% so với tháng Sáu.

Liên quan đến hai nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, Ford  và Toyota  vừa công bố doanh số bán xe trong tháng Tám tại thị trường Mỹ. Theo đó, doanh số bán xe của Ford đã giảm còn 155.690 chiếc, giảm 26,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do doanh số bán xe tải, dòng xe SUVs giảm mạnh và do trước đó hãng đã chủ động cắt giảm sản xuất xe ôtô.

Trong khi đó, doanh số bán xe ôtô của nhà sản xuất Toyota trong tháng Tám đã giảm còn 211.533 chiếc, thấp hơn 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau thông tin này cổ phiếu của Ford tăng 1,33% lên 4,57 USD/cổ phiếu trong khi cổ phiếu Toyota tại NYSE cũng tiến thêm 1,36 % lên 90,04 USD/cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ phiên giao dịch này đã có diễn biến trái chiều khi chỉ số Dow Jones tăng nhẹ trong khi chỉ số Nasdaq và S&P 500 có xu hướng ngược lại.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 15,96 điểm, tương đương 0,14%, đóng cửa ở mức 11.532,88.

Chỉ số Nasdaq phiên này trượt 15,51 điểm, tương ứng -0,66%, chốt ở mức 2.333,73.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiếp tục giảm 2,6 điểm, tương đương -0,2%, đóng cửa ở mức 1.274,88.

Chứng khoán châu Âu: Thị trường Anh giảm mạnh

Chứng khoán châu Âu đã giảm mạnh phiên giao dịch hôm thứ Tư do số liệu về kinh tế vĩ mô của 15 quốc gia sử dụng chung đồng Euro được công bố đã phát đi tín hiệu về khả năng suy thoái kinh tế của khu vực này.

Theo đó, trong quý 2/2008, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp đã giảm 1,2%, chi tiêu dùng của người dân giảm 0,2% và xuất khẩu giảm 0,4%...

Nếu như trong phiên trước, cổ phiếu khối vận tải hàng không dẫn đầu trong nhóm cổ phiếu tăng điểm thì phiên ngày 3/9, khối này lại giảm mạnh nhất. Cụ thể, cổ phiếu British Airways trượt 4%, Ryanair mất 3,8%, Air France-KLM giảm 1%...

Trong khi đó, thị trường Anh đã giảm mạnh khi nhiều cổ phiếu khối khai mỏ, năng lượng đã giảm từ 5%-15% do giá vàng, các kim loại khác và giá dầu tiếp tục giảm… Bên cạnh đó cổ phiếu khối ngân hàng cũng đi xuống góp phần đẩy thị trường đi xuống.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh sụt giảm 121 điểm, tương đương -2,15%, đóng cửa ở mức 5.499,7, khối lượng giao dịch đạt 2,16 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này mất 0,78%. Chỉ số CAC 40 của Pháp tụt 2,03%, khối lượng giao dịch đạt 139 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Điểm sáng Nhật, Hàn
 
Sau hai ngày liên tiếp mất điểm trước đó, chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Tư đã tăng điểm trở lại nhờ giá dầu giảm xuống dưới 110 USD/thùng và cổ phiếu các nhà xuất khẩu lớn như Honda, Toyota tăng điểm mạnh.

Trong phiên giao dịch này, đồng Yên đã giảm giá so với USD nên đã giúp cổ phiếu của Honda tăng 5,1%, cổ phiếu Toyota lên 2,1%, cổ phiếu Canon tiến thêm 1,7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 80,12 điểm, tương đương  0,64%, đóng cửa ở mức 12.689,59. Khối lượng giao dịch phiên này tăng vọt lên 1,9 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2 mã tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Liên quan đến thị trường Hàn Quốc, Ngân hàng Goldman Sachs cho biết, rất có thể Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ tăng lãi suất cơ bản trong tháng Chín hoặc tháng Mười năm nay để kiềm chế lạm phát và tránh sự trượt giá của đồng Won.

Được biết, lãi suất cơ bản của đồng Won hiện duy trì ở mức 5,25%/năm, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Bên cạnh đó, đồng Won đã mất 19% giá trị so với USD kể từ đầu năm 2008 và lạm phát trong tháng Tám của nước này đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hàn Quốc phiên này đã lên điểm nhờ sức tăng của cổ phiếu khối công nghệ. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI tăng 1,4%, đóng cửa ở mức 1.426,89.

Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông phiên này giảm 2,17%. Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tiếp tục giảm 1,71%. Chỉ số Straits Times của Singapore mất 1,28%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc trượt 1,22%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.516,92 11.532,88  Up 15,96 Up 0,14
Nasdaq 2.349,24 2.333,73  Down 15,50 Down 0,66
S&P 500 1.277,58 1.274,98  Down  2,60 Down 0,20
Anh FTSE 100 5.620,70 5.499,70  Down121,00 Down 2,15
Đức DAX 6.518,47 6.467,49  Down  50,98 Down 0,78
Pháp CAC 40 4.539,07 4.447,13 Down  91,94  Down 2,03
Đài Loan Taiwan Weighted 6.699,82 6.584,93 Down114,89 Down 1,71
Nhật Nikkei 225 12.609,47 12.689,59 Up 80,12 Up 0,64
Hồng Kông Hang Seng 21.042,46 20.585,06  Down457,40 Down 2,17
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.407,14 1.426,89 Up 19,75 Up 1,40
Singapore Straits Times 2.756,61 2.723,74 Down 35,20 Down 1,28
Trung Quốc Shanghai Composite 2.304,89 2.276,67 Down 28,22 Down 1,22
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg