09:55 09/04/2025

Chuyên gia: Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 30%, 70% rất quan trọng Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn

Thu Minh

Việt Nam có rất nhiều dư địa để mở rộng sang các thị trường khác. Trong giai đoạn bất ổn chính sách hiện nay, việc Việt Nam khai thác hiệu quả 70% thị phần xuất khẩu còn lại ngoài thị trường Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và thị trường chứng khoán của VnDirect vừa đưa ra nhận định về mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ sẽ áp lên hàng hóa Việt Nam.

Theo ông Hinh, mức thuế vừa được công bố sẽ tạo ra những thách thức đáng kể cho cán cân thương mại của Việt Nam. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại lớn với Mỹ, đạt 104,6 tỷ USD vào năm 2024 tăng 5% so với 99,6 tỷ USD năm 2023, cùng với mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sang Mỹ, đạt 23,2% trong năm 2024 so với 18,8% năm 2023.

Mặc dù phản ứng sơ bộ của thị trường cho thấy hành động bán tháo phần lớn đến từ tâm lý lo ngại, một phân tích sâu rộng hơn về tiềm năng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là cần thiết. Trước hết, với việc thị trường Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024, VnDirect tin rằng đây là một tỷ lệ cao nhưng không phải quá lớn.

Với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đa dạng, quan hệ thương mại vững chắc với Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng với vị thế chiến lược trong các hiệp định thương mại tự do then chốt như CPTPP, RCEP và EVFTA, Việt Nam có rất nhiều dư địa để mở rộng sang các thị trường khác. Trong giai đoạn bất ổn chính sách hiện nay, việc Việt Nam khai thác hiệu quả 70% thị phần xuất khẩu còn lại ngoài thị trường Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng.

Nhìn vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ thông qua hai tỷ lệ gồm tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cụ thể sang Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ; và tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cụ thể sang Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, VnDirect nhận thấy nhóm Gỗ và sản phẩm gỗ, Dệt may, Máy móc thiết bị, Giày dép, và Hàng điện tử phụ thuộc hơn 30% vào thị trường Mỹ. Như vậy, những nhóm ngành này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề trước mức thuế đối ứng sơ bộ 46%.

Ngược lại, nhóm ngành Thép, Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, 3) Điện thoại các loại, và Thủy sản phụ thuộc dưới 20% vào thị trường Mỹ, dẫn đến mức độ tác động có thể được giới hạn. Mặc dù cần xem xét các mức thuế hiện hành đối với từng nhóm sản phẩm, những nhận định sơ bộ trên là cơ sở ban đầu để đánh giá khả năng đa dạng hóa ở cấp độ nhóm ngành.

Bên cạnh đó, khi xem xét các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực từ Mỹ trong năm 2024, VnDirect nhận thấy Việt Nam còn nhiều tiềm năng gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, LNG, và máy bay, hay các ưu tiên xuất khẩu khác của Mỹ, qua đó hỗ trợ giảm bớt sự mất cân bằng thương mại hiện tại.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và thị trường chứng khoán của VnDirect. 
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và thị trường chứng khoán của VnDirect. 

Chuyên gia của VnDirect đưa ra 2 kịch bản đối với Việt Nam, bao gồm mức 46% trong kịch bản xấu và mức thuế thấp hơn là 20-25% trong kịch bản tích cực.

Trong kịch bản xấu: Việt Nam sẽ nằm trong nhóm chịu thuế suất cao nhất bao gồm Trung Quốc, EU và Việt Nam và cao hơn đáng kể so với một số nước cạnh tranh trực tiếp trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippines,...

Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đồng thời giá thành đến tay người tiêu dùng Mỹ tăng vọt cũng sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng của người dân Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng dễ thay thế hoặc có mức độ nhạy với giá cao như đồ nội thất, dệt may, da giày, nông sản.

Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu quan trọng khác như Trung Quốc, EU cũng sẽ tăng lên khi cầu giảm do triển vọng kinh tế xấu đi bởi thương chiến và Chính phủ các nước thúc đẩy người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng nội địa. Trong kịch bản này, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ có thể sụt giảm khoảng 20-25% trong năm 2025 so với kịch bản không có thuế và tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể sụt giảm khoảng 9-11% so với kịch bản không bị áp thuế.

Do đó, trong kịch bản tiêu cực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể chỉ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong năm 2025. Điều này có thể khiến tăng trưởng GDP năm 2025 thấp hơn khoảng 2-3 điểm % so với kịch bản không có thuế.

Trong kịch bản tích cực hơn: Nếu mức thuế đối ứng cho Việt Nam được điều chỉnh xuống mức 20-25%, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ nhìn chung sẽ ít chịu ảnh hưởng nhờ mức thuế suất mà Việt Nam phải chịu thấp hơn đáng kể Trung Quốc và không chịu bất lợi so với mức thuế 25% mà Mỹ dự kiến áp cho Mexico và Canada.

Đồng thời sẽ không có chênh lệch đáng kể giữa mức thuế của Việt Nam với một số nước cạnh tranh trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippines, qua đó giúp duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Trong kịch bản này, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ có thể chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 5-10% so với kịch bảng không bị áp thuế và tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2025 chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 3-5% so với kịch bản không bị áp thuế. Trong kịch bản này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có thể đạt mức khá khoảng 6-7% trong năm 2025. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 có thể thấp hơn khoảng 0,5-1,0 điểm % trong kịch bản này.