13:56 04/01/2023

Đầu năm, HoSE công bố sẽ cắt margin với 65 mã chứng khoán

Thu Minh

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa công bố danh sách 65 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 1/2023.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa công bố danh sách 65 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 1/2023. Danh sách này bổ sung thêm 3 mã so với số lượng trong danh sách công bố hồi đầu quý 4/2022.

Theo đó, hầu hết các cổ phiếu bị cắt margin trong quý đầu tiên của năm 2023 đều thuộc diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như: CIG, DLG, DXV, HNG, HOT, HU1, HU3, ITA, MCG, OGC, PIT, PMG, PTL, QBS, RDP, SCD, SGT, SII, SJD, SMA, TCR, TDH, TNI, TTF, UDC, VFG, VOS,...

Trong đó, có những nhóm từng nổi đình nổi đám trên thị trường trong thời gian qua như hệ sinh thái FLC gồm FLC, GAB, HAI, AMD. Về nguyên nhân bị cắt margin quý 1/2023, cổ phiếu GAB mới đây đã bị HoSE chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 5/1/2023; FLC và HAI đang thuộc diện đình chỉ giao dịch, chưa rõ thời gian trở lại sàn; còn AMD thuộc diện hạn chế giao dịch do chậm công bố báo cáo tài chính bán niên 2022.

Tương tự như cổ phiếu AMD, mã chứng khoán ngành bất động sản khu công nghiệp LHG - Long Hậu tiếp tục bị HoSE cắt margin trong quý 1/2023 này do chậm công bố BCTC bán niên 2022. ITA của Tân Tạo cũng bị cắt margin.

Với nhóm nông nghiệp, HAG của Hoàng Anh Gia Lai dù đã chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ tháng 10/2022, song tiếp tục bị cắt margin trong quý này.

Với nhóm hàng không, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, AST của Taseco, SCS của Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn vẫn bị cắt margin do đang trong diện kiểm soát của HoSE.

Một vài cổ phiếu tăng "nóng" trong giai đoạn 2020-2021 cũng thuộc diện bị cắt margin trong quý 1 như TGG của nhóm Louis; mã JVC, NVT của nhóm "DNP-Tasco"...

Top 9 cổ phiếu bị cắt margin. 
Top 9 cổ phiếu bị cắt margin. 

Cổ phiếu VDS của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt cũng bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính Hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2022 là số âm.

Mặt khác, nguyên nhân dẫn đến việc cắt margin còn là việc doanh nghiệp có lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ/LNST trên BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2022 là số âm như AGM, ASP, BCE, HAS, HID, KHP, LEC, MHC, POM, PSH, PTC, PVD, SBV, SJF, VDS và VIP. Hoặc Công ty nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc vi phạm thuế như SCS, TDW.

Bên cạnh đó, danh sách 65 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ còn một số mã có thời gian niêm yết dưới 6 tháng nên chưa thể tham gia giao dịch margin như ACG, hay chứng chỉ quỹ FUCTVGF4 của Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Thiên Việt 4, FUEDCMID của Quỹ ETF DCVFMVNMIDCAP, FUEKIVFS của quỹ ETF Kim Grouth VNFINSECLECT, NO1 của Tập đoàn 911.

Cho vay margin luôn là mảng hái ra tiền của các công ty chứng khoán. Thống kê của VnEconomy cho thấy, lượng cho vay margin tại các công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý 3 vừa qua. Tại 40 công ty chứng khoán top đầu cho vay margin, con số này tính đến 30/9 là 170.000 tỷ đồng, tăng 30.000 tỷ đồng so với con số của cuối quý 2/2022 và giảm 13.000 tỷ đồng so với con số đầu năm.

Tuy nhiên, trong quý 4 vừa qua, lượng margin có thể đã giảm đáng kể trong bối cảnh làn sóng giải chấp diễn ra trên diện rộng đặc biệt với lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản.

Với việc cắt margin của nhiều doanh nghiệp cũng được dự báo sẽ khiến thanh khoản thị trường sụt giảm trong thời gian tới.

Trong báo cáo triển vọng dòng tiền 2023, Chứng khoán ACBS nhận định, với riêng thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục giảm sụt giảm mạnh. Thanh khoản thị trường đạt đỉnh ở quý 1/2022 với bình quân 31.400 tỷ đồng/phiên trên toàn thị trường. Tuy nhiên, sau cú sốc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các vụ án hình sự cùng các làn sóng tin đồn thất thiệt lan rộng, thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 4, 5 và 8 khiến thanh khoản sụt còn 1/3 đến 1/2 đầu quý 4/2022.

Nhờ dòng tiền ngoại vào mạnh ở tháng 11, 12 nên thanh khoản đã trở lại ngưỡng 17.8000 tỷ đồng ở tháng cuối năm 2022. Theo thống kê, thanh khoản bình quân năm 2022 chỉ đạt 20.700 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2021. Như vậy, so với hồi đầu năm, thanh khoản hiện nay chỉ còn gần một nửa và chỉ bằng 1/3 so với mức đỉnh.

Dự báo năm 2023, thanh khoản sẽ tiếp tục giảm sụt về mức trung bình 15.000 tỷ đồng/phiên, tương đương giảm -30% so với bình quân 2022.