10:32 13/03/2007

Doanh nghiệp FDI: Quá nửa lao động chưa qua đào tạo

Hà Lê

Chỉ có 40% lao động làm việc cho các doanh nghiệp doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã được đào tạo nghề

Qua khảo sát cho thấy, có 44% doanh nghiệp FDI thực hiện đào tạo lại lao động với các mức độ khác nhau cho khoảng 30% số lao động tuyển dụng - Ảnh: Việt Tuấn.
Qua khảo sát cho thấy, có 44% doanh nghiệp FDI thực hiện đào tạo lại lao động với các mức độ khác nhau cho khoảng 30% số lao động tuyển dụng - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn FDI chỉ có 40% qua đào tạo nghề còn lại là lao động phổ thông. Trong khi đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo cũng chưa đáp ứng được.

Đây là đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo phát triển nguồn nhân lực và quan hệ lao động trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vừa được Tổng cục Dạy nghề phối hợp với Văn phòng Hiệp hội đào tạo nghề ngoài nước Nhật Bản tại Thái Lan (OVTA) tổ chức.

Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề liên quan tới quan hệ lao động. Theo ông Mạc Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), hiện nay, ở hầu hết các địa phương đều có doanh nghiệp FDI và mạng lưới các trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề.

Tuy nhiên, hạn chế của các cơ sở day nghề Việt Nam hiện nay là thiết bị dạy và học, nhất là thiết bị thực hành thường không theo kịp với những thay đổi về công nghệ của các doanh nghiệp FDI, chương trình dạy nghề rộng và chưa thể đào tạo được những nghề đặc thù theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng này, một số doanh nghiệp FDI đã thành lập cơ sở dạy nghề như Trường Dạy nghề Dung Quất (Khu công nghiệp Dung Quất), Trung tâm dạy nghề Việt Nam - Singapore (Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore), Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ bán công (Khu công nghiệp Linh Trung).

Các doanh nghiệp FDI cũng tự tổ chức dạy nghề ngắn hạn và đào tạo lại tại chỗ cho số lao động được tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Qua khảo sát cho thấy, có 44% doanh nghiệp FDI thực hiện đào tạo lại lao động với các mức độ khác nhau cho khoảng 30% số lao động tuyển dụng. Ở một số khâu chủ yếu của dây chuyền công nghệ tiên tiến hoặc đặc thù, lao động được tuyển dụng đã được doanh nghiệp đưa đi bồi dưỡng ở nước ngoài.

Ưu điểm của dạy nghề tại khu công nghiệp là chương trình phù hợp với sản xuất của doanh nghiệp, học sinh được thực hành với những thiết bị đang vận hành tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hạn chế của hình thức dạy nghề tại doanh nghiệp là phương pháp và kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế. Lao động chỉ được đào tạo và bồi dưỡng những gì mà doanh nghiệp đó cần. Chính vì thế người lao động khi chuyển nghề sang doanh nghiệp khác sẽ gặp khó khăn.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2006, cả nước có 6.761 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 57,3 tỷ USD. Nhật Bản là nước đứng thứ 3 về tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam (khoảng 7,1 tỷ USD) với 724 dự án còn hiệu lực.

Các địa phương có nhiều dự án đầu tư từ Nhật Bản gồm Tp.HCM (196 dự án), Hà Nội (139 dự án), Đồng Nai (55 dự án), Bình Dương (54 dự án), Hải Phòng (139 dự án)...

Theo ông Kotaro Uchiyama, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện Staley tại Việt Nam, trước khi vào Việt Nam các doanh nghiệp được biết thông tin nhân lực Việt Nam rất dồi dào, thông minh, chăm chỉ... Nhưng thực tế lại gặp nhiều khó khăn từ vấn đề trình độ và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt ở các vị trí quản lý hoặc lao động có trình độ tay nghề cao.

Chính vì vậy khi đến Việt Nam các nhà đầu tư Nhật Bản đều phải tổ chức đào tạo lại lao động, kể cả tay nghề và trình độ ngoại ngữ. Cùng với quan điểm này, ông Fumitomi Suda, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện Niss tại Việt Nam cũng cho rằng, khả năng làm việc theo nhóm là một trong những điểm yếu nhất của lao động Việt Nam, trong khi đó, đây chính là lợi thế của lao động Nhật Bản.

Chia sẻ một số kinh nghiệm trong vấn đề dạy nghề cho lao động trong các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cho lao động làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản, ông Kotaro Uchiyama cho rằng, Việt Nam cần phải rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu lao động có nghề cho các doanh nghiệp FDI, trong đó khuyến khích thành lập cơ sở dạy nghề trong doanh nghiệp FDI, nhất là trong doanh nghiệp có quy mô sử dụng lao động lớn.

Theo mục tiêu trong giai đoạn 2006-2010, cả nước phải có khoảng 7,5 triệu lượt người được qua đào tạo nghề. Do đó, phát triển chương trình dạy nghề bao gồm: xây dựng và ban hành chương trình khung trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề, căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề, phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất.

Đó là một trong số các giải pháp quan trọng được đề ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn tới. Để làm được điều này, việc học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, sẽ là một trong những căn cứ khoa học và hiệu quả cho các nhà hoạch định chính sách dạy nghề của Việt Nam.