15:17 17/08/2023

Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội và tiến tới còn 10 năm được hưởng lương hưu

Nhật Dương

Chính phủ đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Đây cũng là cơ sở để dần hướng tới mục tiêu giảm còn 10 năm khi thực hiện cải cách chính sách bảo hiểm xã hội…

Người dân phấn khởi nhận lương hưu được chi trả theo mức mới từ ngày 14/8.
Người dân phấn khởi nhận lương hưu được chi trả theo mức mới từ ngày 14/8.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng 17/8 đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về các nội dung nhận được sự quan tâm lớn của người lao động như: Giảm số năm tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giải quyết việc lao động rút bảo hiểm xã hội...

TẠO CƠ HỘI CHO NHIỀU NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC TIẾP CẬN LƯƠNG HƯU

Về điều kiện hưởng lương hưu, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, vấn đề này đang còn có hai loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến tán thành giảm xuống 15 năm, nhưng cũng có ý kiến đề nghị giữ 20 năm như Luật hiện hành.

Góp ý về nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với dự thảo của Chính phủ trình. Bởi, việc quy định giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm là phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng với quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn như 45 -  47 tuổi trở lên, hoặc những người tham gia liên tục, không liên tục dẫn đến nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội vẫn sẽ vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh - Quochoi.vn.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh - Quochoi.vn.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh dẫn chứng, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, trong 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476.000 người đã tham gia bảo hiểm xã hội khó có cơ hội nhận được lương hưu.

Ngoài ra, mặc dù mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ, nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế.

Điều này sẽ góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động khi về già. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với dự án Luật do Chính phủ trình về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu. Trước đây, thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài nên nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Những lúc khó khăn như trong dịch Covid-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc vấn đề giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh - Quochoi.vn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc vấn đề giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh - Quochoi.vn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm.

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KỸ LƯỠNG CÁC NỘI DUNG THAY ĐỔI TRONG DỰ ÁN LUẬT

Liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội một lần, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.

Chủ tịch Quốc hội đề xuất thêm phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi Luật có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội một lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm.

Việc làm này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn. 
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn. 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án Luật khó, có tác động lớn và đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật có chất lượng.

Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết đây là lần đầu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì vậy đề nghị các cơ quan tiếp tục họp bàn, thảo luận, từng bước hoàn thiện và lưu ý những nội dung quan trọng mà Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá.

Ngoài ra, cần đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng các nội dung về việc thay đổi Hội đồng quản lý quỹ; rà soát để đầy đủ hơn trong việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc; trợ cấp hưu trí; về xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm và mức xử phạt; quy định về bảo hiểm thất nghiệp và nhiều vấn đề khác…

Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ quan thẩm tra; các cơ quan của Quốc hội; các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các cơ quan có liên quan, để hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm các chính sách được giải trình thấu đáo, có cơ sở vững chắc, có tính thuyết phục cao.

Đối với các nội dung có sự tác động lớn, nhạy cảm, cần xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi trình Quốc hội.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để nắm bắt dư luận đối với dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo lại trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2023.