09:22 14/07/2022

Hà Nội vượt mốc 1.000 ca tay chân miệng, cảnh giác nguy cơ đồng nhiễm sốt xuất huyết

Hoài Phương

Đáng chú ý, có trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 4. Đây là mức độ rất nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải can thiệp thở máy…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bé N.Đ.A. (nam, 9 tháng tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng khó thở, nhịp tim nhanh. Theo người nhà bé, ban đầu đi khám bé được chẩn đoán mắc suy hô hấp, viêm phổi. Nhưng khi các bác sĩ chỉ định làm thêm xét nghiệm test nhanh EV71 thì kết quả là bé A. mắc tay chân miệng mức độ 4, tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Cha mẹ bất ngờ vì con chưa đi học, không biết nguồn lây từ đâu.

Những ngày này, Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn mỗi ngày tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhi tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý, giai đoạn cao điểm, có những ngày Khoa phải tiếp nhận đến 7 - 8 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Tại Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội), số trẻ đến khám vì tay chân miệng cũng gia tăng. Các bác sỹ cho rằng, việc sinh hoạt tập thể tại lớp học, nhà trẻ có thể là nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ. Sự tăng cường tiếp xúc sau Covid-19 tạo điều kiện cho tay chân miệng lây lan mạnh.

Theo số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong tuần 26 khu vực miền Bắc ghi nhận 174 trường hợp mắc tay chân miệng, không có ca tử vong. Lũy tích năm 2022, miền Bắc ghi nhận 4.888 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (1.387), số ca mắc đã tăng 252%.

Đáng chú ý, tại Hà Nội, số ca tay chân miệng ghi nhận từ đầu năm đến nay là 1.028 ca, trong đó chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Như vậy, bệnh nhân tay chân miệng của Hà Nội đã tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 (191 ca). Trong năm 2022, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận bệnh nhân tay chân miệng. Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh hiện là 3 địa bàn đứng đầu về dịch bệnh này, với số ca bệnh ghi nhận trong năm nay lần lượt là 137 ca, 106 ca, 96 ca.

Trong 7 - 10 ngày đầu của bệnh tay chân miệng , trẻ không nên đến nhà trẻ, trường học, sân chơi tập trung...
Trong 7 - 10 ngày đầu của bệnh tay chân miệng , trẻ không nên đến nhà trẻ, trường học, sân chơi tập trung...

Theo nhận định của ngành y tế Hà Nội, dự báo số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang vào cao điểm mùa dịch. Hiện tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ. Phụ huynh không được tự ý dùng thuốc kháng sinh điều trị khi không có bội nhiễm. Trẻ mắc tay chân miệng cần được theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Đối với trường hợp nặng, phải đảm bảo xử lý theo nguyên tắc hồi sức cấp cứu. Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, 3 dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ bị tay chân miệng có diễn biến nặng gồm:

- Trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị. Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Trẻ giật mình. Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Phụ huynh chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài. Trẻ có thể quấy khóc nhiều. Thậm chí, trẻ quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. Với trẻ mắc bệnh nhẹ, cần cách ly trẻ bệnh tại nhà. Trong 7 - 10 ngày đầu của bệnh, trẻ không nên đến nhà trẻ, trường học, sân chơi tập trung…

Trong 3 ngày đầu của bệnh rất khó để phân biệt sốt xuất huyết và tay chân miệng vì các dấu hiệu của hai bệnh này tương đối giống nhau. 
Trong 3 ngày đầu của bệnh rất khó để phân biệt sốt xuất huyết và tay chân miệng vì các dấu hiệu của hai bệnh này tương đối giống nhau. 

Trong khi đó, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết cũng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Thành phố còn 10 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại 7 quận, huyện. Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới, trong đó tại huyện Mê Linh có 2 ổ dịch và quận Bắc Từ Liêm có 1 ổ dịch.

Trên thực tế, với tình hình thời tiết nóng ẩm như hiện nay, nguy cơ trẻ đồng nhiễm sốt xuất huyết và tay chân miệng là rất cao. Tại TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa qua đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi vừa mắc tay chân miệng vừa mắc sốt xuất huyết. Quá trình chẩn đoán và điều trị trẻ đồng nhiễm hai bệnh này rất khó khăn.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, trong 3 ngày đầu của bệnh rất khó để phân biệt sốt xuất huyết và tay chân miệng vì các dấu hiệu của hai bệnh này tương đối giống nhau. Quá trình điều trị cho trẻ đồng nhiễm cũng gây ra không ít khó khăn cho các bác sĩ do thuốc dùng để điều trị cho bệnh tay chân miệng lại không được phép sử dụng trong điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Chính vì vậy khi tiếp nhận các ca bệnh đồng nhiễm sốt xuất huyết và tay chân miệng các bác sĩ cần phải hết sức chú ý tới các triệu chứng của bệnh nhân. Bên cạnh đó cần cho bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu của bệnh nhân giảm, HTC cô đặc có nghĩa là bệnh sốt xuất huyết đang chiếm ưu thế. Nếu bạch cầu tăng, tiểu cầu tăng thì bệnh tay chân miệng đang có diễn tiến nặng hơn. Các bác sĩ cần nhận định chính xác bệnh nào đang có xu hướng nặng hơn để ưu tiên điều trị kịp thời.