ILO: Sự phục hồi của thị trường lao động đang giảm nhiệt
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết căng thẳng địa chính trị, chi phí liên quan đến biến đổi khí hậu gia tăng, và các vấn đề nợ chưa được giải quyết đang tạo sức ép đối với thị trường lao động trong năm 2025…
Theo Báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới 2025 mới được Tổ chức Lao động Quốc tế công bố, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại khiến thị trường lao động khó phục hồi hoàn toàn.
THÁCH THỨC VỚI CÔNG CUỘC PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Báo cáo cho biết năm 2024, việc làm toàn cầu duy trì không đổi và chỉ tăng trưởng do sự gia tăng của lực lượng lao động, do đó tỷ lệ thất nghiệp được giữ ổn định ở mức 5%. Tuy nhiên, không có nhiều cải thiện đối với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, hiện vẫn ở mức cao là 12,6%.
Việc làm phi chính thức và tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo đã trở lại mức trước đại dịch. Trong đó, các quốc gia thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn nhất trong việc tạo việc làm thỏa đáng.
Báo cáo cho thấy rằng những thách thức như căng thẳng địa chính trị, chi phí liên quan đến biến đổi khí hậu gia tăng và các vấn đề nợ chưa được giải quyết, đang tạo sức ép đối với thị trường lao động.
Theo báo cáo, mặc dù lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, làm giảm giá trị tiền lương. Tiền lương thực tế chỉ tăng ở một số nền kinh tế tiên tiến có nhu cầu lao động đặc biệt cao. Hầu hết các quốc gia vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau tác động của đại dịch và lạm phát. Tiền lương thực tế vẫn chưa bù đắp được những tổn thất trong những năm đại dịch và giai đoạn lạm phát sau đó.
Báo cáo cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở các quốc gia thu nhập thấp đã và đang giảm, trong khi đó, tỷ lệ này lại tăng ở các quốc gia thu nhập cao, chủ yếu ở nhóm lao động lớn tuổi và phụ nữ.
Tuy nhiên, khoảng cách giới vẫn còn lớn khi số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động ít hơn, điều này khiến tiến bộ về mức sống bị hạn chế. Tỷ lệ tham gia của nam thanh niên đã giảm mạnh, mà trong số đó nhiều người không được giáo dục, không có việc làm, hoặc không được đào tạo (NEET).
Xu hướng này đặc biệt rõ rệt ở các quốc gia thu nhập thấp, nơi tỷ lệ người không được giáo dục, không có việc làm, hoặc không được đào tạo đối với nam thanh niên đã tăng gần 4 điểm phần trăm, so với mức trung bình lịch sử trước đại dịch. Điều này khiến họ dễ bị tổn thương trước những thách thức về kinh tế.
Tỷ lệ người không được giáo dục, không có việc làm, hoặc không được đào tạo ở các quốc gia thu nhập thấp tăng lên trong năm 2024. Theo đó, con số này ở nam thanh niên đã tăng lên 15,8 triệu người (20,4%) và nữ thanh niên đã lên tới 28,2 triệu (37,0%), ghi nhận mức tăng lần lượt là 500.000 người và 700.000 người so với năm 2023.
Trên toàn cầu, năm 2024, có 85,8 triệu nam thanh niên (13,1%) và 173,3 triệu nữ thanh niên (28,2%) thuộc diện không được giáo dục, không có việc làm, hoặc không được đào tạo, tăng lần lượt là 1 triệu và 1,8 triệu so với năm trước.
HỖ TRỢ CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ TẠO VIỆC LÀM
Cũng theo ILO, khoảng cách việc làm toàn cầu – số lượng ước tính những người muốn làm việc nhưng không có việc làm đã đạt 402 triệu người vào năm 2024.
Con số này bao gồm 186 triệu người thất nghiệp, 137 triệu người tạm thời không thể làm việc, và 79 triệu lao động nản chí đã ngừng tìm kiếm việc làm. Mặc dù khoảng cách này đã dần thu hẹp kể từ đại dịch, nhưng dự kiến sẽ ổn định trong 2 năm tới.
Nghiên cứu xác định tiềm năng tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực năng lượng xanh và công nghệ số. Việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tăng lên 16,2 triệu trên toàn thế giới nhờ sự đầu tư vào năng lượng mặt trời, và năng lượng hydro.
Các khoản trợ cấp quy mô lớn và việc mở rộng cơ sở hạ tầng công cộng, liên quan đến các trạm sạc điện và lưới điện, đã góp phần đẩy mạnh sản lượng điện mặt trời và năng lượng hydro, từ đó góp phần thúc đẩy sự gia tăng số lượng xe điện nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc tạo ra việc làm trong sản xuất năng lượng tái tạo không được phân bổ đồng đều trên toàn cầu. Gần một nửa số cơ hội việc làm xanh mới là ở Đông Á.
Trong khi có rất ít phúc lợi việc làm thỏa đáng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác. Bắc Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương đã thu hút phần lớn việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Riêng Trung Quốc đã chiếm 46% tổng số việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Báo cáo lưu ý rằng công nghệ số cũng mang lại nhiều cơ hội, nhưng nhiều quốc gia lại thiếu cơ sở hạ tầng và kỹ năng để thụ hưởng đầy đủ từ những tiến bộ này.
Tổng giám đốc ILO, ông Gilbert F. Houngbo, nhấn mạnh sự cần thiết phải khẩn trương hành động. Theo ông, việc làm thỏa đáng và việc làm có năng suất là cần thiết để đạt được công bằng xã hội và các Mục tiêu Phát triển bền vững.
"Để tránh làm trầm trọng thêm sự căng thẳng hiện hữu trong gắn kết xã hội, tác động khí hậu leo thang và tình trạng nợ tăng vọt, chúng ta phải hành động ngay để giải quyết những thách thức của thị trường lao động và tạo ra một tương lai công bằng hơn, bền vững hơn. Mọi sự chậm trễ đều có nguy cơ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng và khiến hàng triệu người bị bỏ xa hơn nữa”, ông Gilbert F. Houngbo nói.
Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị để giải quyết những thách thức hiện tại. Đó là tăng năng suất, đầu tư vào đào tạo kỹ năng, giáo dục và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Đồng thời, mở rộng an sinh xã hội cho phép tiếp cận tốt hơn với an sinh xã hội và điều kiện làm việc an toàn để giảm bất bình đẳng. Bên cạnh đó là sử dụng hiệu quả các quỹ tư nhân, các quốc gia thu nhập thấp có thể khai thác kiều hối và quỹ của cộng đồng người dân sinh sống và làm việc ở nước ngoài để hỗ trợ phát triển địa phương.