09:43 25/09/2024

IR là “chìa khóa” kích hoạt nguồn vốn, thúc đẩy phát triển bền vững

Hải Vân

Khoảng 60% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã đạt chuẩn trong hoạt động IR. Đây không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư mà còn là “chìa khóa” để tối ưu hóa nguồn vốn và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp…

Khoảng 60% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã đạt chuẩn trong hoạt động IR - Ảnh minh họa.
Khoảng 60% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã đạt chuẩn trong hoạt động IR - Ảnh minh họa.

Tại hội thảo “IR View: “Xanh hóa” chuỗi cung ứng” do Vietstock tổ chức ngày 24/09, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã hé lộ bí quyết thu hút vốn quốc tế, cách thức thực hiện Quan hệ Nhà đầu tư (IR) và chiến lược phát triển bền vững trong “kỷ nguyên xanh” của nền kinh tế.

60% DOANH NGHIỆP NIÊM YÊT ĐẠT CHUẨN IR

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ (HD Capital), cho biết cách đây hơn 10 năm, có một báo cáo cho thấy chỉ có chưa đầy 10% doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn về hoạt động IR. Song, đến năm 2018 - 2019, con số này đã tăng lên 40% và bây giờ (năm 2024) đã chạm mốc 60%.

“Những con số này phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc, bức tranh chung tuy đã cải thiện, nhưng đồng thời cũng cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện; vẫn có sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ”, ông Long nhấn mạnh.

 

“Hoạt động IR không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nó là “chìa khóa” để tối ưu hóa giá trị cổ đông và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để hoạt động IR hiệu quả doanh nghiệp cần tính minh bạch, chính xác của thông tin; sự công bằng trong đối xử với cổ đông và khả năng xây dựng niềm tin dài hạn” - Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ (HD Capital).

Lý giải về sự chênh lệch này, Tổng Giám đốc HD Capital cho rằng nguồn lực đã ảnh hưởng tới cách thực hiện hoạt động IR ở các doanh nghiệp Việt. “Ở các doanh nghiệp nhỏ, bộ phận IR thường được giao cho phòng kế toán và tài chính kiêm nhiệm. Họ có thể làm việc rất chăm chỉ, nhưng không thể chuyên nghiệp bằng một đội ngũ được đào tạo bài bản về IR”, ông Long giải thích.

Bên cạnh đó, các ngành nghề khác nhau cũng có mức độ tuân thủ IR khác nhau. Các công ty trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thường có hoạt động IR tốt hơn so với một số lĩnh vực khác như bất động sản hay xây dựng.

Nhìn về tương lai, Tổng Giám đốc HD Capital cho rằng vẫn còn nhiều thách thức. Ông Long nêu rõ: "Chỉ có 10% doanh nghiệp niêm yết cung cấp báo cáo song ngữ. Đây là một rào cản lớn trong việc tiếp cận nhà đầu tư quốc tế".

Dù vậy, ông Long nhận định những cơ hội vẫn đang được mở ra mở ra. Sau đại dịch Covid-19, việc tổ chức họp trực tuyến, webinar đã trở nên phổ biến hơn. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nhà đầu tư hơn, với chi phí thấp hơn.

“CHÌA KHÓA” THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Chia sẻ về cách tiếp cận dòng vốn ngoại thông qua việc công bố thông tin ESG (Environmental - Môi trường; Social - Xã hội; Governance - Quản trị doanh nghiệp) bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), cho biết gần đây SSV nhận được nhiều câu hỏi về thực hành ESG, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức quốc tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá, sàng lọc về ESG,... để đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng về xu hướng này.

“Thống kê tại châu Á, nhu cầu đầu tư, các quỹ đầu tư ESG tăng rất mạnh trong những năm gần đây, tổng tài sản có quy mô lên đến 58.000 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với thời điểm 10 năm trước”, bà Ly thông tin.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực, với chỉ một quỹ đầu tư ESG, thấp hơn các nước lân cận như Malaysia hay Thái Lan vốn đang bùng nổ rất mạnh trong những năm gần đây.

Doanh nghiệp được vinh danh tại sự kiện.
Doanh nghiệp được vinh danh tại sự kiện.

Bà Ly cho rằng những dữ liệu ESG có lẽ làn rào cản rất lớn với các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Hiện tại chỉ có 3% các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có thông tin về các phân tích, đánh giá mức độ thực hành ESG. Có 44% doanh nghiệp Việt Nam cam kết thực hiện và có kế hoạch thực hiện ESG. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang rất coi trọng về vấn đề xếp hạng quản trị.

“Doanh nghiệp  cần công bố báo cáo phân tích bền vững trở thành tiêu chí bắt buộc hoặc có những chiến lược rất cụ thể để công bố thông tin mang tính định lượng như dữ liệu về lượng khí thải, mục tiêu giảm lượng khí thải”, bà Ly khuyến nghị.

Đồng thời, việc chủ động thực hành báo cáo thông tin ESG giúp doanh nghiệp niêm yết tiếp cận đến quỹ ESG toàn cầu với quy mô lớn, ước tính 30 ngàn tỷ USD năm 2025 và lên đến 40 ngàn tỷ USD vào năm 2050.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Long kỳ vọng việc thực hiện tốt hoạt động IR sẽ thúc đẩy nâng hạng thị trường Việt Nam và xu hướng đầu tư ESG.

Cũng theo ông Long, nâng hạng thị trường từ lâu đã là vấn đề của Chính phủ lẫn giới đầu tư Việt Nam. Hiện Việt Nam cũng đã có những bước tiến mới để thúc đẩy quá trình này, chẳng hạn như việc Bộ Tài chính vừa đưa ra thông tư mới liên quan tới prefunding (ký quỹ trước) đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Hiện có khoảng 140.000 tỷ USD đang chảy vào các quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu. Con số này gấp 5 lần GDP của Mỹ. Đây là lượng vốn khổng lồ và có thể làm thay đổi bức tranh của một ngành”, Tổng Giám đốc HD Capital chia sẻ.

Dưới góc độ doanh nghiệp đang thực hành ESG, ông Đồng Quang Trung, Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ mô hình IR tại Vinamilk được xây dựng trên 4 trụ chính là minh bạch, khả năng tiếp cận, sự tham gia và xử lý khủng hoảng.

Hiện, danh sách cổ đông của Công ty có 500 nhà đầu tư ngoại, 300 trong đó là các quỹ. Hàng năm, Vinamilk vẫn dành nguồn lực để tham gia 10 sự kiện đầu tư thu hút vốn ở các thị trường trọng điểm là Singapore, Anh, Mỹ, Hồng Kong (Trung Quốc).

Một doanh nghiệp khác cũng rất chú trọng tới các tiêu chí xanh hóa là PAN Group. Theo ông Nguyễn Hồng Hiệp, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn PAN, hành trình “xanh hóa” đã bắt đầu từ khi Công ty chuyển hướng sang mảng nông nghiệp và thực phẩm vào năm 2012.

Theo ông Hiệp, mặc dù Việt Nam đứng thứ hạng khá cao trong lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhưng lại đứng vị trí khá thấp nếu xét về vị trí trong chuỗi giá trị, chất lượng và giá trị gia tăng, đặc biệt là hàng có thương hiệu.

“Các hệ thống quản trị ESG của doanh nghiệp bao giờ cũng được nêu rất nhiều ở các diễn đàn và cũng được quan tâm đặc biệt sau khi Chính phủ cam kết Net Zero vào năm 2050. Điều đó dẫn tới nhiều sự thay đổi liên quan tới chính sách, đòi hỏi sự thay đổi của doanh nghiệp”, ông Hiệp nhấn mạnh

 

Trong khuôn khổ hội thảo “IR View: “Xanh hóa” chuỗi cung ứng” đã diễn ra lễ vinh danh IR Awards 2024. Kết quả có 18 doanh nghiệp, trong tổng số 708 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX được khảo sát, đã được gọi tên. Ở hạng mục nhà đầu tư yêu thích nhất 2024 lần lượt gọi tên những doanh nghiệp với mã chứng khoán như CTG, HDB, MBB, FPT, PNJ, VNM, CTR, FTS, TNG, NAF và ST8.

Trong khi đó, ở hạng mục định chế tài chính đánh giá cao nhất là những doanh nghiệp với mã chứng khoán như: ACB, MBB, SSI, FPT, MWG, VNM, CTR, GEG, PAN, EVE, IVS và NAF.