15:52 03/01/2023

Khủng hoảng ngành gạo Thái Lan: Đồng ruộng ngày càng nhiều gạo Việt Nam

Hoài Thu

Theo Nikkei Asia, ngành lúa gạo Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới - đang thay đổi nhanh chóng khi các giống gạo của Việt Nam ngày càng được trồng nhiều trên đồng ruộng nước này...

Thái Lan từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong hơn ba thập kỷ, nhưng hiện đã tuột mất vị trí này - Ảnh: Reuters
Thái Lan từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong hơn ba thập kỷ, nhưng hiện đã tuột mất vị trí này - Ảnh: Reuters

Dù Thái Lan có nhiều quy định được đưa ra để bảo vệ thương hiệu gạo trong nước, nông dân nước này đang âm thầm chuyển sang các giống lúa của Việt Nam với giá thành rẻ hơn, dễ canh tác hơn trong khi vẫn có kết cấu gạo dẻo được người tiêu dùng ưa chuộng.

NGÀNH LÚA GẠO THÁI LAN CÓ THỂ GẶP NGUY

“Hơn 1 triệu rai (hơn 160.000 ha) diện tích ruộng ở miền Trung Thái Lan hiện đã trồng gạo Việt Nam”, ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết. “Không ai phân biệt được đâu là gạo Thái Lan chính hiệu, đâu là gạo Việt Nam”.

Ông cho biết hiệp hội đang thực hiện cuộc khảo sát hoạt động sản xuất lúa gạo thường niên, một phần bằng cách trao đổi với chủ vựa lúa, nông dân và thương nhân địa phương.

Nói về xu hướng trồng giống gạo Việt Nam, ông Charoen cho rằng điều này đặt ra câu hỏi với toàn bộ chiến lược xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu của Thái Lan. Nhiều năm qua, gạo Thái Lan thường được quảng cáo là hàng thật và có chất lượng hàng đầu.

“Nếu chúng ta không làm gì, tôi e rằng toàn bộ ngành lúa gạo Thái Lan sẽ gặp nguy hiểm, vì chúng ta luôn quảng bá gạo Thái là loại gạo cao cấp. Làm thế nào chúng ta có thể duy trì chất lượng và tính chính hiệu để duy trì vị trí là nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới”, ông Charoen nói.

Thái Lan có Đạo luật bảo vệ giống cây trồng nghiêm ngặt, theo đó cấm nhập khẩu các chủng loại hàng hóa chính vào nước này, bao gồm lúa gạo. Do đó, tất cả giống gạo Việt Nam được trồng trên đất Thái Lan đều là bất hợp pháp và được trồng bằng hạt giống nhập lậu. Tuy nhiên, vì không ai phân biệt được sự khác nhau giữa giống gạo Việt Nam và giống gạo Thái Lan nếu không xét nghiệm DNA, nông dân nước này ngày càng phớt lờ các quy định.

Một nông dân ở Khon Kaen, Thái Lan - Ảnh: Reuters.
Một nông dân ở Khon Kaen, Thái Lan - Ảnh: Reuters.

“Đây là giống gạo tốt vì rất dễ trồng và rất khỏe”, Srichan Kanta, một nông dân ở tỉnh Nakhonsawan, cách Bangkok 240km về phía Bắc, nói về giống gạo Việt Nam. “Giống gạo này có khả năng chống sâu bệnh và chất gạo khá mềm, phù hợp với nhu cầu của thị trường”.

Theo Nikkei Asia, giống gạo Việt Nam trồng ở Thái Lan được cho là giống Jasmine 85, cho thu hoạch chỉ trong vòng 90 ngày. Điều này giúp nông dân dễ dàng trồng nhiều vụ trong năm, đặc biệt là ở miền Trung Thái Lan - nơi có hệ thống thủy lợi tốt để canh tác quanh năm.

Ngược lại, các giống gạo Thái Lan được cho là khó trồng hơn. Đặc biệt giống gạo cao cấp Hom Mali, dù thơm hơn nhưng cần tới 120 ngày lúa mới chín và chỉ trồng được ở một số vùng cao nguyên Đông Bắc Thái Lan, mỗi năm một vụ tùy thuộc vào lượng mưa theo mùa.

Hiện không ai biết chính xác gạo Việt Nam được đưa vào miền trung Thái Lan từ khi nào. Nhưng theo ước tính của ông Charoen, với diện tích hơn 160.000 ha đã chuyển sang trồng giống gạo Việt Nam trong vài năm qua thì lượng hạt giống phải được buôn lậu vào Thái Lan bằng những xe tải lớn. Những kẻ buôn lậu đã tận dụng nhu cầu tìm kiếm một giống gạo rẻ hơn cho năng suất cao hơn của nông dân.

TỪNG LÀ SỐ MỘT, THÁI LAN GIỜ CẠNH TRANH VỊ TRÍ THỨ HAI VỚI VIỆT NAM

Theo các nhà phân tích, việc tập trung vào tính chính hiệu cũng không giúp Thái Lan ứng phó với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường gạo. Thái Lan từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong hơn ba thập kỷ. Nhưng từ năm 2011, vị trí này đã rơi vào tay các nước khác. Hiện tại, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất với khoảng 22 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2022.

Thái Lan đang cạnh tranh vị trí thứ hai với Việt Nam, hai nước ước tính xuất khẩu lần lượt 7 triệu và 7,5 triệu tấn gạo trong năm ngoái. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), cạnh tranh với Việt Nam ngày càng gay gắt khi Thái Lan không thể cung cấp các loại gạo mà thị trường mong muốn với mức giá phù hợp.

Trong bối cảnh đó, sự lan tràn của các giống gạo Việt Nam trên đất Thái càng làm tăng thêm áp lực với nước này. Theo thương nhân tại một công ty thương mại quốc tế, "sẽ là vấn đề lớn nếu Thái Lan không phát triển được các giống gạo của riêng mình để đáp ứng những nhu cầu khác nhau trên thị trường toàn cầu và để các giống ngoại lai trà trộn vào gạo xuất khẩu của mình”.

Vụ Lúa gạo thuộc Bộ Nông nghiệp Thái Lan - đơn vị giám sát công tác nghiên cứu và phát triển lúa gạo - thời gian qua vấp phải nhiều chỉ trích vì không cung cấp các giống gạp mới có năng suất tốt hơn cho nông dân. Tuy nhiên, Bộ này cho biết đã phát triển 171 giống gạo để đáp ứng các nhu cầu khác nhau, từ các nhà hàng cao cấp tới các đơn vị sử dụng bột gạo công nghiệp.

“Vấn đề là chúng ta (Thái Lan) đang thiếu sự hợp tác tổng thể để phân phối các giống gạo khác nhau cho nông dân nhằm tối đa hóa sản xuất và thương mại hóa với chi phí cạnh tranh để cạnh tranh trên thị trường thế giới”, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn cho biết.

Theo một báo cáo của TDRI, nguyên nhân chính là do năng suất giảm, khiến chi phí sản xuất tăng lên và giảm lợi thế cạnh tranh của ngành lúa gạo Thái Lan trong dài hạn.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, năng suất gạo của nước này hiện chỉ đạt 300-400 kg/rai, trong khi con số này của Việt Nam và Ấn Độ là 800 kg, của Lào là 500 kg.