02:24 29/01/2007

Làng đại gia

Ngay từ những năm còn bao cấp, làng Mẹo ở tỉnh Thái Bình đã xuất hiện nhiều đại gia buôn hàng xuyên quốc gia

Đường vào làng Mẹo.
Đường vào làng Mẹo.
Năm 1989, đoàn nhà văn Thái Bình lên tham quan tỉnh biên giới Lạng Sơn. Ngày đó, chuyến đi là một sự kiện lớn.

Dù mục đích chuyến đi được ghi rất trang trọng là “đi thực tế sáng tác” nhưng với không ít người, chuyến đi thuần tuý là để mua hàng Trung Quốc như quạt điện, phích nước, quần áo, xe Phượng Hoàng xích hộp và đặc biệt là vỏ chăn có in hình con công. Loại hàng này nổi tiếng đến độ nó trở thành danh từ.

Sang Tàu mua phải hàng... ta!

Nhà viết kịch Trọng Khuê là người mua nhiều vỏ chăn con công nhất. Ông mua đến 4 cái. Dễ phải đi đến dăm quầy hàng, Trọng Khuê mới tìm đúng loại vỏ chăn mình ưng ý.

Về đến nhà, số chăn trên được Trọng Khuê lên kế hoạch rất chi tiết: Một cái dành cho hai vợ chồng “tận hưởng”, một cái biếu bà mẹ vợ, một cái dành cho cậu con trai mới hơn chục tuổi đầu “để sau này cháu cưới vợ”. Còn một cái, đã tính kỹ rồi, Trọng Khuê tặng ông bạn cố tri ở làng Mẹo.

Đến nhà bạn, cơm rượu xong, vợ chồng Trọng Khuê mới trịnh trọng mang ra. Nhận được món quà, vợ chồng ông bạn tỏ vẻ rất vui mừng. Nhưng (khổ, ở đời lại có chữ nhưng) lúc đó, đứa con gái người bạn đi đâu đó về. Nhìn cái chăn, nó hỏi: “Bác mua giá bao nhiêu?”. Bằng ấy, bằng ấy - vợ chồng Trọng Khuê thành thật trả lời. “Sao đắt thế?” “Đắt chứ. Hàng Tàu xịn của tao chứ có phải hàng ta đâu mà đòi rẻ”.

Bỗng cô con gái cười ngặt cười nghẽo: “Bố ơi, hàng của làng con dệt đấy. Họ mua hàng ở đây rồi đem ngược sang bên biên giới, đóng gói lại rồi bố trí mấy vị người Kinh gộc mặc áo quần dân tộc để bán cho bố đấy”. Nói rồi cô gái vào nhà bê ra một chồng “con công thứ thiệt”. Bấy giờ, vợ chồng ông bạn chủ nhà mới nhỏ nhẹ rằng đúng là như vậy.

Đó là câu chuyện làm ăn từ gần 20 năm trước của người làng Mẹo (nay là làng Phương La, tỉnh Thái Bình), một làng có nghề dệt lụa nổi tiếng từ hàng trăm năm nay.

Tỷ phú nhiều như... lá rừng

Mẹo là tên gọi Nôm còn tên chữ của làng là Ứng Mão. Theo cách giải thích của những người cao tuổi trong làng, Ứng Mã tức là ứng với ngôi sao Mão. Thế nhưng dân gian biến chữ mão thành chữ mèo nhưng chả lẽ gọi là làng Mèo thì không ổn nên gọi chệch đi là làng Mẹo.

Ngay từ những năm còn bao cấp, tuy cùng cảnh đồng chua, nước ngập nhưng đời sống của người dân làng Phương La, tức là làng Mẹo vẫn cao hơn rất nhiều không chỉ so với những làng xung quanh mà còn so với cả miền Bắc.

Làng Mẹo ngày đó đã có hai hợp tác xã một làm nông nghiệp và một làm nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyên sản xuất gia công các loại hàng cho các doanh nghiệp quốc doanh và cả xuất khẩu. Thời kỳ này, làng Mẹo đã xuất hiện nhiều đại gia buôn hàng xuyên quốc gia. Trong làng đã có người có đến hàng ngàn cây vàng nhờ buôn tơ lụa.

Các đại gia làng Mẹo bây giờ phải kể đến ông Vũ Quang Huy, chủ hãng nước khoáng Vital; ông Trần Văn Vực, Giám đốc Xí nghiệp Toàn Thắng; ông Vũ Văn Vườn, Giám đốc Xí nghiệp Minh Ngọc; ông Đinh Hồng Quân, Giám đốc Xí nghiệp may xuất khẩu Hồng Quân; ông Đinh Đức Cải, Giám đốc Công ty Nam Thành.

Và đại gia tộc tỷ phú họ Trần gồm ông Trần Văn Sen, chủ hãng bia Đại Việt; hai người em là ông Trần Văn Ứng, ông Trần Văn Hương hiện đang sở hữu nhiều công ty lớn. Cơ ngơi của họ đã vươn tới các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM và cả các cơ sở ở nước ngoài.

Ngoài các đại gia trên, tỷ phú người làng Mẹo còn rất nhiều.

Khát vọng làm giàu

Lý giải về sự giàu có của làng Mẹo, có người cho rằng đây là nhờ thuận phong thuỷ. Lại có người cho rằng làng Mẹo giàu là nhờ có nghề dệt vải.

Có lẽ cái nghề dệt vải chỉ giúp người làng Mẹo những năm trước đây. Còn giờ đây, người làng Mẹo vốn lắm mưu kế kinh doanh đã chuyển sang sản xuất và kinh doanh nhiều mặt hàng khác. Họ kinh doanh những mặt hàng chẳng dính dáng gì đến tơ lụa, vải vóc cả.

“Tài nguyên” lớn nhất của mảnh đất này là sự năng động, dám nghĩ, dám làm. Việc một thanh niên thế hệ 8X đứng ra lập công ty là chuyện bình thường ở địa phương này. Cái tư chất bẩm sinh cộng với môi trường sống là động lực tạo nên khát vọng làm giàu cho lớp trẻ.

Nhìn những “ông chủ, bà chủ” tuổi trên dưới đôi mươi đang thoăn thoắt ghi nhận hàng hóa, thấy rằng sự nhen nhóm của một lớp đại gia mới ở mảnh đất này đang bắt đầu. Và chỉ vài năm nữa thôi, họ sẽ nhìn lại đám cha anh mà tự nhủ: “Ngày xưa, thế là giàu lắm rồi. Còn bây giờ....”