Lao động bỏ trốn ở nước ngoài khi hết hợp đồng tăng trở lại
Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều qua các năm, song tình trạng lao động trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc hết hạn không về nước có dấu hiệu tăng trở lại trong vài năm gần đây...
Thông tin được lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết tại Hội thảo "Thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh phía Bắc đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định", ngày 24/11.
BƯỚC PHÁT TRIỂN MẠNH TRONG CÔNG TÁC ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI XUẤT KHẨU
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.
“Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Trong đó, công tác thực hiện các chương trình phi lợi nhuận ngày càng đạt hiệu quả cao”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận định.
Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, chỉ tính riêng Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS), từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã phái cử được hơn 127.000 lượt lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Trong đó, số lượng lao động các tỉnh miền Bắc là gần 44.500 người (chiếm 40%), tập trung trong 5 ngành gồm: Sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiêp, ngư nghiệp, đóng tàu.
Với Chương trình IM Japan, tính từ khi triển khai đến nay đã phái cử được gần 9.000 lượt thực tập sinh sang Nhật Bản. Giai đoạn năm 2017 đến năm 2023, phía Bắc đã có trên 1.500 thực tập sinh xuất cảnh (chiếm 41%).
Trong thời gian làm việc, thực tập sinh được hưởng lương từ 130.000 - 170.000 Yên/tháng. Sau khi kết thúc thời gian thực tập, thực tập sinh sẽ được nhận khoản tiền khuyến khích sự nghiệp là 200.000 Yên/năm (thực tập 3 năm nhận 600.000 Yên; 5 năm nhận 1.000.000 Yên).
Ngoài các chương trình trên, nhiều chính sách tuyển chọn ưu tiên, phù hợp với người lao động các huyện nghèo, các địa phương khu vực miền núi, các xã bãi ngang ven biển, hải đảo đặc biệt khó khăn cũng được triển khai.
Đơn cử như hỗ trợ tín dụng vay vốn, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động dễ dàng tiếp cận Chương trình EPS, do đây là các ngành có mức độ cạnh tranh thấp, không yêu cầu năng lực tiếng Hàn quá cao.
Theo ông Hồng, từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã tuyển chọn, phái cử được trên 4.200 lao động thuộc các huyện nghèo trên cả nước đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, trong đó các tỉnh phía Bắc là 633 người, chiếm 14,8%; riêng đối với lao động trong ngành nông nghiệp là 450 người trên tổng số 3.910 người, chiếm 11,5% của cả nước.
Theo bà Kim Yoon Hye, Tham tán lao động Đại sứ quán Hàn Quốc, hiện nước này đang nghiên cứu, đề xuất mở rộng thêm các ngành nghề để thu hút thêm lao động nước ngoài tới làm việc, đặc biệt là lao động Việt Nam.
Cùng với đó, Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu, xem xét đưa vào áp dụng một số chính sách để thu hút, giữ chân lao động nước ngoài như, có thể chuyển đổi visa du học thành visa làm việc; mở rộng các hạn ngạch; cải thiện điều kiện sinh sống và làm việc của lao động nước ngoài.
Đặc biệt, người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng đúng thời hạn có thể làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian liên tục 10 năm, mà không phải xuất cảnh...
KHAI THÁC HIỆU QUẢ NGUỒN NHÂN LỰC ĐỂ LAO ĐỘNG YÊN TÂM TRỞ VỀ
Mặc dù công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, song Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đánh giá, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước trong một vài năm gần đây có dấu hiệu tăng trở lại.
Để khắc phục triệt để tình trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Đồng thời, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài, để người lao động yên tâm trở về tham gia thị trường lao động trong nước.
Ông Đỗ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho rằng để thúc đẩy việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định, các đơn vị thuộc Bộ cũng như các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương phía Bắc cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Ông Dũng đề xuất các đơn vị nên tổ chức, xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, giúp lưu trữ thông tin dữ liệu của từng trường hợp lao động ngoài nước; xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến, nắm bắt thông tin của từng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận việc làm dễ dàng.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông đa nền tảng, tăng cường truyền thông trên mạng xã hội cho người lao động và doanh nghiệp…