10:45 20/01/2007

Lối ra cho “ma trận” giấy phép

Liệu “cuộc chiến” lâu dài với “ma trận” giấy phép kinh doanh tại Việt Nam đã bắt đầu tìm được lối ra?

Những tác động bất lợi có thể có của hình thức quản lý nhà nước bằng giấy phép gần như không được phân tích kỹ - Ảnh: Việt Tuấn.
Những tác động bất lợi có thể có của hình thức quản lý nhà nước bằng giấy phép gần như không được phân tích kỹ - Ảnh: Việt Tuấn.
Liệu “cuộc chiến” lâu dài với “ma trận” giấy phép kinh doanh tại Việt Nam đã bắt đầu tìm được lối ra?

Nếu như những kiến nghị mới nhất của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư về việc bãi bỏ 68 giấy phép kinh doanh, thay thế 54 giấy phép bằng các hình thức quản lý khác và bổ sung, sửa đổi 168 giấy phép kinh doanh hiện hành nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành liên quan, cũng như sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, thì có thể nói, “cuộc chiến” lâu dài với “ma trận” giấy phép kinh doanh đã bắt đầu tìm được lối ra.

Tuy nhiên, điều này vẫn đang nằm trong mong muốn của những chuyên gia nghiên cứu trực tiếp tham gia vào công việc rà soát 289 giấy phép kinh doanh hiện hành với hơn 400 văn bản pháp luật có liên quan (bao gồm 28 luật, 14 pháp lệnh và 110 nghị định, khoảng 300 thông tư, quyết định của các bộ và một số công văn hành chính).

Bởi, những gì mà các chuyên gia phát hiện thực sự phức tạp và rối rắm hơn tất cả những dự đoán trước đó. Hơn nữa, phần trách nhiệm để giải quyết lại chưa được phân định một cách rạch ròi.

Nhìn vào lý do được đưa ra đối với 68 giấy phép kinh doanh trong diện bãi bỏ hoàn toàn, có thể thấy, các giấy phép này được ban hành không có căn cứ pháp lý, trái với quy định về thẩm quyền ban hành, hoặc căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực, đã được thay thế bằng văn bản khác.

Theo đánh giá của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trong báo cáo tổng hợp kết quả rà soát hệ thống các quy định về giấy phép kinh doanh (vừa được gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lấy ý kiến các bộ, ngành) thì đa số giấy phép kinh doanh hiện hành đều “có vấn đề” về pháp lý.

Làm một phép so sánh, kể từ năm 2000, đã có thêm hơn 100 giấy phép được ban hành mới, được bổ sung, sửa đổi. Tuy nhiên, các quy định đó vẫn không tuân thủ nguyên tắc về căn cứ pháp lý đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp 1999.

Một ví dụ cụ thể được dẫn chứng, đó là văn bản chấp thuận cho tổ chức tín dụng được thực hiện dịch vụ bao thanh toán. Theo các quy định của Luật Tổ chức tín dụng, thì hoàn toàn không đặt ra yêu cầu về giấy phép cung cấp dịch vụ bao thanh toán.

Tuy nhiên, theo phát hiện của nhóm nghiên cứu, đến năm 2004, tức là sau 7 năm Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 1069/QĐ-NHNN quy định tổ chức tín dụng phải có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước mới được cung cấp dịch vụ này…

Rõ ràng, quy định có tính nguyên tắc yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ không được quyền ban hành các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành nghề đó đã có hiệu lực hơn 7 năm hầu như không được tuân thủ một cách triệt để.

Cùng với tính hợp pháp, các đánh giá khác về giấy phép kinh doanh được nghiên cứu theo các yếu tố khác như tính cần thiết, tính đầy đủ, tính cụ thể, hợp lý và hiệu quả, tính thống nhất và hiệu lực quản lý nhà nước.

Trong các giấy phép bị đề nghị bãi bỏ hoàn toàn, tính cần thiết được xác định là không còn, bởi nhiều giấy phép trong số đó chồng chéo với các giấy phép khác hoặc chỉ là giấy phép “cành” trong giấy phép “cây”.

Các chuyên gia Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư gọi văn bản chấp thuận đối với dịch vụ bao thanh toán trên là giấy phép “cành” của giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng. Bởi, theo phân tích, bản thân các tổ chức tín dụng đã có giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng và dịch vụ bao thanh toán chỉ là một dịch vụ cung cấp tín dụng…

Ở đây, nguyên nhân về phương pháp luận được các chuyên gia nghiên cứu đặt lên trên khi cho đến nay, một quan niệm khoa học và pháp lý thống nhất về giấy phép vẫn chưa được xây dựng.

Không những thế, chuẩn mực thống nhất chung về nội dung, hình thức của quy định về giấy phép, quan niệm thống nhất về lợi ích chung của xã hội, mà việc quản lý nhà nước phải hướng tới để bảo vệ bằng công cụ giấy phép cũng chưa được xác lập.

Bên cạnh đó, những tác động bất lợi có thể có của hình thức quản lý nhà nước bằng giấy phép gần như không được phân tích kỹ từ phía các cơ quan đề xuất giấy phép kinh doanh.

Đương nhiên, những ảnh hưởng chủ quan, thậm chí cài cắm lợi ích cục bộ vào trong chính các văn bản pháp luật có liên quan đến giấy phép kinh doanh sẽ khó được kiểm soát và sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu lực của hệ thống giấy phép kinh doanh trong quản lý nhà nước.

Thậm chí, những hậu quả nhìn thấy được của nó chính là tham nhũng và các trở ngại về hành chính đối với đầu tư và kinh doanh…