Mỹ phẩm Halal: Cơ hội cho thương hiệu Việt?
Những năm gần đây, mỹ phẩm Halal trở nên phổ biến hơn trong ngành công nghiệp mỹ phẩm Đông Nam Á. Phân khúc sản phẩm Halal có thị trường tiêu thụ rộng lớn khi số lượng tín đồ Hồi giáo chiếm 24,1% dân số thế giới...
Các sản phẩm có chứng nhận Halal được đảm bảo không sử dụng các thành phần không độc hại và tuân thủ các quy định sản xuất nghiêm ngặt theo luật Hồi giáo. Chẳng hạn, các thành phần trong sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm không được chứa bất kỳ thành phần nào có nguồn gốc từ động vật ăn thịt, bò sát và côn trùng. Các thành phần có nguồn gốc từ động vật phải từ những động vật được phép giết mổ theo luật Hồi giáo. Điều này cũng áp dụng cho các dụng cụ khác như cọ trang điểm và lông mi giả.
Trong quá trình chuẩn bị, sản xuất, bảo quản và vận chuyển, các sản phẩm cần phải ở trong điều kiện tinh khiết và hợp vệ sinh, không có tạp chất. Nhãn và hình ảnh thương hiệu phải phù hợp với đức tin của đạo Hồi… Những sản phẩm như vậy không chỉ được coi là có đạo đức hơn mà còn phục vụ cho những cá nhân có niềm tin tôn giáo và chế độ ăn kiêng hạn chế.
Đông Nam Á, nơi có hơn 240 triệu người tiêu dùng theo đạo Hồi, sẽ trở thành thị trường chiếm ưu thế cho ngành công nghiệp làm đẹp Halal. Do nhu cầu gia tăng này, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách đạt được chứng nhận Halal để phục vụ cho nhiều đối tượng hơn. Thương hiệu chăm sóc răng miệng của Singapore, Pearlie White, đã đạt được chứng nhận Halal vào năm 2022. Hiện thương hiệu này cung cấp khoảng 20 sản phẩm chăm sóc răng miệng được chứng nhận Halal cho khách hàng của mình.
Tại Indonesia, thị trường chăm sóc sắc đẹp của từ lâu đã được thống trị bởi các thương hiệu châu Âu và Mỹ như L'Oreal và P&G. Nhưng trong những năm gần đây, người tiêu dùng địa phương, đặc biệt là giới trẻ ngày càng quan tâm đến các thương hiệu địa phương, cung cấp các sản phẩm Halal được chứng nhận sản xuất theo luật Hồi giáo và không chứa các thành phần phần bị cấm.
Keva Cosmetics International, chủ sở hữu của thương hiệu Esqa, cung cấp các sản phẩm trang điểm Halal với các thành phần thuần chay. Bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm trực tuyến, thương hiệu này còn có mặt tại các cửa hàng như Sociolla của Indonesia, Sephora của Pháp và Watsons của Hồng Kông. Esqa đã mở rộng ra các địa điểm khác ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Singapore và Malaysia, đồng thời hướng tới mục tiêu sớm phát triển ở các thị trường mới.
Theo báo cáo của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường IMARC, một doanh nghiệp quốc tế chuyên về tư vấn và quản lý có trụ sở tại Hoa Kỳ, chỉ riêng trong năm 2024 thị trường mỹ phẩm Halal đã đạt 36,3 tỷ USD tổng doanh thu toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng phi mã nhờ vào sự gia tăng dân số nhanh chóng trong cộng đồng người Hồi giáo và sự phát triển của mạng lưới bán lẻ trực tuyến, tổ chức này ước tính doanh thu toàn cầu mà thị trường này có thể đạt được sẽ lên đến 72,3 tỷ USD vào năm 2033.
Bên cạnh nhu cầu đến từ những người dân theo đạo Hồi, xu hướng tìm kiếm các sản phẩm mỹ phẩm đảm bảo về chất lượng, thân thiện với môi trường đang ngày một tăng cao trên toàn cầu. Với quy trình giám sát khắt khe, đảm bảo về chất lượng và xuất xứ của sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm, đồng thời coi trọng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, các sản phẩm đạt chuẩn Halal vô hình trung đáp ứng được đa số các nhu cầu nêu trên.
Trong khi đó, xem xét thành phần các sản phẩm mỹ phẩm Halal, không khó để bắt gặp những nguyên liệu tự nhiên quen thuộc mà Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ được nguồn cung. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt xem xét, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhằm tìm kiếm thị phần cho riêng mình.
Điển hình, nha đam (hay còn gọi là lô hội) được biết với khả năng cấp ẩm vượt trội. Các sản phẩm có chứa nha đam giúp cấp ẩm sâu, hạn chế tình trạng khô da. Tại Việt Nam, cây nha đam được trồng nhiều nhất tại tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 350 ha chủ yếu ở các phường Mỹ Bình, Văn Hải, Văn Sơn (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc.
Hay như dầu dừa tự nhiên chứa nhiều axit béo và các vitamin E, K và Sắt, được ứng dụng rất nhiều trong công nghiệp làm đẹp để sản xuất sản phẩm tẩy trang, dưỡng tóc/mi và môi, giúp làm mềm da và tẩy tế bào chết … Theo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây dừa Việt Nam và sản lượng đồng hạng 5 thế giới, năng suất đứng hạng 3 thế giới và giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng hạng 4 thế giới.
Tương tự, sáp ong thường được sử dụng làm son dưỡng, kem dưỡng ẩm. Bên cạnh đó, sáp ong thường không gây kích ứng và dị ứng nên còn được dùng để làm mỹ phẩm lành tính cho những loại da nhạy cảm, phù hợp cho cả phụ nữ có thai và trẻ em. Tại Việt Nam, sáp ong cùng với mật ong, sữa ong chúa… là những sản phẩm sinh ra trong quá trình nuôi ong, có nhiều tại các địa phương như Quảng Ngãi, Huế, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An…
Tại Hội nghị Halal toàn quốc hồi tháng 10 năm nay, Chủ tịch Cơ quan Halal Ấn Độ Mohamed Jinna đánh giá Việt Nam đang đứng trước “tương lai tươi sáng” khi tiếp cận một thị trường Halal toàn cầu “đang rộng mở”, trong đó chứng nhận Halal sẽ là “cánh cửa” để Việt Nam tiếp cận một thị trường trải dài trên nhiều ngành công nghiệp khác nhau như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch...
Về phía doanh nghiệp, bà Bá Thị Nguyệt Thu, đại diện HTX Hà Nội Xanh (huyện Đan Phượng, Hà Nội) - đơn vị đã thành công xuất khẩu nhiều sản phẩm sang thị trường Hồi giáo, khẳng định Halal là tiêu chuẩn cao nhưng không phải quá khó để đạt được.
“Các sản phẩm mỹ phẩm được làm từ cây bưởi là những sản phẩm rất đắt hàng, thậm chí không đủ để cung cấp cho thị trường khu vực này. Muốn làm được các sản phẩm, doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ từ khâu lựa chọn vùng trồng cho đến quá trình thu hoạch, chăm sóc, thu hái và sản xuất sản phẩm, luôn phải tuân thủ các quy định khắt khe bảo đảm tiêu chuẩn hữu cơ”.
“Không chỉ có quả bưởi mà các loài hoa như hoa hồng, hoa nhài đặc biệt phù hợp làm nguyên liệu cho mỹ phẩm phục vụ thị trường Hồi giáo. Những loại mỹ phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên như thế hiện nhà cung cấp làm không đủ so với nhu cầu nhập khẩu của các nước Hồi giáo”, bà Bá Thị Nguyệt Thu nhấn mạnh.
Đáng chú ý, mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Nam đã công bố quyết định thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT), giúp thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cấp giấy chứng nhận Halal tại Việt Nam... Đây được coi là những tấm “hộ chiếu” giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể khai mở được thị trường Halal giàu tiềm năng.