09:05 02/08/2007

"Nên tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng”

Nguyên Linh

"Quốc hội nên tổ chức thường xuyên, định kỳ việc bỏ phiếu tín nhiệm để thấy trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu"

"Một số vị lãnh đạo các bộ trong nhiệm kỳ vừa qua làm được chưa nhiều, chưa nói đến việc còn để tình trạng tiêu cực, lãng phí ngay trong lĩnh vực mình quản lý."
"Một số vị lãnh đạo các bộ trong nhiệm kỳ vừa qua làm được chưa nhiều, chưa nói đến việc còn để tình trạng tiêu cực, lãng phí ngay trong lĩnh vực mình quản lý."
Nội dung cuộc trò chuyện với ông Lê Quốc Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội.

Thưa ông, chủ trương cải tổ Chính phủ lần này là làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ. Nhưng theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật thì Chính phủ vẫn chưa làm rõ được chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này?

Nếu bàn đúng về tổ chức, bộ máy thì phải làm rõ chức năng nhiệm vụ để tổ chức bộ máy cho phù hợp, nhưng bộ máy nhân sự phải kế thừa cả một quá trình phát triển. Việc sáp nhập sẽ được phân công chức năng, nhiệm vụ cho các bộ một cách hợp lý.

Quốc hội tập trung bàn về cơ cấu, tổ chức, bàn về tổng thể. Việc bố trí cụ thể như thế nào, cơ chế ra sao nên linh hoạt và năng động. Đây là quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về vấn đề này.

Nếu Quốc hội bàn sâu, chỉ đạo Chính phủ phải làm việc thế này, tổ chức thế kia, nhưng khi đi vào hoạt động nếu không hiệu quả thì Quốc hội có chịu trách nhiệm không?

Vấn đề, tổ chức nhân sự được đưa ra khi tình hình kinh tế - xã hội dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng “vẫn còn nhiều tồn tại.” Hai điều này sẽ quan hệ với nhau như thế nào, thưa ông?

Hai vấn đề này liên quan chặt chẽ với nhau. Mục tiêu tổ chức, nhân sự là để phục vụ cho điều hành, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cả Quốc hội và Chính phủ còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề, từ tổ chức bộ máy, sửa đổi cơ chế, chính sách đến đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao công tác tuyền truyền giáo dục...

Riêng đối với Quốc hội, tôi nghĩ nên tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm thường xuyên, định kỳ hoặc bỏ phiếu tín nhiệm đối với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khi có sự việc xảy ra mà các bộ ngành không giải quyết kịp thời. Việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ thúc đẩy các thành viên Chính phủ nâng cao trách nhiệm hơn nữa.

Việc sáp nhập một số bộ, ngành cho phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Ông có hy vọng qua việc sắp xếp này sẽ thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, tinh giản bộ máy?

Cải cách hành chính tuy đã đạt được một số thành quả nhất định nhưng vẫn còn bức xúc trong xã hội, bởi bộ máy hành chính nhà nước là quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình cải cách, tôi nhận thấy cải cách hành chính đang tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng có những bộ phận, có những nơi, những chỗ, những thời điểm quá trình cải cách chưa theo kịp sự phát triển nên đã kìm hãm sự phát triển.

Ví dụ xã hội hóa khu vực sự nghiệp hiện nay còn rất chậm nên chưa biến khu vực này trở thành khu vực tham gia đáng kể vào nền kinh tế. Cải cách hành chính không chỉ đơn thuần là sáp nhập bộ máy, giảm nhân sự mà có những việc phải tăng bộ máy, tăng nhân sự miễn sao hiệu quả công việc phải đạt tối đa.

Mặc dù giảm bộ nhưng lại tăng cấp phó, ví dụ như việc tăng phó thủ tướng lên 5 người, ông đánh giá thế nào về việc này?

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa X Chính phủ có 5 phó thủ tướng, đến nhiệm kỳ XI rút xuống còn 3 và bây giờ lại tăng lên 5 là phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của cuộc sống, yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Chúng ta đang chuyển đổi cơ chế một cách mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO, nên có rất nhiều công việc phải được giải quyết kịp thời nên việc tăng số phó thủ tướng là phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Những văn bản quy phạm pháp luật của các bộ sắp bị chia tách, giải thể, sáp nhập còn có giá trị sử dụng trong giai đoạn mới không, thưa ông?

Tất cả các văn bản hướng dẫn luật hiện hành vẫn còn hiệu lực. Chỉ có điều Quốc hội sẽ phải sửa một số luật để phù hợp với tên mới của các bộ.

Cuối cùng, với tư cách là lãnh đạo của một cơ quan trong Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ giám sát, ông đánh giá thế nào về sự cống hiến của các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ XI?

Một số thành viên Chính phủ làm việc hết sức có trách nhiệm, hết sức năng động và có hiệu quả.

Nhưng tôi thấy một số vị lãnh đạo các bộ trong nhiệm kỳ vừa qua làm được chưa nhiều, chưa nói đến việc còn để tình trạng tiêu cực, lãng phí ngay trong lĩnh vực mình quản lý. Một số yếu kém, hạn chế trong cơ quan chậm được khắc phục, những vấn đề mới chậm được tiếp thu và hiệu quả mang lại tất nhiên là chưa cao.

Để khắc phục vấn đề này, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Quốc hội nên tổ chức thường xuyên, định kỳ việc bỏ phiếu tín nhiệm để thấy trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu.