07:18 25/09/2009

Phố Wall tiếp tục đà giảm điểm

Duy Cường

Ngày 24/9, tin xấu từ thị trường địa ốc đã đẩy chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm điểm

Trong ngày giao dịch, cả 10 ngành trong chỉ số S&P 500 đều mất điểm, trong đó khối nguyên vật liệu cơ bản, năng lượng, tài chính và công nghiệp là giảm điểm mạnh nhất - Ảnh: Reuters.
Trong ngày giao dịch, cả 10 ngành trong chỉ số S&P 500 đều mất điểm, trong đó khối nguyên vật liệu cơ bản, năng lượng, tài chính và công nghiệp là giảm điểm mạnh nhất - Ảnh: Reuters.
Ngày 24/9, tin xấu từ thị trường địa ốc đã đẩy chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm điểm.

Hôm thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 19/9/2009 đã giảm 21.000 xuống 530.000 người, từ mức 551.000 trong tuần trước đó.

Theo số liệu của Bộ này, tính đến ngày 12/9/2009, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là 6,138 triệu.

Cùng ngày, Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) cho biết doanh số bán nhà qua sử dụng trong tháng 8 đã giảm 2,7%, xuống 5,1 triệu đơn vị (ngôi nhà, căn hộ), từ mức 5,24 triệu trong tháng 7/2009.

Kiểm kê cho thấy, số nhà qua sử dụng đang chờ bán đã giảm 10,8% trong tháng 8 xuống 3,62 triệu đơn vị. Giá trung bình một ngôi nhà, căn hộ trong tháng 8 đã giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 177.700 USD/đơn vị.

Cũng trong ngày 24/9, Bộ Tài chính Mỹ đã huy động thành công 29 tỷ USD giá trị trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, trái tức 3,005%. Khối lượng đặt mua tiếp tục cao hơn khối lượng trái phiếu chào bán.

Cả 10 ngành trong S&P 500 giảm điểm 

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm vì thông tin bất lợi từ thị trường địa ốc và giới đầu tư lo ngại về việc nhà chức trách có thể sẽ kiềm chế các biện pháp nhằm kích thích kinh tế quá sớm.

Phiên giao dịch trước, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trước lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ giảm dần việc mua các loại nợ thế chấp.Đến phiên này, FED đã công bố kế hoạch sẽ bơm vào hệ thống tài chính 100 tỷ USD thông qua phương thức đấu giá các khoản vay 25 tỷ USD với thời hạn 28 ngày và 75 tỷ USD với thời hạn 84 ngày.

Dù vậy, điều này cũng không giúp thị trường chứng khoán khởi sắc. Bởi bản chất việc bơm tiền này chỉ tạm thời giúp hệ thống tài chính có tính thanh khoản cao hơn, chứ chưa giúp các định chế tài chính, doanh nghiệp có thể giải quyết dứt điểm các tài sản tài chính, giấy tờ có giá.

Thị trường chứng khoán mở cửa ngày giao dịch với mức tăng điểm nhẹ và duy trì lợi thế tăng điểm trong khoảng 30 phút đầu tiên, tuy nhiên, đó là tất cả những gì tích cực nhất của ngày giao dịch.

Sau đợt lên điểm đó, giới đầu tư chứng kiến đợt giảm điểm nhanh và khá mạnh của cả ba chỉ số, từ mức tăng trên 0,3% giảm xuống 0,6-1,5%. Diễn biến này khá tương đồng với phiên đảo chiều chóng vánh một ngày trước đó.

Sau khi đột ngột giảm khá mạnh, từ lúc gần 11 giờ (giờ địa phương), cả ba chỉ số duy trì xu hướng đi ngang cho đến hết ngày giao dịch, với mức giảm lớn nhất thuộc về chỉ số Nasdaq, tiếp đến là S&P 500 và Dow Jones.

Trong ngày giao dịch, cả 10 ngành trong chỉ số S&P 500 đều mất điểm, trong đó khối nguyên vật liệu cơ bản (-2%), năng lượng (-1,3%), tài chính và công nghiệp là giảm điểm mạnh nhất. Cổ phiếu Caterpillar mất 2,4%, cổ phiếu Chevron hạ 1%, JPMorgan xuống 1,5%.

Thông tin doanh số bán nhà qua sử dụng suy giảm trong tháng 8 đã khiến chỉ số Dow Jones khối xây dựng nhà giảm 2,4%, trong đó cổ phiếu D.R. Horton hạ 4,2%, cổ phiếu Toll Brothers mất 2,3% và cổ phiếu Beazer Homes trượt 4%.

Phố Wall tiếp tục đà giảm điểm - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 24/9 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 24/9: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 41,11 điểm, tương đương -0,42%, chốt ở mức 9.707,44.

Chỉ số Nasdaq hạ 23,8 điểm, tương đương -1,21%, chốt ở mức 2.107,61.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 10,09 điểm, tương ứng -0,95%, đóng cửa ở mức 1.050,78.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,37 tỷ cổ phiếu. Trên sàn Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2,6 tỷ cổ phiếu. Trên cả hai sàn, thị trường cứ có 7 cổ phiếu giảm điểm thì có 2 cổ phiếu tăng điểm.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Sáu: Công bố số liệu về đơn đặt hàng lâu bền; doanh số nhà mới chờ bán; kết quả kinh doanh của KB Home.

Chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm

Ngày 24/9, sự giảm điểm của cổ phiếu khối hàng hóa cơ bản và tài chính đã đẩy hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống.

Thị trường Nhật đã chính thức giao dịch trở lại sau nhiều ngày nghỉ lễ với mức tăng cao và thị trường Trung Quốc đã phục hồi trở lại nhờ sự đảo chiều ngoạn mục cuối phiên, là hai điểm đáng chú ý nhất trong phiên giao dịch hôm thứ Năm.

Trong khi đó, sắc đỏ vẫn xuất hiện trên bảng điện tử của các thị trường lớn trong khu vực, với biên độ giảm đã cao hơn phiên trước đó.

Mặc dù được hỗ trợ tích cực từ mức tăng mạnh của cổ phiếu các công ty ở Nhật nhưng chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương vẫn giảm 0,3% xuống 118,38 điểm.

Chuyển qua thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 tăng mạnh hôm thứ Năm sau khi thị trường nghỉ giao dịch 3 phiên đầu tuần nhân ngày lễ. Nhà đầu tư đã tăng mạnh gom mua cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn nên giúp thị trường đi lên.

Cổ phiếu Toshiba tăng 3,8%, cổ phiếu Kyocera lên 4,5%, cổ phiếu Honda tiến thêm 1,6%, cổ phiếu Sony nhích 3,1%, cổ phiếu Tokyo Electron tiến thêm 5,7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 173,68 điểm, tương đương 1,67%, chốt ở ngưỡng 10.544,22. Khối lượng giao dịch đạt 2,4 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index đã có phiên giảm điểm thứ hai sau chuỗi 9 phiên tăng điểm trước đó. Biên độ giảm khá mạnh cùng với lượng bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài đang tạo áp lực và tâm lý không tốt đối với thị trường cho phiên giao dịch cuối tuần.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan hạ 0,71%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam mất 1,26%. Chỉ số ASX của Australia hạ 0,7%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,52%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ trượt 0,58%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,03%. Chỉ số Straits Times của Singapore mất 0,55%.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones 9.829,87 9,707.44  Down  41.11  Down 0.42
Nasdaq 2.131,42 2,107.61  Down  23.81  Down 1.12
S&P 500 1.060,87 1,050.78  Down  10.09  Down 0.95
Anh FTSE 100 5.139,37 5,079.27  Down  60.10  Down 1.17
Đức DAX 5.702,05 5,605.21  Down  96.84 Down 1.70
Pháp CAC 40 3.821,79 3,758.36 Down  63.43 Down 1.66
Đài Loan Taiwan Weighted 7.376,76 7.324,22 Down  52,54 Down 0,71
Nhật Bản Nikkei 225 10.370,50 10.544,22 Up173,68 Up 1,67
Hồng Kông Hang Seng 21.595,52 21.050,73 Down544,79 Down 2,52
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.711,47 1.693,88 Down  17,59 Down 1,03
Singapore Straits Times 2,685.00 2.671,12 Down  14,82 Down 0,55
Trung Quốc Shanghai Composite 2.842,72 2.853,55 Up  10,83 Up 0,38
Ấn Độ BSE 16,860.73 16.622,08  Down  97,42 Down 0,58
Australia ASX 4.741,00 4.708,00 Down  33,00 Down 0,70
Việt Nam VN-Index 582,11 574,78 Down    7,33 Down 1,26
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg