Rà soát việc tổ chức giao thông cao tốc Cam Lộ - La Sơn, bổ sung biển báo hiệu tại "nút thắt cổ chai"
Trước nhiều bất cập khi vận hành cao tốc Cam Lộ - La Sơn, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam giao các đơn vị rà soát tình hình tổ chức giao thông, báo hiệu đường bộ và công trình an toàn giao thông để khắc phục, nâng cao an toàn giao thông trên tuyến. Đồng thời, cần sớm mở rộng dự án theo quy hoạch....
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường vừa chủ trì cuộc họp về rà soát tổ chức giao thông, triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng về biện pháp khắc phục bất cập, bảo đảm an toàn giao thông của tuyến Cam Lộ - La Sơn và tuyến cao tốc 2 làn xe khác.
Kết luận tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết dự án này đã nằm trong danh mục đầu tư đường cao tốc theo quy mô phân kỳ đầu tư do Quốc hội quyết định và được quy định trong các văn bản của Chính phủ, quyết định đầu tư dự án.
"Do quy mô đầu tư phân kỳ nên việc tổ chức giao thông cần đảm bảo phù hợp với dự án duyệt và quy mô ở giai đoạn phân kỳ", ông Cường nêu rõ.
Căn cứ kết quả theo dõi, đánh giá phương án tổ chức giao thông tạm của dự án và trên cơ sở ý kiến các đại biểu dự họp; để thực hiện tổ chức giao thông trên tuyến khoa học, hiệu quả, nâng cao điều kiện an toàn giao thông, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam giao lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ II chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, lực lượng cảnh sát giao thông chỉ huy, điều hành giao thông trên tuyến.
Ban An toàn giao thông tỉnh và cơ quan, đơn vị khác có liên quan tổ chức rà soát tình hình tổ chức giao thông, báo hiệu đường bộ và công trình an toàn giao thông trên tuyến đường để hoàn thiện, nâng cao an toàn giao thông trên tuyến.
"Thời gian hoàn thành kiểm tra hiện trưởng và hoàn thành việc ký biên bản trước hoặc trong ngày 25/02/2024. Kết thúc đợt kiểm tra lập biên bản thống nhất với các cơ quan tham gia đoàn kiểm tra", lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị.
Trong quá trình thực hiện rà soát, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các đơn vị cần quan tâm xử lý các nội dung cụ thể.
Theo đó, đối với vạch sơn tim đường, trong điều kiện phần lớn trên tuyến mặt đường thuộc dự án ở giai đoạn này mới đầu tư 02 làn ô tô, chỉ cho xe vượt tại các đoạn có 4 làn xe (dự án dài 98,3 km, trong đó có 9 đoạn 4 làn xe, chiều dài mỗi đoạn khoảng 1,5 km), dẫn đến có trường hợp nhiều xe cần vượt tại các đoạn 4 làn tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Do đó, lãnh đạo Cục đề nghị rà soát các vị trí đoạn đường thẳng, tầm nhìn thuận lợi để bảo đảm điều chỉnh vạch sơn tim đường dạng nét liền sang nét đứt, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện tham gia giao thông có thể tránh, vượt, nâng cao an toàn giao thông trên tuyến.
"Đối với đoạn chuyển tiếp từ 2 làn sang 4 làn và từ 4 làn trở về 2 làn, rà soát để tăng cường hiệu quả bảo đảm an toàn giao thông theo hướng bổ sung tiêu dẫn hướng, định phản quang, bổ sung báo hiệu đường bộ, rà soát điều chỉnh vị trí, nội dung biển báo hiệu và các hạng mục an toàn giao thông khác".
Cục Đường bộ Việt Nam.
Các đoạn trong khu vực có đường cong, dốc dọc, các vị trí không bảo đảm an toàn giao thông thì giữ nguyên vạch sơn liền.
Rà soát để tăng cường bảo đảm an toàn giao thông tại các nút giao để điều chỉnh, bổ sung biển báo hiệu đường bộ, vạch sơn kẻ đường, hạng mục an toàn giao thông khác nếu cần thiết.
Cùng với đó, rà soát các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông để điều chỉnh tốc độ khai thác thấp hơn thiết kế và phù hợp với thực tế, nhằm tăng cường an toàn giao thông. Rà soát kết cấu hạ tầng toàn bộ dự án để điều chỉnh, bổ sung nhằm khắc phục các tồn tại, tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cũng trong văn bản này, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tích cực, chủ động cử cán bộ và tư vấn thiết kế tham gia rà soát nội dung trên với Khu Quản lý đường bộ II và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
"Sửa chữa, khắc phục, điều chỉnh, bổ sung các nội dung theo kết quả kiểm tra, rà soát của Đoàn công tác nêu trên do Khu Quản lý đường bộ II chủ trì; thời gian hoàn thành trước ngày 10/03/2024", Cục trưởng nêu rõ.
Cùng với đó, quan tâm thực hiện các thủ tục để sớm khởi công đầu tư mở rộng hoàn thiện dự án đường cao tốc này.
Đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia tích cực công tác kiểm tra, rà soát để làm cơ sở cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam giao Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông căn cứ vào quy mô phân kỳ đầu tư ở giai đoạn này, nghiên cứu hiệu quả của việc điều chỉnh vạch phân chia làn đường ô tô với phần mặt đường sát mép ngoài cho phù hợp, nhằm mở rộng phần đường dành cho ô tô và các phương tiện được phép tham gia giao thông trên tuyến; tham mưu văn bản để Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo, xin chủ trương của Bộ Giao thông vận tải.
Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tham mưu văn bản của Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục Cảnh sát giao thông và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với tuyến đường Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Hoà Liên.
Về phê duyệt phương án tổ chức giao thông, căn cứ các Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT, Thông tư số 48/2023/TT-BGTVT và các quy định của pháp luật, quy mô dự án phân kỳ đầu tư và các nội dung định hướng nêu trên, Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan dự thảo trình lãnh đạo Cục phê duyệt phương án tổ chức giao thông của dự án.
Ngày 18/02/2024, tại Km48+200 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận thuộc địa phận thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, do xe ô tô 7 chỗ ngồi mang biển kiểm soát 36A-485.67 va chạm với xe đầu kéo mang biển kiểm soát 63C-136.59; hậu quả làm 3 người chết. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do người điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 36A- 485.67 vượt không đúng quy định gây tai nạn, hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Bên cạnh phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn là do ý thức của người tham gia giao thông thì các cơ quan, đơn vị liên quan cũng chỉ ra các nguyên nhân khác đến từ những bất cập về hạ tầng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Nhiều ý kiến cho rằng, trên toàn tuyến có nhiều điểm kết thúc vượt xe có thiết kế nền đường theo kiểu bó hẹp, thắt nút "cổ chai” như tại tại Km48+200 (vị trí xảy ra vụ tại đặc biệt nghiêm trọng), tiềm ẩn tai nạn giao thông cần sớm có giải pháp xử lý, khắc phục.