11:44 18/05/2007

Sacom phát hành 17 triệu cổ phiếu: Rủi ro và thuận lợi

Hải Bằng

Sacom không sử dụng dịch vụ bảo lãnh chào bán cho số cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện tại và đối tác chiến lược

Sản xuất cáp điện tại Sacom.
Sản xuất cáp điện tại Sacom.
Ngày 15/5, Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom) công bố bản cáo bạch cho đợt phát hành 17.060.572 cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) với giá bán dự kiến cho cổ đông hiện hữu là 20.000 đồng/cổ phiếu và giá bán cho đối tác chiến lược tối thiểu là 150.000 đồng/cổ phiếu.

Ngay phần đầu bản cáo bạch, Sacom đã đưa ra những rủi ro mà công ty có thể sẽ gặp phải trong thời gian tới: biến động trong việc phát triển kinh tế sẽ làm thay đổi yêu cầu phát triển mạng lưới viễn thông của đất nước và từ đó kéo theo sự thay đổi trong yêu cầu về lượng cáp đồng tiêu thụ cho mạng viễn thông. Biến động trong việc phát triển kinh tế cũng có thể sẽ làm ảnh hưởng tới tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ mạnh, từ đó ảnh hưởng tới việc thu mua nguyên vật liệu đầu vào của Sacom.

Trong lĩnh vực cáp và vật liệu viễn thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là khách hàng tiêu thụ sản phẩm chiếm tỷ trọng chủ yếu. Với tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm cao của VNPT như vậy, thị trường cáp đồng dùng trong viễn thông Việt Nam chưa có đủ các yếu tố của một thị trường cạnh tranh và phụ thuộc nhiều vào chính sách mua hàng của người mua.

Tương tự như các doanh nghiệp khác trong ngành, hiện nay Sacom cũng có 75% sản phẩm được bán cho các đơn vị trực thuộc VNPT, vì vậy, các nỗ lực của Sacom trong kinh doanh có thể không đem lại kết quả tương xứng khi có những thay đổi từ nhu cầu từ phía VNPT. Sacom cũng đã và đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác ngoài VNPT và thị trường khu vực.

Rủi ro liên quan đến đợt chào bán: Sacom không sử dụng dịch vụ bảo lãnh chào bán cho số cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện tại và đối tác chiến lược. Do đó, công ty có thể gặp rủi ro không bán hết số cổ phần đã đăng ký. Số lượng vốn huy động từ đợt phát hành này chủ yếu tài trợ cho các dự án đầu tư. Nếu việc triển khai các dự án không đúng tiến độ sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của Sacom.

Bên cạnh việc góp vốn, Sacom cũng phải điều động nhân sự tham gia các dự án đầu tư, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến lực lượng lao động hiện tại của Sacom. Việc chào bán cổ phiếu bổ sung tăng vốn điều lệ của Sacom sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường, do đó nếu công ty vẫn chủ trương duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức như cũ thì cần lượng tiền chi trả cổ tức sẽ nhiều hơn và ảnh hưởng lợi nhuận giữ lại. Trong trường hợp kinh doanh có biến động lớn, hoặc có những cơ hội kinh doanh mới trong khi các dự án đầu tư chưa sinh lời, Sacom có thể gặp những áp lực về việc trả cổ tức cũng như nguồn vốn cho đầu tư.

Về thị trường, Sacom nhận định: nguyên vật liệu chính dùng để sản xuất cáp viễn thông là đồng, nhựa, băng nhôm, băng mylar... hầu như là nhập khẩu 100%. Trong năm 2005 và 2006, giá cả các loại nguyên vật liệu này biến động mạnh vì ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng liên tục.

Nhu cầu về cáp viễn thông tại thị trường Việt Nam đang phát triển sôi động, đi kèm với nó là sự ra đời của một số công ty sản xuất cáp viễn thông như Cáp Sài Gòn, Taihan-Sacom, Thăng Long, Thiên Thành, Vĩnh Khánh... tạo ra một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Sacom có tốc độ tăng trung bình của doanh thu là trên 84% trong 2 năm qua, đạt mức 836 tỷ năm 2005 và 1.655 tỷ năm 2006 so với mức 485 tỷ đồng năm 2004. Tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận là trên 60%, đạt mức 103,1 tỷ đồng năm 2005 và 203,7 tỷ đồng năm 2006 so với mức 73,1 tỷ đồng năm 2004. Tỷ lệ cổ tức duy trì ổn định ở mức 16%/năm. Năm 2002, công ty tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận tích lũy. Trong năm 2006, công ty tiếp tục phát hành hơn 14,04 triệu cổ phần để tăng vốn lên 374,4 tỷ đồng.

Với chiến lược phát triển trong thời gian tới, công ty sẽ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và đa dạng hóa ngành nghề thông qua đầu tư vào liên doanh sản xuất cáp quang, đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao, góp vốn vào Công ty Viễn thông PCP tại Campuchia, góp vốn vào Công ty Taihan-Sacom (TSC) và đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng. Vì vậy Sacom đang triển khai kế hoạch chào bán thêm cổ phiếu để huy động vốn nhằm thực hiện các dự án đầu tư nêu trên.

Hiện Sacom góp 36,75% vốn điều lệ (200 tỷ đồng) vào Công ty Cổ phần Cáp Sài Gòn, 30% vốn điều lệ (25 tỷ đồng) vào Công ty Cổ phần Bao bì và Dịch vụ Sam Thịnh, 30% vốn điều lệ (25 tỷ) vào Công ty Cổ phần Vật liệu điện và viễn thông Sam Cường, 21,6% vốn điều lệ (50 tỷ) vào Công ty Cổ phần Nhựa Sam Phú và góp 30% vốn điều lệ (gần 446 tỷ đồng) vào Công ty Liên doanh Cáp Taihan-Sacom.

Về tình hình kinh doanh, lãnh đạo Sacom nhận định: trong năm 2006, giá nguyên liệu chính tăng cao nên tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu trên giá vốn hàng bán cũng tăng (93,87% năm 2006 so với 92,43% năm 2005). Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu trung bình tăng gần gấp đôi so với năm 2005 (từ 0,23 triệu đồng/km đôi dây lên 0,41 triệu đồng/km đôi dây). Tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu tăng từ 68,4% năm 2003 lên 75% năm 2004 do nguyên vật liệu đầu vào tăng mà giá bán không tăng tương ứng.

Tuy nhiên, tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu năm 2005 và 2006 tương đối ổn định do giá bán được điều chỉnh kịp thời. Chi phí sản xuất của Sacom được đánh giá ở mức trung bình thấp của ngành. Tỷ trọng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Sacom giảm đều qua các năm do công ty đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý và tiết kiệm chi phí chặt chẽ.

Công nghệ sản xuất của công ty so với những công ty lớn cùng ngành trong khu vực như MMC (Australia), Hitachi Bangkok (Thái Lan), Taihan (Hàn Quốc)... ở mức tương đương.