09:18 25/05/2007

Sàn việc làm cần “nhạc trưởng”

Lý Hà

Do còn không ít bất cập, các sàn giao dịch việc làm trong cả nước, cần có người “nhạc trưởng” điều hành thống nhất

Một ngày hội việc làm được tổ chức trong thời gian gần đây.
Một ngày hội việc làm được tổ chức trong thời gian gần đây.

Sàn giao dịch việc làm sẽ là giải pháp được ưu tiên phát triển, bên cạnh việc nâng cao năng lực của trung tâm giới thiệu việc làm, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động.

>>12/5: Khai trương sàn giao dịch việc làm đầu tiên tại Hà Nội

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng, tiến tới sàn sẽ được mở hàng tuần, hàng ngày. Mục đích là kết nối cung - cầu lao động, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động.

Như vậy, xu hướng chuyển từ hội chợ sang sàn giao dịch việc làm đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “bật đèn xanh” cho các địa phương. Đà Nẵng và Bắc Ninh là hai địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm mô hình sàn giao dịch việc làm từ giữa năm 2006. Trong tháng 5, Hà Nội và Tp.HCM cũng tiếp bước khai trương sàn. Một số tỉnh như Đồng Nai đang rục rịch chuẩn bị.

Tăng cơ hội việc làm cho lao động

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, so với mô hình hội chợ việc làm, mô hình sàn giao dịch việc làm có quy mô nhỏ hơn, gắn với trụ sở, mặt bằng của trung tâm giới thiệu việc làm, chi phí tổ chức ít tốn kém và hoạt động ổn định hơn; tần suất hoạt động của sàn giao dịch cao hơn nhiều so với hội chợ việc làm...

Kinh phí mở sàn được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ một phần (khoảng 200 triệu đồng), còn lại các địa phương tự lo để trang bị dàn máy tính, máy chiếu, máy tra cứu đa năng cho các trung tâm dịch vụ việc làm, thuộc sự quản lý của sở lao động. Cung và cầu lao động đều được cập nhật miễn phí lên website, lao động có thể ngồi nhà, hoặc nếu không có máy tính thì lên sàn lướt web tìm việc.

Sau hơn 6 tháng tổ chức vận hành thí điểm mô hình sàn giao dịch việc làm và điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Bắc Ninh... cho thấy, trung bình có khoảng 4.000-5.000 lượt người tham gia vào mỗi phiên giao dịch, số lượng người truy cập website Người tìm việc – Việc tìm người đạt khoảng 15.000- 20.000 lượt; khoảng 10.000 người được giới thiệu và có việc làm ổn định; hơn 20.000 lượt lao động được tư vấn miễn phí về việc làm, học nghề và pháp luật lao động.

Tại một số địa phương như Đà Nẵng, Bắc Ninh, sàn giao dịch việc làm đã trở thành địa chỉ quen thuộc, tin cậy của đông đảo người lao động cũng như của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Nhưng vẫn còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Pháo, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Đà Nẵng, để đẩy mạnh hoạt động này trong cả nước, cần có người “nhạc trưởng” điều hành thống nhất, mỗi trung tâm là một “nhạc công”, thực hiện đúng chức năng của mình.

Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Vụ trưởng Vụ Lao động việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện việc thu thập thông tin thị trường lao động, nắm bắt nhu cầu về cung cầu lao động cho hoạt động của sàn giao dịch vẫn ở quy mô nhỏ, chưa bao quát được đầy đủ nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, các phương tiện, trang thiết bị cho sàn giao dịch hiện mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu đầu tư nên còn chưa hoàn chỉnh, thiếu nhiều trang thiết bị công nghệ thông tin như các máy tính nối mạng, máy tra cứu dữ liệu đa năng, màn hình điện tử hiển thị thông tin.

Cùng đó, công tác tuyên truyền, quảng bá hoạt động của sàn giao dịch vẫn chưa được thực hiện rộng khắp. Chưa kể, sự phối hợp giữa đơn vị chủ quản tổ chức sàn giao dịch là trung tâm giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia vào sàn giao dịch còn chưa đồng bộ. Một số doanh nghiệp vẫn chưa quen với việc lập kế hoạch tuyển dụng lao động nên khi hoạt động trên sàn giao dịch còn lúng túng.

Nhằm phát triển tốt hệ thống sàn giao dịch việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra 8 giải pháp tập trung thực hiện để năm 2010, sẽ xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh ở 30-40 tỉnh thành, xây dựng khoảng 50 website giao dịch việc làm điện tử kết nối với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia, phấn đấu tăng tỷ lệ người tìm được việc làm thông qua các giao dịch chính thức lên 25-30% trong tổng số người có việc làm.