08:00 15/03/2022

Tiềm năng của bán lẻ xa xỉ trong Metaverse

Băng Hảo

Tài sản số NFT đã trở thành một yếu tố được quan tâm nhiều nhất trong lĩnh vực tiền điện tử năm vừa qua. Một báo cáo gần đây cho thấy doanh số bán hàng của NFT đạt mức kỷ lục 17,7 tỷ USD vào cuối năm 2021...

Kết hợp giữa “Meta” (vượt ra ngoài) và “Universe” (vũ trụ), Metaverse là khái niệm về một “vũ trụ kỹ thuật số” tồn tại song song với thế giới thực được kiến tạo từ công nghệ hiện đại. Nếu kỷ nguyên Internet đã đưa con người tiến vào thời đại kết nối không giới hạn, thì Metaverse - hình thái tiến hóa tiếp theo của nó,  là một chiều không gian cho phép chúng ta được sống bằng “phiên bản số” của mỗi cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc những chuẩn mực xã hội sẽ được tái thiết, và một trong số đó chính là thời trang.

NHỮNG CƠ HỘI MANG LẠI DOANH THU TỶ ĐÔ

Việc NFT ngày càng nổi lên trong ngành công nghiệp thời trang bởi công nghệ tân tiến này cho phép các công ty thời trang thu thập dữ liệu về bản chất sản phẩm cũng như tìm hiểu đặc tính của người tiêu dùng. Đến nay, công nghệ này đã có tác động sâu sắc lên ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Tuy nhiên, đó chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm.

Hiện nay, các thương hiệu thời trang đặt mục tiêu mở rộng chi phí hoạt động, nâng mức độ nhận diện, và hơn hết làm nổi bật bản sắc thương hiệu nhằm gia tăng lợi nhuận. Thực chất, xu hướng này dự đoán NFT không chỉ phát triển hơn, mà chắc chắn sẽ tăng giá trị từ sức mua của người tiêu dùng trong năm 2022. “Cơ hội biến Metaverse thành hiện thực mang đến giá trị doanh thu hàng năm hơn 1.000 tỷ USD và có thể cạnh tranh với các công ty web 2.0 trị giá 15.000 tỷ USD hiện nay”, theo Fortune Magazine.

Thị trường thời trang phải chuẩn bị cho điều tất yếu này. Việc xâm nhập vào thế giới ảo không những là mỏ vàng cho các thương hiệu lớn và nhỏ, mà đó còn là nỗ lực để tạo sự kết nối với khách hàng thế hệ Z. Theo bà AnneMarie Hayek, người sáng lập và Chủ tịch Công ty tư vấn văn hóa Global Mosaic, thế hệ Z đang mở ra một cuộc cách mạng về danh tính và trong kỷ nguyên của những cư dân kỹ thuật số này, cầu nối đầu tiên với danh tính của họ chính là thông qua những bộ trang phục ảo.

Các chuyên gia đều có niềm tin trang phục ảo là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng khiến cho ngành công nghiệp thời trang bị trì trệ hơn một năm qua.
Các chuyên gia đều có niềm tin trang phục ảo là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng khiến cho ngành công nghiệp thời trang bị trì trệ hơn một năm qua.

Vì lẽ đó, không có triển vọng công nghệ tiêu dùng nào thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận và đầu tư hơn ngay bây giờ so với Metaverse. Hiếm có tuần nào trôi qua mà không có ít nhất một, thậm chí là nhiều thông tin, về việc các nhãn hàng xa xỉ đầu tư vào “thế giới ảo”.

Tại Tuần lễ thời trang New York, Jonathan Simkhai - nhà thiết kế đầu tiên ra mắt bộ sưu tập Thu - Đông 2022, đã sử dụng công nghệ Metaverse cho phép người dùng tạo hình đại diện cho chính họ và có cuộc sống thứ hai trong thế giới ảo. Trong khi Gucci đã mua không gian số trên trang video-gaming của Hong Kong – The Sandbox, và đang lên kế hoạch để mang đến “trải nghiệm bước vào thế giới ảo”.

Theo Vogue, Metaverse và NFT là tương lai của làng mốt toàn cầu, kỳ vọng làm tăng giá trị từ sức mua của người tiêu dùng.  Còn các nhà phân tích tại Morgan Stanley thì cho rằng thị trường hàng xa xỉ ảo có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2030. Các chuyên gia đều có niềm tin trang phục ảo là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng khiến cho ngành công nghiệp thời trang bị trì trệ hơn một năm qua cũng như vấn đề chung về tính bền vững trong thời trang. Ý tưởng về NFT và Metaverse giúp cho ngành thời trang thu về lợi nhuận mà không cần đến bất kỳ sản phẩm vật lý nào.

NHƯNG NGƯỜI TIÊU DÙNG VẪN TRONG THẾ GIỚI THỰC

Sức hút của hàng hóa ảo lớn đến mức khiến nhiều người tin rằng Metaverse cuối cùng sẽ thay thế mạng Internet hiện tại. Vấn đề lớn nhất hiện nay là vẫn chưa có một nền tảng thống nhất, theo đó người dùng sẽ không thể mang túi xách thương hiệu Gucci mua trên Roblox sang các trò chơi khác như Sandbox hay Animal Crossing. Đây cũng là một trong những ưu tiên mà nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg, hướng đến khi đổi tên công ty thành Meta.

Bà Cathy Hackl, chuyên gia tư vấn công nghệ thực tế ảo người Mỹ, nhận định kể từ khi mạng xã hội hàng đầu thế giới hé lộ tham vọng này, mọi thứ diễn biến ngày càng nhanh. Tuy nhiên, bà Hackl cũng lưu ý rằng không phải công ty nào cũng nên vội vàng nhảy vào lĩnh vực này, ít nhất họ cũng cần làm quen với môi trường mới trước. Trừ phi các công ty có thể tự xây dựng cho mình thế giới ảo riêng, nếu không họ sẽ cần phải tuân theo quy định của mỗi nền tảng mà họ tham gia.

 
Cơ hội biến Metaverse thành hiện thực mang đến giá trị doanh thu hàng năm hơn 1.000 tỷ USD và có thể cạnh tranh với các công ty web 2.0 trị giá 15.000 tỷ USD hiện nay.

- Fortune Magazine -

Một số công ty tỏ ra đồng tình với sự thận trọng này. Bernard Arnault, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn LVMH, đã tuyên bố rằng họ không cần vội vàng tham gia vào Metaverse. Các thương hiệu của LVMH đang hoạt động tốt trong thế giới thực, doanh thu và lợi nhuận cả năm 2021 của công ty đều đạt mức kỷ lục. Ông Arnault nói rằng trong khi tò mò muốn khám phá các cơ hội của môi trường kỹ thuật số đang trở thành xu hướng, ông cũng cảnh giác về sự lặp lại của “bong bóng” dot-com.

"Đó hoàn toàn là một thế giới ảo và cho đến bây giờ, chúng ta đang ở trong thế giới thực và chúng tôi bán các sản phẩm thực. Chắc chắn là rất thú vị, nhưng chúng tôi phải xem xét tính ứng dụng của Metaverse và các NFT này là gì”, ông Aunault nói trong một cuộc phỏng vấn với WWD. "Ngoài ra, hãy cẩn thận với nguy cơ bong bóng. Hãy nhớ lại thời kỳ đầu những năm 2000, khi đó có hàng tá cái tên có-thể-sẽ-trở-thành-Facebook, và cuối cùng, chỉ có duy nhất một trong số đó hoạt động hiệu quả. Vì vậy, chúng ta hãy thận trọng".

Bên cạnh đó, nhiều người trong ngành tin rằng khả năng liên kết các mặt hàng kỹ thuật số với hàng hóa vật chất vẫn là một trong những chức năng quan trọng nhất. Karinna Grant, đồng Giám đốc điều hành của The Dematerialized, một nền tảng thương mại dành cho thời trang kỹ thuật số, cho rằng “những người sở hữu NFT lần đầu hoặc mới tham gia vào thị trường sẽ vẫn giữ niềm tin truyền thống rằng các sản phẩm vật lý có giá trị hơn là các sản phẩm kỹ thuật số”. Do đó, điều quan trọng là vẫn phải có các sản phẩm vật lý có thể đạt được thông qua việc sở hữu một thứ gì đó trong Metaverse vì hầu hết người tiêu dùng vẫn sống trong thế giới thực”.

Sức hút của hàng hóa ảo lớn đến mức khiến nhiều người tin rằng Metaverse cuối cùng sẽ thay thế mạng Internet hiện tại.
Sức hút của hàng hóa ảo lớn đến mức khiến nhiều người tin rằng Metaverse cuối cùng sẽ thay thế mạng Internet hiện tại.

Đây là lý do tại sao một nhãn hiệu thời trang chính thống như Coach tặng những người sở hữu NFT những chiếc túi “rouge bag” thực tế được làm theo đơn đặt hàng. Hoặc bộ sưu tập ảo Karl Lagerfeld đã tạo cơ hội cho những người sở hữu được đến tham dự một sự kiện thương hiệu ở Paris vào năm 2022. Tại sự kiện này sẽ có một buổi ra mắt các sản phẩm NFT khác, nơi chỉ những người sở hữu NFT Karl trước đó mới được mời tham gia… 

“Cũng giống như trong đời thực, khi khách hàng dùng thẻ từ để truy cập vào câu lạc bộ thể hình mà họ đã bỏ tiền ra để đăng ký gói thành viên, thì tính tiện ích của NFT có thể là bất cứ điều gì tương tự: từ việc sử dụng NFT làm thẻ hội viên cho đến khả năng mặc nó trong trò chơi hoặc kết hợp tính bền vững về mặt đầu tư, hay thậm chí là quyền lợi xã hội cho người mua NFT”, bà Grant nhấn mạnh với phóng viên tờ Cointelegraph.

Với những lý do này, quá rõ ràng là NFT phải tạo ra cơ hội để người tiêu dùng có thể tương tác với các thương hiệu trong cả thế giới thực và kỹ thuật số. Còn nếu tính tiện ích của một số NFT chỉ đơn giản là vì mục đích nghệ thuật, thì các thương hiệu khi tung ra NFT sẽ cần đặt nặng về tính công năng hơn và cần được xây dựng dựa trên một cộng đồng khách hàng hiện có.