09:59 06/09/2008

Tuần lễ nhiều biến động của Phố Wall

Duy Cường

Ngày 5/9, chứng khoán Mỹ dù lên điểm nhẹ nhưng nỗi thất vọng về một tuần biến động mới là tâm điểm của sự chú ý

Chứng khoán Mỹ đã có tuần kém may mắn khi các chỉ số đều mất trên 2,8% so với tuần trước - Ảnh: AP.
Chứng khoán Mỹ đã có tuần kém may mắn khi các chỉ số đều mất trên 2,8% so với tuần trước - Ảnh: AP.
Ngày 5/9, chứng khoán Mỹ dù lên điểm nhẹ nhưng nỗi thất vọng về một tuần biến động mới là tâm điểm của sự chú ý.

Chứng khoán Mỹ: Tuần lễ buồn

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 10 tại NYMEX trong ngày 5/9 đã giảm 1,66 USD/thùng, tương đương -1,54%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 106,23 USD/thùng.

Như vậy, trong tuần qua, giá dầu đã giảm đi 7,99% và thấp hơn 10,68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hôm thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ thông báo, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng từ 5,7% trong tháng Bảy lên 6,1% trong tháng Tám, đưa tổng số người bị mất việc trong tháng Tám lên 84.000 từ 60.000 trong tháng 7. Như vậy tính từ đầu năm tới nay, đã có 605.000 người bị mất việc làm tại Mỹ.

Liên quan đến Ngân hàng Merrill Lynch, chuyên gia phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs - William Tanona nhận định rằng, trong quý 3/2008, Merrill Lynch sẽ lỗ 5,75 tỷ USD, tương đương 4,75 USD/cổ phiếu và ước tính mức lỗ trong năm 2008 là 11,55 tỷ USD, tương đương 10,55 USD/cổ phiếu.

Dựa trên ước lượng mức lỗ quý 3 và cả năm 2008, chuyên gia phân tích William Tanona đã khuyến nghị nên bán cổ phiếu Merrill Lynch.

Trong tuần qua, chứng khoán Mỹ đã sụt giảm ở trong nhiều phiên giao dịch và chính thức đưa cả ba chỉ số chính giảm hơn 20% so với tháng 10/2007, tạo thành thị trường đầu cơ giá xuống (Bear Market).

Một tuần biến động của giá dầu khiến cổ phiếu khối năng lượng mất 7,41%, cổ phiếu khối công nghệ thông tin, nguyên vật liệu cơ bản có mức giảm lần lượt là 6,47% và 5,89%... trong khi khối tài chính tăng mạnh nhất với 1,53% giá trị.

Dù thị trường lấy lại sự cân bằng khi sắc xanh hiện diện ở chỉ số Dow Jones và S&P 500 trong phiên giao dịch cuối tuần nhưng điều đó vẫn không có nhiều thay đổi tích cực.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 32,73 điểm, tương đương 0,29%, đóng cửa ở mức 11.220,96, giảm 2,79% so với tuần trước và mất 15,41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq phiên này trượt 3,16 điểm, tương ứng -0,14%, chốt ở mức 2.255,88, giảm 4,72% so với tuần trước và thấp hơn 14,95% so với cùng kỳ năm 2007.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 lên 3,48 điểm, tương đương 0,44%, đóng cửa ở mức 1.242,31, mất 3,16% so với tuần trước và giảm 15,39% so với cùng này năm trước.

Các thông tin nổi bật trong tuần:

* Hãng Reuters và trường Đại học Michigan đã công bố kết quả cuộc thăm dò ý kiến người tiêu dùng Mỹ, theo đó, chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ đã tăng từ 61,2 điểm trong tháng Bảy lên 63 điểm trong tháng Tám.

* Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chi tiêu dùng của người dân nước này trong tháng Bảy đã tăng 0,2%, thấp hơn mức tăng  0,6% trong tháng Sáu.

* Bộ Thương mại Mỹ thông báo, chi tiêu xây dựng ở Mỹ trong tháng Bảy đã giảm 0,6% do hoạt động xây dựng của khối tư nhân đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

* Bộ Thương mại Mỹ thông báo, số đơn đặt hàng tại các nhà máy của nước này đã tăng 1,3% trong tháng Bảy do số lượng các đơn đặt hàng của ngành vận tải tăng mạnh.

* Bộ Lao động Mỹ thông báo, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng từ 5,7% trong tháng Bảy lên 6,1% trong tháng Tám, đưa tổng số người bị mất việc trong tháng Tám lên 84.000

Chứng khoán châu Âu: Ngày giảm điểm thứ ba trong tuần

Hôm thứ Sáu, Bộ Kinh tế Đức thông báo, sản xuất công nghiệp trong tháng Bảy của nước này đã giảm 1,8% so với tháng Sáu do nhu cầu các loại máy móc giảm mạnh.

Theo nhận định của giới phân tích, rất có thể kinh tế Đức sẽ tăng 1,5% trong năm 2008, thấp hơn mức tăng 1,9% được đề ra từ đầu năm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục mất điểm ngày thứ ba liên tiếp trong tuần với biên độ giảm hơn 2% trong mỗi phiên giao dịch.

Khối ngân hàng, khai mỏ tiếp tục giảm mạnh, trong đó, cổ phiếu Ngân hàng Barclays giảm 4,2%, Ngân hàng UBS mất 4,1%, Ngân hàng Hoàng Gia Scotland trượt 3,6%...; cổ phiếu hãng khai mỏ Kazakhmys, Anglo American, Anglo American,  Rio Tinto giảm từ 3,9% đến 4,9%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh sụt giảm 121,4 điểm, tương đương -2,26%, đóng cửa ở mức 5.240,7, giảm 7,02% so với tuần trước, khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,48 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này mất 2,42% và giảm 4,59% so với tuần trước. Chỉ số CAC 40 của Pháp tụt giảm 2,49% và thấp hơn 6,37% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 221 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Tuần giảm điểm mạnh nhất trong quý 3

Chứng khoán châu Á phiên giao dịch cuối tuần đã tiếp tục giảm điểm ngày thứ 4 trong tuần. Trong đó, thị trường Nhật, Hồng Kông, Trung Quốc là những thị trường giảm mạnh nhất.

Thông tin xấu về tình hình việc làm ở Mỹ đã đẩy thị trường chứng khoán Phố Wall sụt giảm 3%, khiến các chỉ số chứng khoán giảm 20% so với tháng 10/2007. Điều này đã lan tỏa đến châu Á, khiến giới đầu tư tăng mạnh lệnh bán và kéo toàn thị trường chìm trong sắc đỏ.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Sáu đã giảm mạnh và xuống mức thấp nhất trong vòng năm tháng rưỡi qua do giới đầu tư tiếp tục bán mạnh cổ phiếu vì lo ngại về sức khỏe kinh tế thế giới.

Cổ phiếu của Mizuho Financial Group và khối ngân hàng là nguyên nhân cơ bản khiến thị trường đi xuống. Bên cạnh đó, cổ phiếu của Sony mất 4,2% do hãng này công bố thu hồi 438.000 chiếc máy tính Vaio.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 345,43 điểm, tương ứng -2,75%, đóng cửa ở mức 12.212,23, giảm 6,6% so với tuần trước.

Hôm thứ Sáu, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết, GDP của nước này trong quý 2/2008 đã tăng 0,8% so với quý 1/2008 và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá nhiên liệu, lương thực - thực phẩm tăng cao cùng với đồng Won mất giá khiến lạm phát của nước này đã lên cao nhất trong vòng gần 10 năm qua, khiến cho mức chi tiêu dùng của các hộ gia đình chỉ tăng 0,2% trong quý 2.

Để kích thích tiêu dùng và nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, Chính phủ nước này đã công bố trong tuần này về việc cắt giảm khoản thuế thu nhập cá nhân trị giá 20 tỷ USD kéo dài trong 5.

Được biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia mà người tiêu dùng thường mua hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Do đó, kế hoạch này thực sự sẽ phát huy tác dụng “kép”, vừa giúp người dân đỡ khó khăn, vừa giúp GDP tăng trưởng tốt hơn.

Chứng khoán Hàn Quốc phiên này tiếp tục mất điểm mạnh với biên độ giảm của chỉ số KOSPI là 1,55%, chốt ở mức 1.404,38, giảm 4,74% so với tuần trước.

Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông phiên này giảm 2,24% và mất 6,25% so với tuần trước.

Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tiếp tục mất 1,64% và giảm 10,48% so với tuần trước, mức giảm mạnh nhất trong tuần của thị trường châu Á.

Chỉ số Straits Times của Singapore mất 1,97%, thấp hơn tuần trước 5,87% giá trị.

Trong tuần này, chứng khoán Trung Quốc đã giảm 4 phiên và một phiên lên điểm nhẹ. Kết thúc ngày giao dịch 5/9, chỉ số Shanghai Composite giảm 3,29%, chốt ở mức 2.202,45, giảm 8,13% so với tuần trước.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.188,23 11.220,96  Up  32,73 Up 0,29
Nasdaq 2.259,04 2.255,88 Down    3,16 Down 0,14
S&P 500 1.236,83 1.242,31 Up    5,48 Up 0,44
Anh FTSE 100 5.362,10 5.240,70 Down 121,40  Down 2,26
Đức DAX 6.279,57 6.127,44  Down 152,13 Down 2,42
Pháp CAC 40 4.304,01 4.196,66  Down 107,35 Down 2,49
Đài Loan Taiwan Weighted 6.412,63 6.307,28 Down 105,35 Down 1,64
Nhật Nikkei 225 12.557,66 12.212,23 Down 345,43 Down 2,75
Hồng Kông Hang Seng 20.389,48 19.933,28 Down 456,20 Down 2,24
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.426,43 1.404,38 Down   22,05 Down 1,55
Singapore Straits Times 2.626,05 2.574,21 Down   51,84 Down 1,97
Trung Quốc Shanghai Composite 2.277,41 2.202,45 Down   74,96 Down 3,29
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg