18:22 08/08/2022

WB dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,5% trong năm 2022

Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên vẫn đang chịu ảnh hưởng từ các rủi ro như tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn...

Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ hướng chuyển từ dựa vào nhu cầu bên ngoài sang dựa vào nhu cầu trong nước, từ khu vực chế tạo chế biến sang khu vực dịch vụ.
Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ hướng chuyển từ dựa vào nhu cầu bên ngoài sang dựa vào nhu cầu trong nước, từ khu vực chế tạo chế biến sang khu vực dịch vụ.

Chiều 8/8, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức buổi công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8 năm 2022 với tựa đề “Giáo dục để tăng trưởng”.

Theo đại diện WB, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022.

Chuyên gia của WB nhận định: "Bất chấp những cú sốc và tình trạng bất định gia tăng gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên lộ trình phục hồi. Sau đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt và GDP sụt giảm mạnh vào quý 3/2021, nền kinh tế bắt đầu phục hồi trở lại từ mùa thu năm 2021 nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao tạo điều kiện cho quốc gia mở cửa lại. Đến cuối tháng 12/2021, khoảng 80% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ, các biện pháp hạn chế đi lại dần được gỡ bỏ. Nhờ vậy, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng với tốc độ 5,2% trong quý 4/2021, 5,1% trong quý 1/2022 và 7,7% trong quý 2/2022".

Đại diện WB chia sẻ tại buổi họp báo ngày 8/8/2022. 
Đại diện WB chia sẻ tại buổi họp báo ngày 8/8/2022. 

Tuy nhiên, triển vọng tích cực trên vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi. Rủi ro được nhắc tới bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa vẫn tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam, chia sẻ cú sốc về cung liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine gây ra nhiều ảnh hưởng nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tương đối vững vàng. Việt Nam vẫn phải đương đầu với rủi ro lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu hụt lao động, ngoài ra là tâm lý lo ngại về các biến chủng mới của Covid-19 gây ra các đợt dịch cản trở sự phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Nếu kịch bản trên xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thêm vào đó, mặc dù quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng, nhưng chưa đầy đủ và đồng đều, khi tổng sản lượng vẫn thấp hơn xu hướng thời kỳ trước  khi có Covid-19 đến 3,8%; đặc biệt, các ngành dịch vụ mới chỉ đang phục hồi. Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ hướng chuyển từ dựa vào nhu cầu bên ngoài sang dựa vào nhu cầu trong nước, từ khu vực chế tạo chế biến sang khu vực dịch vụ.

Quá trình phục hồi của khu vực dịch vụ - đến nay vẫn đi sau - dự kiến sẽ được đẩy mạnh do người tiêu dùng trong nước tăng chi tiêu để thỏa mãi các nhu cầu bị dồn nén và số lượt khách du lịch quốc tế phục hồi.

Ngược lại, sản xuất công nghiệp dự kiến sẽ chững lại do sức cầu bên ngoài yếu đi. Lạm phát được dự báo sẽ tăng đến 4% vào năm 2023, trước khi chững lại còn 3,3% trong năm 2024, khi các cú sốc về cung tiêu tan.

Theo đó, WB đưa ra 4 khuyến nghị chính sách bao gồm: quan điểm chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ hơn; chính sách tiền tệ linh hoạt; chủ động tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng và thực hiện cải cách cơ cấu.

Cụ thể, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động. Nhờ vậy Việt Nam có thể phòng ngừa được rủi ro giảm tăng trưởng, tuy nhiên ách tắc trong triển khai thủ tục hành chính và ngân sách chưa được giải quyết như mong muốn. Cần tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực như kinh tế xanh, số hóa, nguồn lực dự kiến cũng sẽ chiếm tỷ lệ cao trong chi tiêu của chính phủ. Ngoài ra, cần mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu cho đối tượng cần hỗ trợ nhất để các hộ gia đình có thể chống đỡ được các cú sốc.

Bên cạnh đó, hiện nay lạm phát cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, nền kinh tế như vậy vẫn dưới mức tiềm năng. Chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn phù hợp ở hiện tại. Tuy nhiên nếu áp lực tăng lạm phát thành hiện thực khi mà lạm phát cơ bản gia tăng và lạm phát toàn phần vượt quá chỉ tiêu 4% mà chính phủ đề ra thì các cơ quan chức năng cần tính đến thắt chặt tiền tệ và thanh khoản. Nếu làm như vậy, WB khuyến nghị cần truyền thông rõ ràng để thị trường được thông tin đầy đủ tránh cú sốc trong nền kinh tế.

Đối với quản lý khu vực tài chính, việc quản lý một cách chủ động, tỉnh táo, linh hoạt là hoàn toàn cần thiết. Việt Nam đang đối mặt với vấn đề nợ xấu và chất lượng tài sản ngân hàng xấu đi. Chất lượng tài sản ngân hàng cần phải được giám sát an toàn và minh bạch, công tác dự phòng nợ xấu cần phải được ổn định. Với những ngân hàng cần tái vốn hóa thì cần phải có lộ trình cụ thể. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế xử lý khả năng mất năng lực trả nợ của doanh nghiệp.

Chính phủ có thể cân nhắc áp thêm sắc thuế mới như thuế cacbon, cải thiện công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu suất chi tiêu với đầu tư công. Hành lang pháp lý cần phải tiếp tục được cải thiện để nâng cao hiệu quả của môi trường đầu tư kinh doanh.