11:28 27/02/2024

Xa xỉ “chảy ngược”: Hồng Kông đang thất thế?

Minh Nguyệt

Những ngày cuối tuần, cư dân Hồng Kông xuất hiện ở các trung tâm mua sắm ở Thâm Quyến nhiều đến nỗi các cửa hàng đã điều chỉnh thông tin quảng cáo bằng tiếng Quảng Đông và giảm giá cho khách hàng có số điện thoại mang mã vùng 852...

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Sau nhiều năm bị ảnh hưởng, Hồng Kông đang thu hút các ngôi sao và thương hiệu quốc tế hàng đầu với tham vọng thúc đẩy nền kinh tế của trung tâm tài chính này thông qua các sự kiện lớn. Buổi trình diễn thời trang Dior với sự góp mặt của Giám đốc sáng tạo Kim Jones là một trong số “sự kiện lớn” được giám đốc văn hóa, thể thao và du lịch Hồng Kông Kevin Yeung giới thiệu vào tháng trước như một phần trong nỗ lực của thành phố để quay trở lại là trung tâm xa xỉ của châu Á.

Tuy nhiên, cuối tuần qua, văn phòng của ông Yeung xác nhận với AFP rằng họ “vừa được thông báo” bởi ban tổ chức: buổi trình diễn thời trang sẽ không diễn ra như dự kiến vào ngày 23/3. “Các sự kiện quy mô lớn thỉnh thoảng bị hoãn lại và chúng tôi tiếp tục chào đón những sự kiện lớn sẽ diễn ra ở Hồng Kông,” người phát ngôn của văn phòng ông Yeung nói. Về phía thương hiệu, Dior chỉ thông báo “hoãn vô thời hạn” buổi biểu diễn mà không đưa ra thông tin cụ thể, theo tuyên bố của công ty được trích dẫn bởi SCMP.

Dự kiến show diễn của Dior sẽ thu hút gần 1.000 người tham dự nếu được tổ chức đúng hẹn. Trước đó, show diễn Chớm thu của Louis Vuitton vào tháng 11/2023 được coi là giúp cho hình ảnh của Hồng Kông lan tỏa khắp thế giới. Các show diễn như vậy cũng là dấu hiệu cho thấy sự gắn kết của các thương hiệu xa xỉ đối với thị trường châu Á.

Ngày càng nhiều người Hồng Kông tới Thâm Quyến để ăn uống, mua sắm và giải trí.
Ngày càng nhiều người Hồng Kông tới Thâm Quyến để ăn uống, mua sắm và giải trí.

Dickson Concepts, chủ sở hữu Trung tâm mua sắm cao cấp Harvey Nichols của Anh tại Hồng Kông, cuối năm 2023 đã hủy hợp đồng thuê mặt bằng năm tầng tại Landmark. Một dòng thông tin có trong thông cáo của công ty với nội dung – khách du lịch Trung Quốc đến Hồng Kông không còn tập trung vào việc mua sắm như trước đại dịch. Không chỉ Harvey Nichols, các thương hiệu đồ xa xỉ cũng đóng cửa bớt một số cửa hàng như Valentino, Burberry hay Tiffany của tập đoàn LVMH, mặc dù giá thuê mặt bằng ở đây đã giảm khoảng 40% so với năm 2019.

Làn sóng đóng cửa của các thương hiệu xa xỉ, được dự báo vẫn tiếp tục ở Hồng Kông. Vì thế mà giám đốc các thương hiệu cao cấp Caroline Reyl, thuộc hãng quản lý tài sản Asset Management, công ty có cổ phần của LVMH, tin rằng ngành hàng xa xỉ của Hồng Kông khó quay lại thời hoàng kim như trước Covid-19, do sự cạnh tranh mạnh mẽ của đảo Hải Nam.

Trong khi đó, những ngày cuối tuần gần đây, ngày càng nhiều người Hồng Kông tới Thâm Quyến để ăn uống, mua sắm và giải trí. Năm 2018, tuyến đường sắt cao tốc nối hai thành phố này đi vào hoạt động, giúp giảm thời gian di chuyển xuống chỉ còn chưa đầy 30 phút. Giới chuyên gia nhận định xu hướng này cho thấy sự “chảy ngược” giữa thị trường xa xỉ của Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, giữa phương Đông và phương Tây. Trước đây, Hồng Kông mới là nơi người đại lục thường xuyên đổ đến để du lịch và mua sắm.

Hiện tại, từng nhóm vài chục người Hồng Kông lên chiếc xe buýt màu xanh lá cây, kéo theo những chiếc vali rỗng. Họ dán nhãn du lịch màu tím trên áo khoác và đi mua sắm ở Thâm Quyến, theo The New York Times. Hồng Kông vẫn là một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới, nền kinh tế suy sụp và thị trường chứng khoán lao dốc đã khiến mọi người ý thức hơn về tiền bạc. Tại Trung Quốc đại lục, nền kinh tế trì trệ đã khiến giá cả sụt giảm và tiến tới hiện tượng được gọi là giảm phát.

Chỉ riêng trong năm 2023, người Hong Kong đã chi tổng cộng 8,5 tỷ USD vào Thâm Quyến và các thành phố lân cận phía nam Trung Quốc.
Chỉ riêng trong năm 2023, người Hong Kong đã chi tổng cộng 8,5 tỷ USD vào Thâm Quyến và các thành phố lân cận phía nam Trung Quốc.

Năm 2018, có 51 triệu du khách đại lục đã đến Hồng Kông. Năm 2023, chỉ 26 triệu người đại lục tới Hồng Kông. Cơ quan Di trú Hồng Kông cũng cho biết nửa cuối năm 2023, chỉ khoảng 200.000 người đại lục sang Hồng Kông dịp cuối tuần. Trong khi đó, chiều ngược lại đông gấp đôi. Một trong các nguyên nhân là sự xuất hiện của các trung tâm mua sắm mới, như Hải Nam, nhu cầu tiêu dùng thay đổi và xu hướng mua online sau đại dịch khiến lượng khách Trung Quốc sang Hồng Kông giảm mạnh, các chuyên gia lý giải trên Reuters.

"Du khách Trung Quốc sang Hồng Kông cũng không còn tập trung vào mua sắm như trước đại dịch nữa. Rất nhiều trung tâm mua sắm hiện đại đã mọc lên ở đại lục, và giá cả ăn uống, đi lại rẻ hơn, khiến chính người Hồng Kông muốn quay lại đại lục để shopping xa xỉ", chuỗi trung tâm thương mại cao cấp Harvey Nichols (Anh) nhận xét.

Gary Ng, nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, ước tính rằng chỉ riêng trong năm 2023, người Hong Kong đã chi tổng cộng 8,5 tỷ USD vào Thâm Quyến và các thành phố lân cận phía nam Trung Quốc. Điều này có nghĩa là ít tiền hơn được bơm vào các nhà hàng và cửa hàng địa phương ở Hong Kong, khiến họ khó tồn tại hơn và có nhiều khả năng phải đóng cửa.

Khi điều đó xảy ra, sức hấp dẫn của Thâm Quyến càng bùng cháy mạnh mẽ hơn, còn Hong Kong thì ngày một ảm đạm. Thâm Quyến này hiện giờ có cả chi nhánh của Costco và Sam's Club, hay một chuỗi cửa hàng do gã khổng lồ bán lẻ Mỹ Walmart vận hành.

Rất nhiều trung tâm mua sắm hiện đại đã mọc lên ở đại lục, khiến chính người Hồng Kông muốn quay lại đại lục để shopping xa xỉ.
Rất nhiều trung tâm mua sắm hiện đại đã mọc lên ở đại lục, khiến chính người Hồng Kông muốn quay lại đại lục để shopping xa xỉ.

Theo nghiên cứu mới nhất của BoF Insights, “Dynamic Journeys: China’s Luxury Shoppers at Home and Abroad” (Hành trình động: Người mua sắm xa xỉ ở Trung Quốc và ở nước ngoài), sự thay đổi về vị trí địa lý nơi diễn ra các hoạt động mua sắm đang hình thành. Vào năm 2027, BoF Insights dự đoán rằng 2/3 trong số hàng tỷ USD mua hàng xa xỉ của người Trung Quốc sẽ diễn ra ở ngay tại Trung Quốc đại lục. Sẽ chỉ có 1/3 giá trị chi tiêu xảy ra ở bên ngoài biên giới - một sự đảo ngược hoàn toàn so với thời kỳ trước đại dịch.

“Từ giờ trở đi, thị trường địa phương bên trong Trung Quốc đại lục sẽ chiếm hơn 50% tổng chi tiêu của người Trung Quốc", Jonathan Siboni, người sáng lập và giám đốc điều hành của Luxurynsight nhận định. Trong đó, tương lai của chi tiêu xa xỉ của Trung Quốc có thể được nhìn thấy ở Hải Nam - trung tâm nội địa dành cho mua sắm miễn thuế cao cấp. Hòn đảo phía nam Trung Quốc chứng kiến doanh số bán hàng bùng nổ trong những năm khách du lịch bị mắc kẹt ở trong nước và không hề có dấu hiệu giảm sút kể cả khi du lịch nước ngoài bình thường trở lại.