11:18 15/03/2007

Xung quanh vụ đình công lớn ở Bình Dương

Ái Vân

Từ ngày 9-14/3, hơn 3.000 công nhân Công ty Green River Wood & Lumber Việt Nam đã đồng loạt bỏ xưởng

Nguyên nhân khiến công nhân bỏ xưởng là những bất hợp lí về chính sách lương bổng của công ty - Ảnh minh họa.
Nguyên nhân khiến công nhân bỏ xưởng là những bất hợp lí về chính sách lương bổng của công ty - Ảnh minh họa.
Từ ngày 9-14/3, hơn 3.000 công nhân Công ty Green River Wood & Lumber Việt Nam đã đồng loạt bỏ xưởng.

Cũng như những cuộc đình công khác diễn ra trong thời gian qua ở các nơi, nguyên nhân chủ yếu vẫn là người lao động yêu cầu đòi doanh nghiệp thực hiện những quyền lợi cho người lao động.

Công ty Green River Wood & Lumber Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài đóng tại ấp 1B, xã An Phú, huyện Thuận An Bình Dương. Mặt hàng sản xuất chính của công ty là đồ gỗ gia dụng, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ.

Đến chiều ngày 13/3, công nhân Công ty Green River Wood & Lumber Việt Nam vẫn đang chờ đợi sự phản hồi của phía Ban lãnh đạo công ty.

Tuy nhiên, đáp lại sự mong đợi của người lao động, Công ty Green River Wood & Lumber Việt Nam đã ra một thông báo do Phó tổng giám đốc Công ty, ông Chen Wei Hua kí và công bố ngay trong ngày 13/3.

Sau đó, thông báo được dán ngay phía bên ngoài cổng công ty. Đây là thông báo cuối cùng của Ban lãnh đạo Công ty dành cho người lao động .

Như nội dung của bản thông báo này, phía công ty xem việc công nhân bỏ xưởng trong thời gian từ ngày 9-13/3 vừa qua không phải là việc đình công đòi quyền lợi mà là một hành vi tự ý bỏ việc.

Vì vậy, Công ty đã chiếu theo điểm c, mục 1 của điều 85 trong chương VIII là “Người lao động tự bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng... mà không có lý do chính đáng xem như tự ý bỏ việc”.

Trong khi đó, nguyên văn nội dung của điểm c, mục 1 ở điều 85 là: “Người lao động tự ý bỏ việc 7 ngày trong 1 tháng hoặc 20 ngày trong 1 năm thì hình thức kỉ luật xử phạt là sa thải mới được áp dụng”. Như vậy, liệu quyết định sa thải của công ty đối với những lao động, mà ngày 14/3 vẫn không chịu tiếp tục vào làm việc, có thoả đáng không?

Theo như nội dung mục 2 của văn bản thông báo tức là công ty sẽ chính thức sa thải đối với các công nhân tham gia đình công từ ngày 9-13/3 (4 ngày). Thời hạn phía công ty giới hạn cho việc tiếp tục hợp đồng lao động giữa người lao động và công ty là ngày 14/3. Nếu như ngày 14/3, công nhân nào vẫn không chịu đi làm cũng đồng nghĩa với việc công nhân tự ý bỏ việc. Những khiếu nại về sau công ty không giải quyết.

Như sự phân tích của phía công nhân, nguyên nhân để mọi người bỏ xưởng là từ những điều bất hợp lí về chính sách lương bổng của công ty. Các công nhân Công ty Green River Wood & Lumber Việt Nam cho biết, công ty trả lương cho mỗi lao động gồm lương căn bản và lương sản xuất là 30.500 đồng/ngày.

Như vậy, thu nhập hàng tháng của một người lao động trung bình khoảng 1 triệu đồng. Đối với những người mới vào làm phải sau 1 năm mới được tăng lương. Mức lương tăng thêm là 2.000 đồng/ngày, đây là mức lương tăng hiện nay, còn đối với những người vào công ty làm thời gian trước đây thì mức tăng lương đầu tiên là 500 đồng/ngày (sau 6 tháng thử việc), 6 tháng tiếp theo nữa mới tăng thêm được 1.000 đồng/ngày.

Với mức lương như vậy nhưng mỗi ngày công ty lại trừ bớt 2.000 đồng/người là phần tiền ăn cơm trưa, nếu hôm nào tăng ca đến 21 giờ tối, người lao động được công ty cho ăn thêm bữa cơm tối và như vậy tiền cơm sẽ trừ đi là 4. 000 đồng.

Một vấn đề bức xúc nhất của người lao động ở Công ty Green River Wood & Number Việt Nam là vấn đề công ty không hề chấm công chuyên cần. Nếu trong tuần, vì lí do đau ốm, hay vì lí do nào đó người lao động làm đơn xin phép nghỉ và được phía công ty chấp thuận, song công ty không tính những ngày nghỉ ấy vào tiêu chuẩn nghỉ phép của năm (12 ngày) mà lại trừ vào ngày làm thêm ngoài giờ (ngày chủ nhật) và vẫn bị tính trừ vào ngày nghỉ phép trong tiền thưởng của người lao động vào cuối năm (tiền thưởng Tết là tháng lương thứ 13 cộng với lương phép).

Công nhân Công ty Green River Wood & Lumber Việt Nam cho biết: trong suốt thời gian mọi người bãi công, Ban lãnh đạo công ty không có ý muốn thương lượng, không mời đại diện của người lao động để tiến hành thương lượng và cũng không thấy công đoàn xuống tiếp xúc với người lao động.

Được biết các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cũng đã can thiệp để tiến hành hoà giải nhưng phía Công ty không hợp tác.

Theo như thông tin tìm hiểu được, ngày 14/3, số lượng công nhân tiếp tục trở lại công ty làm việc vẫn chưa đến 1/3. Và đến nay, việc tranh chấp giữa công nhân và Ban lãnh đạo Green River Wood & Lumber Việt Nam vẫn chưa đựơc giải quyết ổn thoả.

Bên cạnh cuộc đình công của công nhân Công ty Green River Wood & Lumber Việt Nam, tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay đã có gần 20 cuộc đình công của công nhân.

Tại Đồng Nai cũng đã xảy ra 15 cuộc đình công của công nhân ở các công ty. Nguyên nhân nổ ra các cuộc đình công đều là về vấn đề đòi tăng lương vì mức lương của người lao động hiện quá thấp.