17:24 19/04/2010

Anh cử tàu chiến “cứu” hàng không

Dương Lâm

Anh sẽ cử các tàu chiến thuộc Hải quân hoàng gia tới hỗ trợ đưa những người dân nước này bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước

Sự cố núi lửa đã ngốn ít nhất 200 triệu USD/ngày - Ảnh: Reuters.
Sự cố núi lửa đã ngốn ít nhất 200 triệu USD/ngày - Ảnh: Reuters.
Anh vừa tuyên bố sẽ cử các tàu chiến thuộc lực lượng Hải quân hoàng gia tới hỗ trợ đưa những người dân nước này bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước, do hàng không châu Âu tiếp tục tê liệt ngày thứ 5 bởi tro bụi núi lửa.

Hãng tin AP dẫn báo cáo từ Eurocontrol, cơ quan quản lý hệ thống kiểm soát không lưu châu Âu tại Brussels (Bỉ) cho biết, hôm nay (19/4) đã có khoảng 1/3 chuyến bay tại châu Âu cất cánh trở lại, tương đương với 8.000 – 9.000 trên tổng số 28.000 chuyến bay ở châu lục này.

Cũng trong ngày hôm nay, một số sân bay nhỏ đã được mở cửa trở lại, nhưng các nhà chức trách ở Anh, Pháp, Đức và Hà Lan nói rằng họ vẫn tiếp tục đóng không phận. Anh cho biết sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm bay cho tới sáng ngày 20/4.

Thủ tướng Anh, Gordon Brown, cho biết, tàu sân bay HMS Ark Royal và tàu chiến HMS Ocean được điều động băng qua eo biển Manche. Trong khi một chiếc tàu thứ 3 sẽ được đưa tới Tây Ban Nha.

Theo ông Brown, nước này đang bàn thảo với các nhà chức trách Tây Ban Nha về việc liệu những người Anh đang bị kẹt ở nước ngoài có thể tới quốc gia này và sau đó đáp thuyền hoặc xe khách để trở về nhà hay không.

Ông Brown nói rằng, tro bụi núi lửa đã trở thành “thách thức lớn nhất đối với mạng lưới vận tải hàng không của chúng ta trong nhiều năm qua”.

Thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho hay, việc tạm dừng hoạt động tại các sân bay đã ngốn ít nhất 200 triệu USD mỗi ngày. Hàng triệu du khách đã bị mắc kẹt ở nước ngoài kể từ khi ngọn núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland hoạt động trở lại.

Tại châu Âu, ít nhất 313 sân bay bị tê liệt, khiến 6,8 triệu hành khách bị mắc kẹt và gây thiệt hại cho các hãng hàng không châu Âu tới 136 triệu euro (183 triệu USD) kể từ khi lệnh này được áp dụng ngày 15/4. Trong 4 ngày qua (15-18/4) đã có khoảng 63.000 chuyến bay tại châu Âu bị hủy bỏ, trong đó riêng ngày 18/4 có tới 20.000 chuyến.

Trước đó, hôm 18/4, Hiệp hội các hãng hàng không châu Âu cũng đã kêu gọi các chính phủ châu lục này đánh giá lại ngay lập tức lệnh hạn chế bay trong bối cảnh lệnh trên gần như biến không phận châu Âu thành "vùng cấm bay."

Hiệp hội cho biết lệnh hạn chế bay này đang tàn phá ngành công nghiệp hàng không thế giới, khiến dư luận nghi ngờ tính thỏa đáng của quyết định hạn chế bay và đề nghị cho phép các hãng hàng không tự quyết định tái khởi động những tuyến bay không nguy hiểm.

Còn theo thống kê của Hội đồng các sân bay quốc tế, khoảng 30 nước trên thế giới đã đóng cửa hoặc hạn chế mở cửa không phận sau khi có cảnh báo tro bụi từ núi lửa có thể phá hỏng động cơ máy bay, đe dọa an toàn bay.