14:07 23/07/2014

Bê bối thịt bẩn của Trung Quốc lan rộng

Diệp Vũ

“Nạn nhân” mới nhất trong vụ này có thêm chuỗi nhà hàng cà phê Starbucks và chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh BurgerKing

Starbucks cho biết, một số cửa hiệu của hãng trước đây từng bán một số 
món ăn làm từ thịt gà nhập từ công ty Trung Quốc Shanghai Husi - Ảnh: CNBC.<br>
Starbucks cho biết, một số cửa hiệu của hãng trước đây từng bán một số món ăn làm từ thịt gà nhập từ công ty Trung Quốc Shanghai Husi - Ảnh: CNBC.<br>
Vụ bê bối thực phẩm mới nhất ở Trung Quốc đang lan rộng nhanh chóng. “Nạn nhân” mới nhất trong vụ này có thêm chuỗi nhà hàng cà phê Starbucks và chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh BurgerKing.

Theo tin từ CNBC, thậm chí, vụ bê bối thịt bẩn này của Trung Quốc còn lan sang cả Nhật.

Hôm qua (22/7), Starbucks cho biết, một số cửa hiệu của hãng trước đây từng bán một số món ăn làm từ thịt gà nhập từ công ty Trung Quốc Shanghai Husi. Đây là nhà cung cấp thịt bị nhà chức trách Trung Quốc đình chỉ hoạt động vào cuối tuần vừa rồi sau khi một bản tin truyền hình nói rằng, nhân viên của công ty này dùng thịt quá hạn sử dụng để đóng gói và thường xuyên nhặt thịt rơi xuống đất để đóng gói.

Trước đó, hai chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh của Mỹ ở Trung Quốc là McDonald’s và Yum!Brands, hãng mẹ của thương hiệu KFC, đã lên tiếng xin lỗi khách hàng ở thị trường này vì đã sử dụng thịt bẩn do Shanghai Husi cung cấp. Shanghai Husi là công ty con của OSI Group, một công ty có trụ sở ở Mỹ.

Sự việc càng trở nên phức tạp khi hôm qua, phát ngôn viên của McDonald’s tại Nhật lên tiếng nói rằng, McDonald’s Nhật đã mua khoảng 1/5 nguyên liệu thịt gà cho món Chicken McNuggets từ Shanghai Husi và đã dừng bán món này từ hôm thứ Hai.

Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Trung Quốc cho biết đã yêu cầu kiểm tra tất cả các công ty đã từng sử dụng sản phẩm của Shanghai Husi, đồng thời sẽ thanh tra toàn bộ các cơ sở của công ty mẹ OSI tại Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan này cũng nói sẽ chuyển vụ việc này cho cơ quan cảnh sát xử lý.

Nhà chức trách Thượng Hải hôm qua ra tuyên bố cho biết đã yêu cầu OSI trình tài liệu lưu trữ về quản lý chất lượng và bán hàng. Cơ quan này cũng yêu cầu McDonald’s niêm phong 4.500 hộp thịt khả nghi và chuỗi nhà hàng Pizza Hut của Yum!Brands có hành động tương tự với hơn 500 hộp thịt bò.

Hai chuỗi đồ ăn nhanh khác tại Trung Quốc là Burger King và Dicos tuyên bố sẽ ngừng sử dụng sản phẩm của Shanghai Husi. Chuỗi nhà hàng pizza Papa John’s International khẳng định đã hủy toàn bộ sản phẩm thịt do Shanghai Husi cung cấp và cắt quan hệ với công ty này.

Mấy năm gần đây, scandal thực phẩm độc hại liên tục nổ ra ở Trung Quốc, trong đó phải kể đến vụ sữa trẻ em nhiễm melamine hay vụ thịt cáo giả làm thịt lừa. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc thực hiện trên mạng Internet  hồi tháng 2 với sự tham gia của 3,3 triệu người, an toàn thực phẩm và dược phẩm là mối lo lớn thứ ba của người dân nước này trong năm nay.