11:20 27/08/2007

Chứng khoán thế giới, một tuần lận đận

Lê Hường

Các cổ phiếu trên thị trường Mỹ bất ngờ kết thúc phiên giao dịch cuối tuần bằng bước quay đầu mạnh mẽ

Sự “quay đầu” của phố Wall giúp các nhà đầu tư nhìn nhận lại thị trường.
Sự “quay đầu” của phố Wall giúp các nhà đầu tư nhìn nhận lại thị trường.
Sau những ngày đầu tuần khởi sắc, hầu hết các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á (trừ Trung Quốc) đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với xu hướng không mấy lạc quan.

Tuy nhiên, sự “quay đầu” của phố Wall lại giúp các nhà đầu tư nhìn nhận lại thị trường.

Ngày thứ năm, các cổ phiếu trên thị trường phố Wall lại trượt dốc sau ba phiên giao dịch liên tiếp tăng điểm. Giám đốc điều hành Tập đoàn tài chính Countrywide Angelo Mozilo phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC rằng sự đi xuống của thị trường nhà đất có thể dẫn đến tình trạng suy thoái của cả nền kinh tế.

Hôm 22/8 vừa qua, tập đoàn này đã nhận được khoản đầu tư 2 tỷ đôla Mỹ từ ngân hàng của Tập đoàn America, để giải tỏa mối lo âu rằng ông chủ nợ thế chấp lớn nhất này có thể bị phá sản.

Wal-Mart và Home Depot, hai tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hoa Kỳ cho biết rằng, thị trường địa ốc trì trệ và tình trạng vỡ nợ các khoản vay thế chấp tăng cao sẽ là áp lực lớn đối với doanh thu trong năm của họ.

Giới phân tích ước tính, khủng hoảng tín dụng và những khoản vay thế chấp có thể đã xóa sổ hơn 5,5 nghìn tỷ đôla Mỹ giá trị thị trường.

Thế nhưng, các cổ phiếu trên thị trường Mỹ bất ngờ kết thúc phiên giao dịch cuối tuần bằng bước quay đầu mạnh mẽ của Dow Jones và các chỉ số lớn khác.

Bản báo cáo tích cực về doanh thu bán nhà trong tháng 7 và các đơn đặt hàng dài hạn trở nên tốt hơn dự kiến. Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết, lượng đặt mua nhà mới tăng 2,8%, vượt qua mức ước tính của bản điều tra của Bloomberg.

Điều này đã giúp cho chỉ số Standard & Poor 500 tăng 16,87 điểm (1,2%), một kết quả đẹp đẽ nhất tính từ tháng 3 trở lại đây. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng thêm 142,99 điểm (1,1%), Nasdaq lên đến 2.576,69 điểm, tăng 34,99 điểm (1,4%).

Giới phân tích đã bắt đầu lạc quan hơn với thị trường Mỹ. Hayes Miller, giám đốc quản lý danh mục đầu tư của tập đoàn Baring Asset ở Boston nói: “Chúng tôi không thấy dấu hiệu gì của sự suy thoái cả. Vẫn sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi”.

Báo cáo của Chính phủ Mỹ hôm thứ sáu cho thấy, giới doanh nghiệp đã tăng đầu tư vào tháng 7 và thị trường nhà ở đã có những tín hiệu ổn định, điều này sẽ cổ vũ cho nền kinh tế tăng trưởng.

Chứng khoán châu Á lần đầu tiên trong tuần tụt giảm sau khi Ngân hàng Hữu hạn Trung Quốc cho biết họ đã đầu tư khoảng 9,7 tỷ đôla Mỹ vào thị trường tín dụng thứ cấp của Mỹ khi ông chủ cho vay lớn nhất của thị trường này là Countrywide vừa mới “gật đầu” trước nhận định rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái.

Chịu ảnh hưởng nhanh chóng nhất là thị trường Nhật Bản. Các chuyên gia tài chính tập trung sự chú ý vào chỉ số trung bình Nikkei của Nhật Bản, giảm 0,2% sau những phiên giao dịch đỉnh cao trước đấy. Chỉ số Topix mất 6,53 điểm (0,4%) đạt 1585,28 điểm, chỉ số Nikkei 225 giảm 77,54 điểm (0,5%), đạt 16238,78 điểm. Với âu lo, chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục trượt dốc, những nhà đầu tư được hưởng lợi từ sự phục hồi nhẹ của tuần này cũng vội vã bán ra.

Cổ phiếu của Tập đoàn Mitsubishi, công ty thương mại lớn nhất Nhật Bản, mất 50 Yên (1,6%). Cổ phiếu này đã từng tăng được 18% trong tuần qua. Cổ phiếu của Hoya, nhà sản xuất kính lớn nhất, giảm 160 Yên (3,9%) sau khi tăng được 11% ở phiên trước đấy.

Tương tự, Tập đoàn Honda Motor cũng mất bình quân 50 Yên/cổ phiếu (1,3%), sau khi tăng được 7,2% trong bốn ngày trước.

“Chúng ta không còn có thể mong đợi sự tăng trưởng khiêm tốn của nền kinh tế Mỹ như dự báo”, Hideo Arimura, công ty quản lý tài sản Mizuho ở Tokyo tiếp tục nhấn mạnh rằng “Còn lâu mới đến ngày hết khủng hoảng và các bạn nên để danh mục đầu tư của mình tránh xa rủi ro của thị trường”.

Tập đoàn Canon tuyên bố sẽ dùng 100 tỉ Yên (859 triệu USD) để mua lại 23 triệu cổ phiếu của mình. Một nhà đầu tư tại Nhật Bản nói: “Những người tham gia thị trường lo ngại rằng về căn bản chẳng có gì thay đổi từ thị trường tín dụng thứ cấp”.

Tại Hồng Kông, thị trường vẫn tiếp tục ảm đạm. Chỉ số Hang Seng đóng cửa ở mức 22.921,89 điểm, tiếp tục mất 45,08 điểm (0,2%). Chỉ số S&P /HKEx lại mất tiếp 26,23 điểm (0,1%), chỉ còn ở mức 27.451,3 điểm.

Chỉ số MSCI, một phong vũ biểu của thị trường châu Á – Thái Bình Dương giảm 0,2%. Tại Úc, chỉ số S&P/ASX200 giảm 0,7% sau khi tăng tổng cộng 8,5% trong bốn phiên trước.

Chứng khoán trên thị trường Hàn Quốc cũng chịu chung cảnh ngộ, chỉ số KRX 100 giảm 26,77 điểm (0,74%), chấm dứt bốn ngày chiến thắng liên tiếp. Nguyên nhân được phân tích là do các nhà xuất khẩu lớn như Samsung Electrics đã giảm sút lòng tin về sự phục hồi của thị trường địa ốc Mỹ.

“Sau những phiên phục hồi đầu tuần, chúng ta có thể phải nghỉ ngơi một chút. Đâu đấy vẫn có những lo ngại về nền kinh tế Mỹ do thị trường địa ốc mang lại” Kim Joong-hyun, nhà phân tích của công ty chứng khoán Goodmoring Shinhan, Hàn Quốc phân trần như vậy.

Trong khi các thị trường châu Á khác chật vật lên xuống, thì chứng khoán Trung Quốc vẫn tiếp tục thẳng tiến năm ngày liên tục. Ngày thứ năm vừa qua đánh dấu một mốc quan trọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc khi chỉ số Shanghai Composite Index lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 5.000 điểm kể từ 18 năm thành lập.

Và bất chấp những lo lắng từ sau thông báo của ngân hàng hữu hạn Trung Quốc, các chỉ số chính của thị trường vẫn tiếp tục tăng nhẹ vào ngày thứ sáu.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số CSI 300 tăng 81,65 điểm (1,59%) lên đến mức 5.217,58 điểm; chỉ số Shenzhen SE Composite tăng 16,10 điểm (1,14%).