14:05 10/08/2008

Đầu tư công: “Nhà nước không nên “ôm” hết”

Từ Nguyên

Nguồn vốn của tư nhân vẫn có thể đảm nhận một số dự án mà lâu nay Nhà nước vẫn làm

"Cần phải hiểu rằng, công cuộc phát triển đất nước là nhiệm vụ của toàn dân. Do đó, không phải những gì mà Nhà nước đã làm, đã rót vốn thì không có nghĩa là tư nhân không được làm nữa".
"Cần phải hiểu rằng, công cuộc phát triển đất nước là nhiệm vụ của toàn dân. Do đó, không phải những gì mà Nhà nước đã làm, đã rót vốn thì không có nghĩa là tư nhân không được làm nữa".
Nguồn vốn của tư nhân vẫn có thể đảm nhận một số dự án mà lâu nay Nhà nước vẫn làm.

Đó là khuyến nghị của GS.TS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, xung quanh vấn đề làm sao để sử dụng vốn ngân sách hiệu quả trong đầu tư công.

Kiểm soát vốn vẫn yếu

Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách hiện nay?

Nguồn vốn từ ngân sách có một vai trò rất lớn trong việc phát triển đất nước. Đặc biệt, đầu tư công có ý nghĩa xã hội rất lớn trong định hướng phát triển chung. Do đó, nếu chỉ tính hiệu quả kinh tế đơn thuần thì sẽ không chính xác, mà phải tính hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, an sinh xã hội...

Tuy nhiên, nếu phân tích chi tiết thì chúng ta vẫn thấy được một số điều chưa đạt được như ý muốn. Chẳng hạn, trong tổng vốn đầu tư công hiện nay thì có đến 50% là từ ngân sách nhà nước, còn 50% là vốn từ các nguồn vốn tín dụng, các doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó, đối với phần vốn thứ hai này thì sự giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân chưa cao, nên vừa rồi chúng ta đã phải cắt giảm tới hơn 30 nghìn tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ nhiều đơn vị đã đề ra nhiều dự án không mang tính khả thi, hoặc thiếu hiệu quả trong điều kiện hiện nay.

Đồng thời, việc phải cắt giảm cũng cho thấy trước đây chúng ta có phần buông lỏng và thiếu kiểm soát trong nhiều công đoạn.

Trên thực tế, việc cắt giảm là đúng nhưng, về lâu dài, chúng ta phải tính đến những phương án hiệu quả hơn, hoặc phải có cơ chế cụ thể trong phân cấp đầu tư và hình thành vốn cho từng vùng, tránh tình trạng đua tranh giữa các địa phương, dẫn đến giảm tính hiệu quả của đồng vốn.

Nhưng với việc phân cấp và phân bổ vốn đầu tư, lâu nay nhiều người vẫn cho là đang có tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, thưa ông?

Đó là một trong những hạn chế của cơ chế này. Nhưng chúng ta bắt buộc phải làm thế, bởi không thể ngồi ở Trung ương mà bàn tính chuyện ở tận Cà Mau, Vũng Tàu được.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, qua đợt cắt giảm vừa rồi thì có thể thấy, mỗi một địa phương đều đã có trách nhiệm với đất nước. Chủ trương chung của Chính phủ không phải là giảm về quy mô đầu tư, mà là tập trung hơn để đạt hiệu quả cao hơn.

Hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước vẫn có thói quen là “vung tiền thoải mái”, thưa ông?

Thực ra, mặc dù chúng ta chưa có luật ngân sách hàng năm, nhưng trong việc quản lý vốn ngân sách nhà nước chúng ta đều có sự kiểm soát chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương. Cụ thể là trong việc phân bổ ngân sách thì mình đều có 5 tiêu chí để đạt hiệu quả và tạo sự bình đẳng giữa các địa phương.

Tuy nhiên, trong việc giám sát việc phối hợp giữa các địa phương, những vấn đề giám sát sau đầu tư thì chúng ta vẫn làm chưa tốt. Điều này đã dẫn đến nhiều hạn chế trong quản lý vốn.

Có sự kiểm tra, giám sát, thế nhưng tại sao hầu hết các dự án đều có chung tình trạng “vượt rào” về vốn, thưa ông?

Nói chung, hầu hết các dự án trước khi phê duyệt và triển khai đều phải qua nhiều khâu thẩm định kỹ lưỡng và được đưa vào trong quy hoạch.

Tuy nhiên, nhiều khi do nhiều vấn đề phát sinh, hay những dự án quá lớn, có tầm quốc gia, chẳng hạn như đường dây 500 KV, mở rộng Hà Nội, hay thiên tai bão lũ… thì phát sinh là bất khả kháng.

Nhưng cũng không loại trừ trường hợp nhiều địa phương, đơn vị khi giao đã vượt kế hoạch, dùng sai mục đích…

Ngoài ra, có một thực tế, đó là những bất cập trong quản lý và sử dụng vốn ngân sách không hẳn do chúng ta thiếu vốn. Bộ Tài chính cho biết, hiện nay vốn vẫn còn nhiều, vẫn đang có tình trạng đọng vốn. Vì vậy bài toán để tìm ra cơ chế mới, hiệu quả, đang được đặt lên hàng đầu trong quản lý sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước.

Nhưng hiệu quả sử dụng vốn không cao còn do cả khâu quản lý?

Đúng vậy, việc sử dụng vốn chưa hiệu quả cũng có phần do chúng ta còn nhiều vấn đề trong quản lý, như: nghiệp vụ, cơ chế, phối kết hợp, tổ chức quản lý đầu ra…

Còn cơ chế quản lý thì chúng ta cũng đã có rồi, từ Luật Ngân sách, Luật Phòng chống tham nhũng… nên nói chúng ta tùy tiện trong dùng tiền của ngân sách là không chính xác, mà có chăng chỉ là chưa hiệu quả mà thôi...

Nhà nước không nên "ôm" hết

Vậy thì theo ông, làm thế nào để đồng vốn nhà nước được sử dụng hiệu quả hơn?

Đây là một vấn đề lớn, không phải nói là làm được ngay.

Để sử dụng vốn nhà nước hiệu quả trong giai đoạn nền kinh tế đang có những bước chuyển đổi thì vẫn phải coi trọng đầu tư công. Tuy nhiên, theo tôi, nếu có một số lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể làm được thì đầu tư công không nhất thiết phải “ôm”, mà có thể giao cho nhiều tổ chức, thành phần kinh tế khác đảm nhận, để chúng ta có thể dùng nguồn vốn đó giải quyết việc khác thì sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Nói cách khác là trong việc đầu tư phát triển thì không cứ nhất thiết cái gì lớn là cũng phải nhà nước làm, phải dùng vốn nhà nước, mà chúng ta hoàn toàn có thể huy động vốn của rất nhiều nguồn khác, ngoài nhà nước.

Cần phải hiểu rằng, công cuộc phát triển đất nước là nhiệm vụ của toàn dân. Do đó, không phải những gì mà Nhà nước đã làm, đã rót vốn thì không có nghĩa là tư nhân không được làm nữa.

Ngoài ra, vừa qua Ngân hàng Thế giới cũng đã đề cập đến sự khác nhau giữa việc lập kế hoạch và triển khai thực hiện dự án ở Việt Nam là khác nhau rất lớn. Thế nhưng, đến khi đánh giá kết thúc dự án thì lại thường tiến hành một cách máy móc, nghiệp vụ đơn thuần chỉ để báo cáo, còn đánh giá một cách tổng quát chất lượng, hiệu quả của dự án thì lại còn quá yếu.

Đây cũng là một vấn đề đáng để các nhà quản lý chúng ta phải suy nghĩ, và có sự thay đổi trong thời gian tới.