09:37 24/07/2008

EC lập quỹ đối phó giá thực phẩm leo thang

Thùy Trang

EC đề xuất thiết lập “cơ chế đặc biệt để ứng phó với giá thực phẩm leo thang ở những nước đang phát triển" trị giá 1 tỷ USD

Giá cả thực phẩm tăng đang là nỗi lo của cả thế giới.
Giá cả thực phẩm tăng đang là nỗi lo của cả thế giới.
Ngày 22/7,  Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất thiết lập “cơ chế đặc biệt để ứng phó nhanh với giá thực phẩm leo thang ở những nước đang phát triển”. Quỹ này trị giá 1 tỷ Euro, hoạt động trong 2 năm 2008 và 2009.

Đây là khoản hỗ trợ thêm cho những quỹ hỗ trợ hiện có và sẽ được trích từ khoản tiền chưa sử dụng của ngân sách nông nghiệp thuộc Liên minh châu Âu.

Cơ chế này cũng sẽ ưu tiên cho những biện pháp hạ mức thuế để khuyến khích đầu tư, có thể thông qua tín dụng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận đến những nguyên liệu đầu vào trong nông nghiệp như phân bón và giống; ưu tiên cho những biện pháp an toàn nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp.

Khoản hỗ trợ này sẽ được trả thông qua các tổ chức quốc tế, bao gồm cả các tổ chức khu vực. Đề xuất này nằm trong thủ tục đồng quyết định và Uỷ ban hi vọng rằng Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu có thể đạt được sự đồng thuận vào tháng 11/2008, để không bị mất đi khoản tiền không sử dụng của năm 2008.

Ông José Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói: “Tác động của giá thực phẩm cao là đặc biệt nghiêm trọng đối với những người dân nghèo nhất thế giới. Nó có thể đe dọa tiến trình hướng tới Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và làm cho căng thẳng ở những nước nghèo như châu Phi trầm trọng thêm.

Cơ chế 1 tỷ Euro này nhằm tạo ra sự ứng phó về khả năng cung cấp nông nghiệp nhanh và mạnh. Nó nhằm tăng sản xuất nông nghiệp ở những nước đang phát triển để đối phó với những tác động của giá thực phẩm leo thang. Việc tăng cung này là cần thiết để chống lại giá thực phẩm đang tăng trên toàn thế giới”.

Ông Louis Michel, Cao ủy Phát triển và Viện trợ Nhân đạo phát biểu: “Việc tăng giá thực phẩm đã đánh mạnh nhất vào những người nông dân và những dân cư ở những nước đang phát triển. Nguồn tiền mặt lớn này sẽ giúp nâng cao sản xuất nông nghiệp ở những nước này bằng việc cung cấp cho những người nông dân ở đó những phương tiện như giống và phân bón nhiều hơn để tạo ra sự khác biệt trung và dài hạn. Đây là sự ứng phó của châu Âu với những giải pháp hiệu quả nhằm giúp những người nông dân ở châu Phi và những khu vực đang phát triển khác”.

Uỷ ban châu Âu cũng mong đợi những kết quả tích cực từ sự hỗ trợ này để đạt được sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp và an ninh thực phẩm ở những nước được hỗ trợ, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng và giảm lạm phát giá lương thực.

Những nước đủ điều kiện và khoản trợ cấp họ nhận sẽ được lựa chọn dựa trên cơ sở những tiêu chí minh bạch. Thông tin do Lực lượng Đặc nhiệm của Liên hợp quốc (UN) và các tổ chức quốc tế  như Quỹ Lương thực thế giới (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Phái đoàn Ủy ban châu Âu  cung cấp về từng nước, sẽ được sử dụng để  xem xét lựa chọn.

Trong khi các nước đang phát triển đều đủ điều kiện nhận hỗ trợ, thì việc tài trợ sẽ tập trung vào những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khủng hoảng giá lương thực lên các mặt chính trị và kinh tế-xã hội, có nhu cầu thực thi các biện pháp nhưng lại không có phương tiện và năng lực để tự ứng phó.

Các tiêu chí trong việc lựa chọn các nước bao gồm sự phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm, lạm phát giá thực phẩm, tình hình tài chính và xã hội dễ bị tổn thương. Các nguồn tài chính khác đổ vào đất nước từ cộng đồng các nhà tại trợ, cũng được đưa ra xem xét như tiềm năng của đất nước trong việc tăng sản xuất nông nghiệp. Các sáng kiến toàn cầu cũng có thể được tài trợ khi được thực hiện thông qua một tổ chức quốc tế và khu vực.

Sự hỗ trợ được chuyển qua các tổ chức quốc tế, có thể được áp dụng cho FAO (Chương trình chuyển giao đầu vào khẩn cấp); Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế - IFAD (ví dụ như tài chính nông thôn); UNICEF (dinh dưỡng trẻ em, mạng lưới an sinh dinh dưỡng); WFP (hỗ trợ thực phẩm nhân đạo, mạng lưới an sinh chuyển đổi); ICRC (hỗ trợ thực phẩm) và Ngân hàng Thế giới (quản lý rủi ro dựa trên thị trường, mạng lưới an sinh). Ủy ban hi vọng  thủ tục đồng quyết định có thể được hoàn tất trong tháng 11/08, để  thực hiện vào đầu năm 2009.