09:49 31/01/2007

FDI và câu chuyện về dự báo

Lưu Phong

Qua câu chuyện về dự báo vốn FDI năm 2006, có ý kiến cho rằng việc dự báo các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của Việt Nam cần “cận” thực tế hơn

Khu công nghiệp Nomura tại Hải Phòng, với sự tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà đầu tư Nhật Bản. Năm 2006, luồng vốn FDI từ Nhật vào Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc - Ảnh: Việt Tuấn.
Khu công nghiệp Nomura tại Hải Phòng, với sự tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà đầu tư Nhật Bản. Năm 2006, luồng vốn FDI từ Nhật vào Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc - Ảnh: Việt Tuấn.
Qua câu chuyện về dự báo vốn FDI năm 2006, có ý kiến cho rằng việc dự báo các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của Việt Nam cần “cận” thực tế hơn.

Năm nay, Việt Nam sẽ xây dựng đề cương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, do vậy nhiều người chờ đợi trong một tầm nhìn dài hơi này Việt Nam cần có những dự báo chính xác hơn về phát triển kinh tế, xã hội.

Câu chuyện có lẽ được khơi nguồn từ những dự báo về con số thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2006. Quanh con số cuối cùng về thu hút đầu tư trực tiếp vào Việt Nam năm 2006 đã được công bố, vẫn còn những chuyện đáng nhớ.

Năm 2006 là năm Việt Nam có nhiều sự kiện quan trọng, ví như Đại hội Đảng X được tổ chức thành công, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổ chức Hội nghị APEC 16,... Và với kết quả 10,2 tỷ USD (cả vốn cấp mới và bổ sung), thu hút FDI đã có mặt trong danh sách 10 sự kiện tiêu biểu trong năm 2006, cùng đó đây cũng là con số kỷ lục về thu hút nguồn vốn này trong một thập kỷ qua của Việt Nam.

Có nhiều yếu tố hội tụ, trong đó có những sự kiện quan trọng trên, đã hích nguồn vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam, và có lẽ vì thế việc dự báo con số này trở nên khó khăn với nhà quản lý?

Còn nhớ, kế hoạch của thu hút FDI mà Việt Nam đề ra trong năm 2006 là 6,5 tỷ USD, con số này có lẽ bám mốc của năm 2005 là 6,8 tỷ USD, tuy nhiên ngay trong 10 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà cụ thể là Cục Đầu tư nước ngoài đã loan tin gần hoàn thành kế hoạch.

Trước việc cán đích sớm, một số nhà quản lý đẩy con số thu hút nguồn vốn FDI trong năm 2006 lên cao hơn, với dự báo 7 tỷ USD, bên cạnh có những dự báo mạnh dạn hơn khi đưa ra khả năng con số sẽ là 8 tỷ USD.

Song, tại Diễn đàn Đầu tư APEC Việt Nam, diễn ra vào 15-16/11/2006 (trước thềm Hội nghị APEC), Cục Đầu tư nước ngoài đã thông báo, tổng số vốn FDI cấp mới và bổ sung đã đạt 7,5 tỷ USD, và cùng đó một con số mới về FDI được "bổ túc" kịp thời là 8,5 tỷ USD.

Ngay lập tức con số trên được loan tin với sự kỳ vọng có căn cứ khi còn nhiều dự án với số vốn lớn trên bàn đang chờ cấp phép, và Ban Việt ngữ của đài BBC cũng thông tin sự kiện này. Khi “tin nóng” này chưa “nguội”, thì trong Hội nghị ngành kế hoạch đầu tư, tổ chức vào đầu tháng 12/2006, con số 8,5 tỷ USD đã nhường chỗ cho dự báo mới: 9 tỷ USD.

Nửa tháng sau, thời điểm Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam thông báo với các nhà tài trợ là thu hút FDI vào Việt Nam được dự báo là 9,5 tỷ USD.

Nhưng sau non nửa tháng cuối cùng của năm, số vốn FDI vào Việt Nam năm 2006 được công bố là 10,2 tỷ USD, vượt 56,9% so với mức dự kiến ban đầu (6,5 tỷ USD).

Dẫu ai cũng biết để đưa ra con số dự báo chuẩn về thu hút nguồn vốn FDI là khó, do nguồn vốn này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như xu hướng của nhà đầu tư nước ngoài, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước,... Nhưng theo một số ý kiến của chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, việc đưa ra dự báo nói chung và về thu hút FDI với sai số cho phép gần đúng là rất quan trọng.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2006-2010, trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội của 5 năm, nguồn vốn FDI được dự báo khoảng 24 tỷ USD, chiếm 17,1% trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội của kế hoạch (khoảng 160 tỷ USD). Nếu cộng kết quả 10,2 tỷ USD (năm 2006) và kế hoạch năm 2007 phấn đấu 10 tỷ USD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghĩa là trong 2 năm đầu của kế hoạch 5 năm, tổng số vốn thu hút FDI gần như hoàn thành.

Như vậy, nhiều khả năng, dự báo tổng số vốn thu hút FDI của giai đoạn 2006-2010 sẽ cao hơn dự báo của giai đoạn 2001-2005.

Nhìn lại 5 năm 2001-2005, tổng số vốn FDI đăng ký đã đạt 20,9 tỷ USD, vượt 39% so với mục tiêu. Nếu từ dự báo đến kết quả về thu hút FDI là khoảng cách xa, thì kèm theo đó là số vốn FDI thực hiện cũng có sai số tương tự, tổng vốn FDI thực hiện giai đoạn 2001-2005 đạt 14,3 tỷ USD, vượt 30% kế hoạch.

Những so sánh trên có đáng lưu ý với các chuyên gia xây dựng dự báo phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhất là khi mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề cương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2010-2020, căn cứ vào kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005), ước thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010) và kết quả tổng kết 20 năm Đổi Mới.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu 2 đơn vị này dự báo bối cảnh trong nước và quốc tế giai đoạn 2011-2020, trong đó chú ý tình hình trong nước và quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam để lập đề cương.