17:31 21/05/2010

FDI vào Việt Nam: Xu hướng đầu tư đã đổi

Anh Quân

Những thay đổi trong xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang làm thay đổi ý nghĩa dòng vốn này

Trong những năm gần đây, vốn FDI đã đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản.
Trong những năm gần đây, vốn FDI đã đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản.
Trong vài năm gần đây, việc hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài có giá trị tính bằng tỷ USD vào Việt Nam khiến chính các nhà quản lý đôi khi cũng không khỏi ngạc nhiên, một quan chức tại Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ như vậy tại hội thảo "Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế", được tổ chức sáng 21/5 tại Hà Nội.

Những con số đáng chú ý về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 10 năm qua có thể kể đến trên 124 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới thuộc gần 8,5 nghìn dự án; vốn thực hiện đạt gần 48 tỷ USD; đầu tư từ khu vực FDI chiếm khoảng 25-30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn trên 25%, có năm đến 56%; giải quyết cho 1,7 triệu lao động trực tiếp; nộp ngân sách đạt gần 2,5 tỷ USD năm 2009…

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đóng góp vào ngân sách và các cân đối vĩ mô, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tác động la tỏa đến các thành phần kinh tế khác…

Thế nhưng, trên thực tế, dòng vốn FDI đang có những thay đổi ngấm ngầm.

Công nghiệp giảm, dịch vụ tăng

Ông Koichi Takano, Phó trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội, đưa ra một đánh giá khái quát về xu hướng đầu tư của doanh nhân Nhật Bản, theo đó, những nhà đầu tư thông qua tổ chức này để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây đã có sự thay đổi về nhu cầu đầu tư.

“Thực tế là quan tâm phát triển hoạt động chế biến, chế tác đã giảm hơn so với giai đoạn trước, trong khi các ngành như xây dựng, phân phối bán lẻ và dịch vụ khác đang được quan tâm ngày càng nhiều”, ông Koichi Takano nhận xét.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, cơ cấu vốn FDI đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2009. Nếu như năm đầu của thế kỷ này, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 85%, thì tới năm vừa qua, khu vực này chỉ còn chiếm 22% tổng vốn đầu tư.

Trong khi đó, vốn FDI vào lĩnh vực dịch vụ có xu hướng ngược chiều, khi tăng từ 7% lên 77%, cũng trong cùng giai đoạn với các con số thống kê kể trên.

Nếu so sánh với tiêu chí thu hút “vốn FDI tốt” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - tức là các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào khu vực chế tác, thuộc công nghệ cao và đầu tư dài hạn - thì dường như Việt Nam đang đi những bước thụt lùi.

Một chi tiết khác cũng được GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt lưu ý. Theo ông, tỷ trọng doanh nghiệp liên doanh đã giảm từ khoảng 70% xuống chỉ còn chừng 20% trong khoảng 10 năm nay. Trong khi đó, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã tăng lên tới 70%.

Đáng chú ý, trên góc độ chuyển giao công nghệ, tạo sự lan tỏa…, vai trò của khối doanh nghiệp FDI gần đây không còn thể hiện được quá nhiều ý nghĩa.

Những dự án của các quốc gia sở hữu công nghệ nguồn như Nhật Bản, EU rất nhỏ bé trong tổng đầu tư của khu vực này. Riêng Hoa Kỳ, dù đã trở thành nhà đầu tư số 1 trong năm 2009, các dự án vốn lớn chủ yếu được đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú, bất động sản.

Trong 10 năm phát triển vượt bậc về thu hút vốn FDI vừa qua, nhưng công nghệ nguồn, công nghệ cao nào Việt Nam đã được chuyển giao? Câu trả lời có lẽ vẫn phải đợi.

Được và mất

Theo GS. Nguyễn Mại, xét đến hiệu quả cuối cùng, thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, nếu tính trong tương quan giải ngân và nộp ngân sách. Giữa 48 tỷ USD vốn triển khai trong 10 năm qua và mức bình quân trích nộp ngân sách khoảng 1 tỷ USD/năm, tỷ lệ này được cho là không tương xứng.

Ở giai đoạn đầu, khi chính sách ưu đãi còn, hoạt động của các doanh nghiệp còn chi phối bởi khấu hao tài sản, sản xuất chưa hết công suất và lợi nhuận còn thấp, các doanh nghiệp có lý do để giải trình. Nhưng, những ưu đãi lớn từ nước chủ nhà lại không đi kèm với những cam kết được thực thi của nhà đầu tư.

Năm 2009, một tỉnh phía Nam công bố, có đến 40% doanh nghiệp FDI trên địa bàn “đồng loạt” báo cáo lỗ. Điều này gây nên những hoài nghi về khả năng cạnh tranh của dự án FDI, cũng như “bẫy” chuyển giá tạo lỗ giả của một số doanh nghiệp mà các phương tiện truyền thông đã không ít lần nhắc đến.

Đóng góp hạn chế, nhiều doanh nghiệp FDI lại đang tàn phá môi trường ghê gớm. “Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tự giác trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, chỉ vận hành hệ thống xử lý chất thải khi cơ quan chức năng quản lý môi trường phát hiện và xử phạt”, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Thế nhưng, “với trường hợp Vedan, có lẽ chế tài chưa đủ mạnh nên thiếu tính răn đe”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng chỉ rõ một trường hợp cụ thể. Và có thể tin chắc rằng còn nhiều doanh nghiệp như thế.

Trong khi đó, sự phối hợp trung ương và địa phương trong quản lý sau phân cấp có phần chưa chặt chẽ. GS. Nguyễn Mại lấy ví dụ về phát triển xi măng có thể đạt 90 triệu tấn/năm, hay đầu tư chế tạo thép, sân golf tràn lan làm ví dụ cho việc phá vỡ quy hoạch, trong đó có phần “đóng góp” của các doanh nghiệp FDI.

“Nhận thức về thu hút và quản lý các nguồn vốn FDI tại địa phương chưa đồng bộ, có khi nóng vội, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến vấn đề chiến lược, thu hút đầu tư một số nơi còn chạy theo số lượng mà thiếu quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng cân đối tổng thể nền kinh tế”, Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận.