10:03 15/08/2008

Hàn Quốc "đại phẫu" doanh nghiệp nhà nước

Quốc Trung

Chính phủ Hàn Quốc vừa tuyên bố xúc tiến giai đoạn một kế hoạch cải tổ các doanh nghiệp nhà nước

Một dự án phát triển nhà của tập đoàn nhà nước Korean National Housing Corp.
Một dự án phát triển nhà của tập đoàn nhà nước Korean National Housing Corp.
Chính phủ Hàn Quốc vừa tuyên bố xúc tiến giai đoạn một kế hoạch cải tổ các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, tạo động lực tăng trưởng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Các chuyên gia kinh tế dự đoán, Chính phủ sẽ thành công với mức độ an toàn cao và đúng thời gian dự định nhờ những kinh nghiệm từ việc tư nhân hóa thành công Tập đoàn viễn thông Hàn Quốc (Korea Telecom) và Tập đoàn công nghiệp nặng Hàn Quốc (Korea Heavy Industries).

Cuộc “đại phẫu” doanh nghiệp gây nhiều tranh cãi

Hàn Quốc cho biết sẽ sáp nhập hoặc tái cơ cấu 41 tập đoàn, công ty nhà nước, bao gồm cả tập đoàn vận hành sân bay quốc tế Incheon lớn nhất hiện nay. Đây là kế hoạch vốn gây nhiều tranh cãi và là một trong những cam kết quan trọng mà Tổng thống Lee Myung-bak từng đề ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Theo kế hoạch này, khoảng 100 trong số 305 tập đoàn, công ty nhà nước sẽ bị hợp nhất hoặc tư nhân hóa. Số tiền thu được từ tiến trình này sẽ được sử dụng nhằm tăng cường hỗ trợ cho hoạt động của các công ty vừa và nhỏ.

Những đơn vị trong lĩnh vực công sẽ bị tư nhân hóa gồm: Công ty đầu tư bất động sản Hàn Quốc, Công ty quản lý xây dựng Hàn Quốc, Câu lạc bộ "Seoul mới", Công ty tín dụng Korea. Hai công ty lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là Korean National Housing Corp và Korean Land Corp sẽ sáp nhập thành một.

14 công ty khác cũng sẽ bị cơ cấu lại, trong đó Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering sẽ bị đưa ra chào bán cùng với hai ngân hàng nhà nước, trong đó có Ngân hàng công thương Hàn Quốc. Chính phủ cũng sẽ bán 49% cổ phần tập đoàn vận hành sân bay quốc tế Incheon, nhằm tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, giúp tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Kế hoạch cải tổ các doanh nghiệp đầy tham vọng kể trên đã gây không ít tranh cãi và vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Dư luận và người lao động làm việc trong lĩnh vực công bày tỏ lo ngại việc "đại phẫu" các tập đoàn nhà nước sẽ dẫn đến thất nghiệp hàng loạt. Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak tháng trước đã phải trì hoãn thực thi kế hoạch cải tổ do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập.

Trong khi đó, Đảng Đại Dân tộc (GNP) cầm quyền lại yêu cầu Tổng thống thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử, cho rằng cần giải quyết nhanh các tập đoàn làm ăn không hiệu quả và cải tổ các công ty cồng kềnh trong lĩnh vực công.

Nỗ lực thoát khỏi tình trạng kinh tế khó khăn

Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Tài Chính Bae Kook-hwan nhấn mạnh, "Chính phủ sẽ hoàn tất tiến trình cải tổ trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi dự kiến, khoảng 100 công ty sẽ chịu ảnh hưởng khi giai đoạn hai và ba của tiến trình cải tổ được công bố vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9". Thứ trưởng Kook-hwan cho biết, sẽ không có nhiều công ty thuộc diện phải tư nhân hóa được xem xét lại.

Cùng với việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, Phủ Tổng thống Hàn Quốc vừa tuyên bố ân xá cho hơn 70 nhà lãnh đạo các tập đoàn kinh tế đang thi hành án. Trong đó có Chủ tập đoàn Hyundai Motor, ông Chung Mong-koo,  phải ngồi tù vì tội tham ô; Chủ tập đoàn SK, ông Chey Tae-won, bị buộc tội gian lận kế toán; ông Kim Seung-youn, người đứng đầu Tập đoàn Hanwha, bị buộc tội tương tự.Tuyên bố của Phủ Tổng thống nêu rõ, đợt ân xá này nhằm “tạo động lực cho các nhà lãnh đạo kinh tế và mọi người dân cùng nỗ lực vực dậy nền kinh tế, tạo thêm việc làm mới”.

Các chuyên gia của hãng KBS nhận định, khi mới thành lập, Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak đã tập trung vào chính sách thân thiện với doanh nghiệp, nhưng khi phải đối đầu với làn sóng phản đối nhập khẩu thịt bò và những vấn nạn về kinh tế, Chính phủ đã có lúc mất phương hướng điều hành các chính sách kinh tế. Bây giờ, Chính phủ đang bắt đầu khởi động lại kế hoạch của mình, với phương án tăng cường sức cạnh tranh toàn cầu.

Để thực hiện điều này, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất nhiều phương án cải tổ quy chế và lĩnh vực công cộng; cải tổ mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp. Năm ngoái, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã xếp năng lực cạnh tranh toàn cầu của Hàn Quốc ở thứ 11 trong số 131 nền kinh tế thế giới, dựa trên 3 tiêu chí: các yếu tố kinh tế cơ bản, tăng tính hiệu quả và cách tân doanh nghiệp.  Hàn Quốc đã được đánh giá cao về tiêu chí cách tân doanh nghiệp.

Uỷ ban tăng cường sức cạnh tranh quốc gia Hàn Quốc cũng vừa nhất trí đề ra mục tiêu nâng vị thế  quốc gia của Hàn Quốc từ thứ 30 hiện nay, lên thứ 15 thế giới trong 5 năm tới.