08:25 04/03/2008

Kinh tế Mỹ “ốm yếu”, OPEC “nghĩ lại”?

Kiều Oanh

Có thể OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng, vì không muốn bị "mang tiếng" là góp phần gây ra suy thoái kinh tế Mỹ

Trong tình thế kinh tế Mỹ như thế này, các nhà lãnh đạo OPEC đang phải đối mặt với những áp lực trái chiều.
Trong tình thế kinh tế Mỹ như thế này, các nhà lãnh đạo OPEC đang phải đối mặt với những áp lực trái chiều.
Trong bối cảnh giá dầu trên 100 USD/thùng làm gia tăng gánh nặng với nền kinh tế Mỹ vốn đang chẳng khỏe mạnh gì cho cam, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có thể sẽ xem xét lại kế hoạch cắt giảm sản lượng trước đó. Thay vào đó, OPEC sẽ duy trì mức sản lượng hiện tại trong cuộc họp diễn ra vào ngày 4/3 này.

Trong cuộc họp tại Vienna (Áo) tháng trước, OPEC cho biết có thể sẽ sớm cắt giảm sản lượng vì nhu cầu dầu của thế giới đã giảm do mùa đông năm nay đã đi vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên, sau tuyên bố này của OPEC, giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm đã đảo chiều tăng mạnh trở lại, tái lập mốc 100 USD/thùng. Cùng với đó là bức tranh kinh tế vốn đang “lành ít dữ nhiều” của nước Mỹ tiếp tục xấu đi trông thấy.

Không muốn mang “tiếng xấu”

Thường thường, đồ thì giá dầu có xu hướng đi xuống trong khoảng thời gian từ cao điểm của mùa đông hàng năm đến mùa hè. Trong khoảng thời gian này, các nhà máy lọc dầu thường chuẩn bị đóng cửa để chuẩn bị cho việc bảo trì hàng năm và lượng tiêu thụ dầu cũng hạ xuống. Tuy nhiên, mặc dù những số liệu thống kê gần đây cho thấy dự trữ nhiên liệu của Mỹ - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới đang tăng lên và người Mỹ đã hạn chế việc sử dụng nhiên liệu, giá dầu vẫn liên tiếp lập kỷ lục mới.

Sau khi chạm mốc 103,05 USD/thùng trong phiên giao dịch thứ 6 tuần trước, giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường New York đóng cửa ở mức 101,84 USD/thùng, giảm 0,75 USD/thùng so với phiên trước đó.

Nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng mạnh mẽ trong tuần vừa rồi chính là giới đầu tư đổ tiền vào thị trường hàng hóa nhằm bù đắp cho sự lao dốc của đồng USD và để đề phòng tốc độ lạm phát leo thang tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuần qua, đồng USD đã bốn lần lao xuống mức thấp kỷ lục so với Euro, với mức thấp kỷ lục hiện nay là 1 Euro tương đương với 1,5239 USD. Giới quan sát dự báo, thời gian tới, USD sẽ còn xuống tới mức 1 Euro bằng 1,55 USD.

“Cú huých” khiến USD liên tiếp “phá đáy” chính là những số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ về tình hình tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế nước này. Kinh tế Mỹ gần như “đóng băng” trong suốt quý 4 của năm 2007, với mức tăng chỉ 0,6%, so với mức 4,9% trong quý 3.

Trong tình thế như thế này, các nhà lãnh đạo OPEC đang phải đối mặt với những áp lực trái chiều. Kinh tế Mỹ đang suy yếu và không ít người Mỹ đã phải giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ, nhưng giá dầu vẫn cứ leo thang. Điều này khiến giới lãnh đạo OPEC “đau đầu”.

“Thậm chí cả trong trường hợp OPEC lo ngại về nhu cầu dầu giảm sút, họ vẫn không muốn bị cho là góp phần gây ra suy thoái cho kinh tế Mỹ”, chuyên gia kinh tế trưởng về năng lượng của Deutsche Bank, ông Adam Sieminski, nhận định. “Như thế, hình ảnh của OPEC sẽ xấu đi. Bởi vậy, có thể họ sẽ giữ nguyên sản lượng”, chuyên gia này nói.

OPEC thường giảm sản lượng vào quý 2 hàng năm để tránh việc giá dầu giảm mạnh. Nhưng làm thế vào lúc này sẽ đồng nghĩa với việc gây ra căng thẳng trong quan hệ chính trị, đặc biệt đối với các nước đồng minh của Mỹ trong OPEC như Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tuy nhiên, trong số 13 thành viên của OPEC, khối chiếm 40% sản lượng dầu lửa của toàn thế giới, còn bao gồm Iran và Venezuela - hai nước có quan hệ không mấy tốt đẹp với Mỹ.

Bởi thế, nhiều nhà quan sát dự báo, quan hệ chính trị sẽ là vấn đề được cân nhắc nhiều nhất khi OPEC ra quyết định về sản lượng tại cuộc họp lần này. Trong đó, những thành viên vào hàng “anh cả” của OPEC như Saudi Arabia sẽ nghiêng về khả năng duy trì sản lượng để hạn chế sự tăng giá của dầu thô, nhằm tránh gây ra những tác động không mong đợi trong quan hệ giữa họ với Mỹ.

Giá dầu vẫn sẽ cao

Tuy nhiên, dù cho OPEC có quyết định như thế nào, giới chuyên môn vẫn cho rằng, giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm nay. Theo một cuộc điều tra hàng tháng do hãng Reuters tiến hành mới đâygiá dầu thô kỳ hạn sẽ ở mức bình quân 83,87 USD/thùng trong năm nay, cao hơn 2,54 USD/thùng so với mức dự báo lần trước. Năm 2007, mức giá bình quân của dầu thô giao kỳ hạn là 72 USD/thùng.

Chuyên gia kinh tế Sieminski cho rằng: “Nếu giá dầu ở mức gần 100 USD/thùng, OPEC chắc chắn sẽ không cắt giảm sản lượng. Còn nếu giá dầu giảm về ngưỡng 85 USD/thùng, họ có thể sẽ cắt giảm sản lượng. Chính thị trường đang điều khiển giá dầu và OPEC chỉ hành động theo diễn biến thị trường mà thôi”.

Còn Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Samuel W Bodman thì tin rằng, nếu OPEC tăng sản lượng, thị trường dầu sẽ hạ nhiệt. “Mức giá dầu hiện nay có thể là một bằng chứng về trạng thái lo sợ ở một mức độ nào đó của thị trường. Điều quan trọng lúc này là OPEC cần xem xét kỹ vấn đề cung cầu, vì lợi ích của chính họ”, ông Bodman nói. Với lo ngại này, ông Bodman có cùng quan điểm với một số thành viên OPEC, những nước đã gửi đi một số tín hiệu cho thấy họ đã nhận ra nguy cơ suy thoái kinh tế ở nước Mỹ - đồng nghĩa với nhu cầu dầu giảm mạnh, điều mà OPEC không hề mong đợi.

“Tôi hy vọng OPEC sẽ giữ nguyên mức sản lượng hiện nay. Ở thời điểm này, không có lý do nào để cắt giảm sản lượng”, Bộ trường Dầu lửa Libya, ông Shokri Ghanem, cho biết. Còn Bộ trưởng Dầu lửa Venezuela Rafael Ramírezthì bày tỏ một thái độ “nước đôi”. “Chúng tôi sẽ ủng hộ cả lựa chọn cắt giảm sản lượng hay duy trì sản lượng, vị Bộ trưởng này nói.

Từ cuối thập niên 1990, khi giá dầu giảm mạnh, OPEC đã áp dụng biện pháp tăng giảm sản lượng rất hiệu quả nhằm điều chỉnh giá dầu theo ý muốn. Chẳng hạn, khi giá dầu ở ngưỡng thấp vào cuối năm 2006, OPEC đã cắt giảm sản lượng hai lần, với tổng lượng cắt giảm 1,7 triệu thùng mỗi ngày. Kết quả là, nguồn cung giảm, buộc các công ty dầu lửa phải đem lượng hàng dự trữ ra dùng dần. Tình hình nguồn cung thắt chặt này đã góp phần kéo giá dầu lên và vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng như hiện nay, so với mức trên dưới 50 USD/thùng hồi tháng 1/2007.

Lần gần đây nhất OPEC tăng sản lượng là vào tháng 9 năm ngoái, với mức tăng 500.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, lần tăng sản lượng này hầu như không có hiệu quả kéo giá dầu xuống, vì giá dầu thô kỳ hạn từ thời điểm đó đến nay đã tăng hơn 30%.

Tuy nhiên, mới đây, một số nhà phân tích lại cho rằng Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, đã đưa thêm nhiều dầu hơn ra thị trường thế giới. Các chuyên gia này tin tưởng rằng, Saudi Arabia muốn nguồn cung dầu thế giới sẽ nới lỏng trong những tháng sắp tới. Thống kê của hãng tin Bloomberg cho thấy, nước này đã sản xuất 9,2 triệu thùng dầu trong tháng 1 vừa qua, nhiều hơn 250.000 thùng so với mức sản lượng giới hạn được OPEC phân bổ.

“Có vẻ như điều này là trái với những gì mọi người vẫn nghĩ, nhưng lẽ ra OPEC lúc này cần phải tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu. Cách này sẽ đem đến cho kinh tế thế giới một “phao cứu sinh” cần thiết. Các nước OPEC biết rõ là suy thoái kinh tế chắc chắn sẽ có hại cho họ”, nhà phân tích Antoine Halff, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa của công ty môi giới Newedge (Mỹ), nhận định.