10:40 10/03/2008

Mỹ và đợt sóng “chạy trốn đầu tư"

Lê Hường

Các khoản nợ thế chấp mất khả năng thanh toán ở tại Mỹ đã lên đến một độ cao lịch sử

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) luôn ở  trong trạng thái căng thẳng.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) luôn ở trong trạng thái căng thẳng.
Những báo cáo trong tuần qua của Chính phủ Mỹ cho thấy, các khoản nợ thế chấp mất khả năng thanh toán ở nước này đã lên đến một độ cao lịch sử trong khi những hợp đồng có nguy cơ “vỡ nợ” đang đua nhau về đích.

Nền kinh tế Mỹ đã liên tục tăng trưởng trong suốt thập kỷ qua, đóng góp phần lớn vào kết quả này là những khoản vay thế chấp của cá nhân và các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận thông qua những khoản đầu tư rủi ro cao hơn. Đến nay, một số khoản đầu tư đó bị bế tắc vì những ông chủ cho vay sẽ không cung cấp đủ tiền để các nhà đầu tư tiếp tục danh mục đầu tư của mình. Sự do dự đó buộc những “con nợ” phải bán bớt các dự án của mình với mức giá ngày càng thấp...

Ngày 6/3, Hiệp hội Ngân hàng cho vay thế chấp công bố, những khoản vay đến hạn và quá hạn đã nhảy lên con số 7,9% trong quý 4 năm ngoái, từ độ cao 7,3% hồi cuối tháng 9/2007 và 6,1% lúc tháng 12/2006. Từ năm 1979 (năm đầu tiên con số này được chính thức công bố) đến trước quý 3/2007, tỷ lệ này chưa bao giờ vượt quá 7%.

Các khoản vỡ nợ và nợ đến hạn tăng nhanh chủ yếu ở những bang lớn của nước Mỹ như California và Florida, chiếm khoảng 21% tổng các khoản thế chấp và 30% tổng các khoản nợ đến hạn. Nevada, Arizona, Michigan và Ohio cũng là những bang đang chịu tỷ lệ vỡ nợ cao.

“Đợt sóng những khoản vay vỡ nợ và xiết nợ là quá lớn. Rất nhiều người không còn gì để làm lại từ đầu, nhiều khoản vay tín chấp dưới chuẩn, theo đó người đi vay không chứng minh rõ thu nhập của mình, có thể vỡ nợ”. Rod Dubitsky, trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán bảo đảm bằng tài sản tại Credit Suisse đánh giá.

Trong khi hơn một phần tư các khoản vay làm mọi người lo lắng, hoặc các khoản tín dụng dưới chuẩn đã đến hạn hoặc đã vỡ nợ, thì con số của các khoản vay chịu lãi suất biến thiên đang “lâm nguy” cũng tăng lên nhanh chóng, lên đến 8,1% từ mức 4,3% trong năm 2006. Thế nhưng, chỉ 3,1% các khoản vay lãi suất cố định là đã đến hạn, tăng lên từ mức 2,7% của cùng kỳ năm trước.

Những con số về các ngân hàng cho vay thế chấp được đưa ra dựa trên việc điều tra 46 triệu hợp đồng vay thế chấp, chiếm khoảng 85% giá trị của các khoản vay mua nhà. Trong số các hợp đồng được khảo sát, khoảng 3,6 triệu hợp đồng đã quá hạn hoặc đã bị siết nợ.

Các nhà phân tích và các quan chức trong ngành dự đoán, tỷ lệ vỡ nợ sẽ tiếp tục tăng lên khi giá nhà ở sụt giảm, các ngân hàng và các nhà đầu tư vẫn không sẵn sàng cho vay và mua chứng khoán có “họ” thế chấp. Xem xét lại vấn đề này, Citigroup, một trong những ông chủ cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ, cho biết, sẽ cắt giảm khoản 20% các khoản vay thế chấp và vay mua nhà trong năm tới.

Đồng thời, các số liệu được FED cung cấp ngày 6/3 cũng cho thấy tổng giá trị tài sản thuần của các hộ gia đình ở Mỹ đã giảm 532,9 tỷ USD (3,6%) trong quý 4. Hao hụt giá trị bất động sản chiếm 1/3 tổng số thiệt hại.

Fannie Mae và Freddie Mac, hai doanh nghiệp với những khoản nợ được xem là an toàn, đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho thị trường thế chấp hoạt động đúng chức năng. Điều này xuất phát từ việc nhiều công ty tham gia lĩnh vực thế chấp đã từ bỏ kinh doanh và các nhà đầu tư không sẵn lòng mua những loại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, trừ khi Chính phủ hoặc một trong số các doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh khoản thế chấp. Tuy nhiên, thị trường đang phải chịu thêm những áp lực mới khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối và chạy trốn lời mời chào của hai doanh nghiệp này.

Tuần trước, Chủ tịch FED, ông Ben S. Bernanke, đã kêu gọi các ông chủ cho vay cần có những hành động hăng hái hơn để kiềm chế các khoản vay đến hạn. Ông cũng cho biết rằng Ban Nhà ở Liên bang (FHA) thuộc Chương trình bảo hiểm thế chấp của chính phủ, nên bảo lãnh thêm nhiều khoản vay. Hôm 6/3, chính phủ nước này cũng công bố đã tăng giới hạn các khoản vay được Fannie Mae và Freddi Mac mua lại ở hơn 220 thành phố và quận khác nhau với hạn mức được đẩy lên là 729.750 USD.

Barney Frank, Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính nhà ở, người thuộc Đảng Dân chủ dự kiến sẽ tiết lộ chi tiết của bản đề xuất tái cấp vốn cho hàng trăm khoản thế chấp và cung cấp những khoản bảo hiểm mới từ FHA. Ông cũng nói rằng một số khoản vay hoặc một số ngôi nhà có thể được chính phủ liên bang mua lại, tuy nhiên, đây là một bước đi bị chính quyền Bush phản đối.

Năm 1985, lần gần đây nhất khi tỷ lệ bị siết nợ và vỡ nợ cao gần bằng hiện nay, những rắc rối chủ yếu rơi vào một vài bang như Texas và Oklahoma. Đồng thời, đó cũng là thời điểm giá dầu giảm mạnh. Điều đó đã buộc rất nhiều người phải rời bỏ nơi mình đang sinh sống và tìm đến bang khác, Jay Brinkman, Phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu tại Hiệp hội Các ngân hàng cho vay thế chấp cho biết.

“Sau đó, những ngôi nhà đó bị tịch thu nhưng thời điểm đó không có những chính sách của quốc gia như hiện nay. Vấn đề chúng ta gặp phải hiện nay là tình trạng bội cung nhà ở trên diện rất rộng”, ông Brinkman bình luận.