08:29 02/03/2007

“Năm 2015, Việt Nam có thể hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ”

Quỳnh Ngọc

Đó là nhận định của ông Kim Hak-Su, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương

Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên hoàn thành mục tiêu xoá đói giảm nghèo.
Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên hoàn thành mục tiêu xoá đói giảm nghèo.
Đó là nhận định của ông Kim Hak-Su, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Diễn đàn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) khu vực Đông Á - Đông Nam Á hôm qua (1/3) tại Hà Nội, ông Kim nói những thành tựu về tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân của Việt Nam trong thời gian qua thực sự ấn tượng và “tạo nguồn cảm hứng” cho tất cả các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, cũng như các nước trên thế giới, để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam đã tích cực đổi mới cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực phát triển và đã đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt các thành tích trong công tác xoá đói giảm nghèo.

Theo báo cáo thứ 2 về MDG ở cấp vùng với tiêu đề “Tương lai trong tầm tay: Định hình lại các thể chế tại một khu vực bất bình đẳng để đạt được các MDGs tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên hoàn thành mục tiêu xoá đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, vấn đề bất bình đẳng trong quá trình tăng trưởng ngày càng đáng lo ngại, nó sẽ làm giảm hiệu quả của tăng trưởng đối với giảm nghèo. Đây cũng là vấn đề trọng tâm được các đại biểu đưa ra thảo luận tại Diễn đàn.

Ngoài vấn đề xoá đói giảm nghèo, đối với các mục tiêu khác, theo ông Võ Hồng Phúc, Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Song theo ông Kim, có vẻ như Việt Nam đang bị “thụt lùi” trong lĩnh vực môi trường, cụ thể là tỉ lệ che phủ của rừng giảm mạnh, mặc dù so với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn được coi là nước sớm nhất đạt được chỉ tiêu này trong khu vực.

Như vậy, để hoàn thành các mục tiêu trên vào năm 2015 không phải là điều dễ dàng, đặc biệt tại một khu vực được đánh giá là phát triển năng động nhất thế giới này, thậm chí cũng có thể sẽ chưa có nước nào đạt được tất cả các mục tiêu vào năm 2015 nếu không giải quyết các vấn đề còn tồn tại, trong đó đặc biệt là vấn đề bất bình đẳng.

Theo báo cáo, để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung cần phải có một sự thay đổi - không chỉ trong đầu tư ở một số lĩnh vực trọng yếu mà còn phải tiến hành một loạt các thay đổi về thể chế ở cấp địa phương, cấp quốc gia và cấp vùng để tạo ra tiến trình phát triển công bằng hơn và toàn diện hơn.

Ông Shiladtya Chatterjee, Trưởng bộ phận Nghèo đói và Phát triển bền vững của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cũng cho rằng, ngoài việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng, các quốc gia cần ưu tiên phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững; nâng cao các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế; đặc biệt cần có sự tham gia, đóng góp của khu vực tư nhân trong việc phát triển chung và tăng cường hợp tác quốc tế.

Diễn đàn diễn ra trong hai ngày với nhiều phiên thảo luận nhóm, nhằm tìm ra các giải pháp để khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015 như đã cam kết.