10:46 22/03/2023

Người tiêu dùng thu nhập cao có xu hướng mua hàng may mặc bền vững

Băng Hảo

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều thương hiệu xa xỉ tham gia vào các chương trình, kế hoạch hướng đến sứ mệnh tạo ra tác động tích cực đối với môi trường bằng việc mang đến những trải nghiệm mới mẻ…

Ảnh: Common Objective
Ảnh: Common Objective

Ngành thời trang nói chung, bao gồm quần áo và phụ kiện chịu trách nhiệm cho 4,0% đến 8,6% lượng khí thải nhà kính toàn cầu của thế giới — lớn hơn lượng khí thải của Pháp, Đức và Vương quốc Anh cộng lại, theo nghiên cứu của Công ty tư vấn McKinsey. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cũng cho rằng ngành thời trang tạo ra tới 10% sản lượng carbon dioxide toàn cầu, nhiều hơn cả các chuyến bay và vận chuyển quốc tế cộng lại.

Tất nhiên, thời trang nhanh là tác nhân lớn nhất gây ra thảm họa môi trường này. Về cơ bản, những bộ quần áo vứt đi này góp phần tạo ra chu kỳ thời trang ngắn, dẫn đến sản xuất, tiêu thụ và lãng phí nhiều hơn. Những tín đồ của thời trang nhanh – chủ yếu là thanh thiếu niên đến cho đến lứa tuổi 40 – có thể mặc một món đồ chỉ vài lần, trước khi vứt bỏ nó. Các chuyên gia cho rằng các thương hiệu thời trang nhanh lớn theo thứ tự bán hàng là Zara (Tây Ban Nha), H&M (Thụy Điển), Uniqlo (Nhật Bản) và Shein (Trung Quốc)… là các thương hiệu ít có khả năng hoặc không có khả năng bền vững nhất.

Trong khi đó, nghiên cứu từ McKinsey cho thấy người mua hàng may mặc bền vững chủ yếu là người tiêu dùng có thu nhập cao. Còn theo công ty nghiên cứu Mintel, người tiêu dùng trẻ tuổi kêu gọi mạnh mẽ nhất về nền kinh tế tuần hoàn nhưng họ vẫn mua hàng từ các hãng thời trang nhanh. Do đó, khi các thương hiệu xa xỉ vốn đã sản xuất số lượng sản phẩm hạn chế, giờ đây họ càng tiến dần hơn đến mục tiêu bền vững nhờ đối tượng khách hàng thu nhập cao của mình, những người chú trọng đến chất lượng và tính đạo đức của từng sản phẩm.

Ngành thời trang tạo ra tới 10% sản lượng carbon dioxide toàn cầu, nhiều hơn cả các chuyến bay và vận chuyển quốc tế cộng lại.
Ngành thời trang tạo ra tới 10% sản lượng carbon dioxide toàn cầu, nhiều hơn cả các chuyến bay và vận chuyển quốc tế cộng lại.

Chanel – một trong những thương hiệu quyền lực nhất thế giới – đã thể hiện vị thế tiên phong bằng những sáng kiến trung hòa carbon với Chương trình Chanel Mission 1.5°, tập trung việc giảm thiểu tác động các-bon trong mọi khía cạnh sản xuất và kinh doanh kể từ năm 2019. Alexander McQueen gây tiếng vang với định hướng thời trang tuần hoàn qua việc sử dụng vải linen từ cây gai được trồng tại những trang trại thô sơ, khiêm tốn do nữ giới làm chủ tại Bắc Ailen hay tạo ra vải linen bóng, sáng từ máy dệt cổ xưa duy nhất còn sót lại tại quốc gia này. Trong khi đó, Gucci nghiên cứu và ứng dụng Demetra – chất liệu mới với 77% thành phần thô cấu tạo từ thực vật.

Vừa qua, tập đoàn xa xỉ của Pháp Kering đã công bố một cam kết mới nhằm giảm 40% lượng khí thải nhà kính tuyệt đối vào năm 2035, trên mức cơ sở là năm 2021. Cam kết này là một phần trong tầm nhìn của tập đoàn về sự sang trọng hiện đại và có trách nhiệm, đồng thời bổ sung cho chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn. Trong ba năm qua, Kering đã đạt được tiến bộ hướng tới các mục tiêu ban đầu về xã hội và môi trường năm 2025.

Tỷ phú François-Henri Pinault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Kering cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang thiết lập mục tiêu tuyệt đối mới, bao gồm các phạm vi 1, 2 và 3 của giao thức khí nhà kính; bởi nếu Kering muốn thực sự khử cacbon cho các doanh nghiệp toàn cầu của mình, tập đoàn cần chuyển từ giảm cường độ carbon sang giảm tuyệt đối. Tôi tin rằng, việc giảm tác động về mặt tuyệt đối kết hợp với việc tạo ra giá trị phải là mục tiêu cho các công ty theo hướng bền vững”. Sắp tới, Kering dự kiến ​​​​sẽ công bố Báo cáo tiến độ phát triển bền vững 2020 - 2023 vào ngày 22/3, sáu năm sau chiến lược “Tạo ra sự sang trọng cho tương lai” của tập đoàn.

Tập đoàn mẹ của Gucci, Kering, hướng tới mục tiêu trở thành công ty trung hòa carbon.
Tập đoàn mẹ của Gucci, Kering, hướng tới mục tiêu trở thành công ty trung hòa carbon.

Các thương hiệu như Stella McCartney và Gabriela Hearst từ lâu đã đặt tính bền vững làm cốt lõi của nhãn hàng. Điều này đã tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực như việc Hearst mang những hiểu biết về môi trường để hợp tác cùng nhãn hàng Chloé vào đầu năm nay. Để giờ đây, Chloé là nhà mốt cao cấp duy nhất được xếp loại B Corp Certified, nghĩa là đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của một công ty, từ lợi ích của nhân viên đến tính thân thiện với môi trường. Gần đây, thương hiệu cũng đã giới thiệu một công cụ đo lường tính bền vững đối với tác động xã hội và môi trường, có thể được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thời trang.

Vivienne Westwood và Marine Serre là những thương hiệu khác bày tỏ mối quan tâm đến khí hậu và môi trường. Marine Serre thúc đẩy sự tuần hoàn cần thiết trong việc sử dụng hàng dệt may, còn Vivienne Westwood cũng tận dụng việc tái chế, đồng thời ưu tiên sử dụng chất liệu có thể tái chế. Vào năm ngoái, Vivienne Westwood đã đưa ra một sáng kiến xanh với tổ chức phi lợi nhuận Canopy để chống lại nạn phá rừng. Các thương hiệu thời trang đang ngày càng thúc đẩy thực hiện các bước để kiểm soát tác động xấu đến môi trường, và đồng thời kêu gọi những tổ chức khác thực hiện những bước tiến tương tự.

Các thương hiệu không nên chỉ tập trung vào việc tái sử dụng nguyên vật liệu, mà còn nên điều chỉnh toàn bộ mô hình kinh doanh của mình.
Các thương hiệu không nên chỉ tập trung vào việc tái sử dụng nguyên vật liệu, mà còn nên điều chỉnh toàn bộ mô hình kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng đang theo đuổi các sáng kiến ​​như vải dệt tái chế, bông tái sinh, da làm từ nấm, vải làm từ tôm, bã cà phê, tảo,... Hermès là thương hiệu xa xỉ tự hào với bề dày di sản và kỹ nghệ thủ công truyền thống, và cũng là thương hiệu xa xỉ hàng đầu trong việc phát triển vật liệu thuần tự nhiên cho những chiếc túi biểu tượng của thương hiệu. Năm 2021, Hermès hợp tác với MycoWorks, một công ty khởi nghiệp ở California để sản xuất ra một loại nấm thay thế chất liệu da.

Đối với một số công ty, hành động này báo hiệu một sự thay đổi triệt để cho ngành công nghiệp thời trang trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà Céline Semaan, CEO của quỹ The Slow Factory cho rằng, vì khách hàng của sản phẩm thời trang bền vững là những người có thu nhập cao, sắp tới các thương hiệu không nên chỉ tập trung vào việc tái sử dụng nguyên vật liệu, mà còn nên điều chỉnh toàn bộ mô hình kinh doanh của mình.

“Chẳng hạn như các thương hiệu nên quan tâm đến khách hàng ngay cả sau khi họ mua hàng”, bà Semaan chia sẻ về việc các thương hiệu phải nhận trách nhiệm về việc “hậu sử dụng” khi người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm đó nữa. “Tôi cảm thấy mối quan hệ giữa thương hiệu và người tiêu dùng cần phải gắn kết hơn, không chỉ về yếu tố cởi mở và minh bạch về cách làm ra sản phẩm, mà còn là việc tạo dựng mối quan hệ lâu dài sau này”.