Rắc rối giấy chứng nhận đầu tư
Hàng loạt các câu hỏi đặt ra xoay quanh địa vị pháp lý của giấy chứng nhận đầu tư hiện tại chưa có câu trả lời phù hợp
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) đang có rắc rối, nhất là trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần, mua lại phần vốn góp và mua lại cả doanh nghiệp Việt Nam.
Việc một nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam, mua lại cổ phần hay phần vốn góp là việc làm bình thường để tái cơ cấu, đổi mới công nghệ, không xuất hiện dự án mới. Trong trường hợp này, quyền và nghĩa vụ tài sản của công ty không thay đổi, có chăng chỉ có thể đổi số thành viên công ty. Như vậy cách ứng xử trong trường hợp này là chỉ thực hiện việc đăng ký thay đổi kinh doanh nếu như việc mua bán đó có làm thay đổi các nội dung trong GCNĐKKD.
Sau khi mua lại cổ phần, phần vốn góp hoặc mua cả doanh nghiệp, nếu có thay đổi dự án đầu tư thì doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đầu tư. Nếu sự chuyển nhượng đó chỉ đơn thuần là sự chuyển nhượng quyền sở hữu công ty, thì không cần làm lại thủ tục về GCNĐT.
Nhưng thực tế hiện nay, ở các địa phương, việc nhận thức và cách xử lý về nội dung này rất khác nhau. Có một vài tỉnh áp dụng theo nguyên tắc đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; đa số còn lại đều chờ đợi cấp trên hướng dẫn. Còn cấp trên thì đang nghiên cứu.
Như vậy, đang có sự nhận thức không rõ ràng về hai loại quyền sở hữu: quyền sở hữu công ty của nhà đầu tư, còn công ty có quyền sở hữu tài sản do nhà đầu tư góp. Để làm rõ hai khái niệm này, cần tìm hiểu xem địa vị pháp lý của GCNĐT là gì? Bản chất của GCNĐT, quyền và nghĩa vụ liên quan phát sinh từ GCNĐT đối với các loại dự án.
Theo Luật Đầu tư năm 2005 thì thủ tục đầu tư có tới bảy điều quy định (từ điều 45-51). Thêm vào đó còn có Nghị định 108 hướng dẫn. Một câu hỏi đặt ra là: GCNĐT cấp cho ai, nhà đầu tư, doanh nghiệp hay dự án?
Trường hợp 1: Nhà đầu tư là người bỏ tiền thực hiện ý tưởng đầu tư. Trong trường hợp này, người thụ hưởng GCNĐT có thể là nhà đầu tư cá nhân, có thể là một hoặc một số doanh nghiệp chung vốn đầu tư? Nếu GCNĐT cấp cho nhà đầu tư thì có thể hiểu là Nhà nước ghi nhận công lao của nhà đầu tư! Vì muốn ghi nhận công lao của nhà đầu tư thì phải cấp sau khi đã thực hiện xong dự án, giống như thủ tục cấp huân chương, bằng khen. Vì vậy, GCNĐT chỉ có thể cấp cho doanh nghiệp hoặc dự án.
Trường hợp 2: Nhìn vào GCNĐT thì đúng là cấp cho doanh nghiệp, nhưng nghiên cứu kỹ Điều 50 quy định thủ tục đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế, điều này dường như chỉ áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam vì GCNĐT đồng thời là GCNĐKKD.
Nghĩa là GCNĐT vừa có giá trị xác lập địa vị pháp lý của doanh nghiệp vừa kiểm soát hành vi đầu tư của doanh nghiệp này. Như vậy đã gắn chặt dự án với doanh nghiệp. Một dự án - một doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp này đầu tư dự án thứ hai có phải lập doanh nghiệp mới hay không?
Với quy định này ta đang có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, ngay cả về thủ tục hành chính trong đầu tư. Điều đó có vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO hay không? Có vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp hay không?
Trường hợp 3: GCNĐT cấp cho dự án đầu tư, độc lập với GCNĐKKD. Tư duy này có vẻ phù hợp hơn cả vì một doanh nghiệp sau khi được cấp GCNĐKKD có thể làm một hoặc nhiều dự án, không hạn chế quyền tự do kinh doanh. Và GCNĐT chỉ nên xác lập việc chứng nhận dự án có được hưởng các ưu đãi hay không? Nếu các ưu đãi này đã nằm ở Luật Thuế hay Luật Đất đai thì có cần cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư nữa hay không?
Nghị định 164/2003 NĐ-CP ngày 22/12/2003 quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tự kê khai mức ưu đãi về thuế để tự động được hưởng ưu đãi đầu tư. Tại sao không áp dụng cơ chế tự kê khai cho tất cả các ưu đãi mà dự án được hưởng?
Người được hưởng ưu đãi đầu tư là chủ đầu tư trong GCNĐT, tức là doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư. Ở đây hình như sự xuất hiện của GCNĐT lại tạo nên một loạt câu hỏi: Mục đích cấp GCNĐT là gì? Ai được hưởng lợi từ việc sở hữu GCNĐT? Sau khi được GCNĐT có phải làm các thủ tục khác để xử lý các hoạt động kinh doanh?
Nói một cách khác, GCNĐT có thay thế được 300 giấy phép hiện nay hay không? Liệu GCNĐT có thay thế được các quy định về đầu tư xây dựng công trình không? Có thay thế được các thủ tục về đất đai?...
Liên quan đến ngành nghề kinh doanh lại xuất hiện một số câu hỏi: lĩnh vực đầu tư và ngành nghề kinh doanh có gì khác nhau? Lĩnh vực cấm đầu tư và ngành nghề cấm kinh doanh khác nhau như thế nào? Ngành nghề kinh doanh có điều kiện và lĩnh vực đầu tư có điều kiện có điểm nào khác? Điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng là gì?
Hàng loạt các câu hỏi tương tự đặt ra xoay quanh địa vị pháp lý của GCNĐT hiện tại chưa có câu trả lời phù hợp. Khi nghiên cứu về GCNĐT chúng ta lại liên tưởng tới việc nghiên cứu rà soát lại 300 giấy phép con. Vậy chúng ta cần nghiên cứu kỹ tính hợp lý của GCNĐT vì loại giấy này là do Luật Đầu tư quy định nên đương nhiên là hợp pháp.
Đến đây có thể nói GCNĐT đã có đủ “năm không”: không rõ đối tượng cấp; không rõ mục đích cấp; không rõ thủ tục cấp; không thể thay thế các giấy phép khác; và không tăng thêm hiệu lực quản lý nhà nước.
GCNĐT chỉ làm tăng thêm thủ tục, hạn chế quyền tự do kinh doanh, gây tâm lý ỷ lại, hạn chế hậu kiểm vì đã có tiền kiểm, tạo tâm lý an toàn giả tạo cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đã có một số ý kiến cho rằng việc cấp GCNĐT là thừa, do vậy, phải chăng nên mạnh dạn cắt bỏ hoặc trở về với việc cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư để làm rõ vị thế của GCNĐT là xác lập quyền được hưởng ưu đãi đầu tư?