Sàn giao dịch việc làm: Cần được kết nối đồng bộ
Đối mặt với khó khăn chung về kinh tế, nhiều doanh nghiệp ít đơn hàng, nhiều dự án đầu tư bị đình trệ… gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm được xem là tâm điểm của những khó khăn trên...
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, báo cáo của 51/63 địa phương về tình hình lao động-việc làm trong những tháng đầu năm 2023 cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến cắt, giảm việc làm. Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là gần 510.000 người, chiếm 3,4% tổng số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tăng cường kết nối cung - cầu lao động, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch việc làm.
NHU CẦU CAO, DOANH NGHIỆP VẪN KHÓ TUYỂN DỤNG
Đã khá lâu, các phiên tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm ở một số tỉnh phía Bắc mới sôi động như đầu tháng 8 vừa qua. Cụ thể, theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, tại phiên giao dịch trực tuyến mới nhất kết nối 9 tỉnh, thành phía Bắc, có 130 doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng với 27.695 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, hơn 50% nhu cầu tuyển dụng đến từ các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang, sau đó là Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Bắc Ninh…
Tập đoàn Luxshare - ICT là một trong những doanh nghiệp tại Bắc Giang đang có nhu cầu tuyển dụng 10.000 lao động. Theo đại diện tập đoàn, từ tháng 7, doanh nghiệp đã nỗ lực cả ngày lẫn đêm, qua nhiều kênh, nhiều nguồn nhưng mới chỉ tuyển được 5.000 lao động và đang còn thiếu 5.000 lao động. Để kịp tiến độ sản xuất, tập đoàn đã có Công văn đề nghị UBND tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ tuyển dụng 5.000 công nhân thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu và tuyển dụng lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng lân cận.
Tình trạng thiếu hụt lao động trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung vào một số ngành nghề lĩnh vực như may mặc, linh kiện điện tử, kỹ thuật và chủ yếu ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp này có nhu cầu sử dụng nhân lực lớn và chủ yếu tuyển dụng lao động trình độ phổ thông. Các vị trí việc làm cao hơn như quản lý, văn phòng, hành chính lại yêu cầu khá cao về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ nên lực lượng lao động địa phương không đáp ứng được, do đó, các doanh nghiệp buộc phải tìm người ở nơi khác.
Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, đi vào hoạt động ổn định có thể sử dụng khoảng 8.000 lao động đến năm 2025. Bà Lê Đan Lin, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty, cho biết: “Hiện nay, công ty đang cần tuyển người lao động có kinh nghiệm cao cho các vị trí: kế toán, chủ quản kho, trưởng phòng IT, nhân viên công nghệ thông tin... Các vị trí này yêu cầu chuyên môn và đặc biệt cần biết tiếng Trung để có thể chuyển giao, vận hành nhà máy. Công ty đăng tin tuyển dụng trên các trang mạng đã lâu nhưng vẫn chưa tìm được ứng viên phù hợp”.
Ở phía Nam, ghi nhận thị trường lao động tại Bình Dương những tháng gần đây, hầu hết các doanh nghiệp chưa có đơn hàng mới, chưa tuyển dụng lao động. Trong bối cảnh trên, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng lao động cũng phải tạm ngưng hoạt động. Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng lao động Đức Lương, cho biết rất nhiều lao động thất nghiệp vẫn cố bám trụ lại thành phố, hàng ngày tìm tới các khu công nghiệp để mong tìm được việc làm.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty thực phẩm Bình Dương, tất cả các tỉnh hiện đều có sàn giao dịch việc làm nhưng thực sự là các sàn hoạt động chưa hiệu quả. “Chúng ta đang từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Đây sẽ là cơ sở để cung cấp nguồn dữ liệu rất lớn. Song song đó, chúng ta đang ở thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin. Với những nguồn lực này tôi tin rằng nếu Cục Việc làm sắp xếp lại bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động, sàn giao giao dịch việc làm sẽ là địa chỉ đỏ của doanh nghiệp và người lao động”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2023 phát hành ngày 21-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam