11:00 31/03/2023

Sức hấp dẫn của thị trường Ấn Độ với các thương hiệu xa xỉ

Băng Hảo

Nền tảng cho buổi trình diễn của Dior tại Mumbai là mối quan hệ đối tác lâu dài với nhà cung cấp hàng thủ công Ấn Độ Chanakya International, tạo ra một "ngôn ngữ mới cho nghề thủ công" để thu hút số lượng người tiêu dùng xa xỉ ngày càng tăng ở Ấn Độ...

Các nghệ nhân từ Chanakya cũng đã tạo ra các tác phẩm thêu cho buổi trình diễn thời trang cao cấp Xuân - Hè 2020 của Dior. Ảnh: Vogue Business
Các nghệ nhân từ Chanakya cũng đã tạo ra các tác phẩm thêu cho buổi trình diễn thời trang cao cấp Xuân - Hè 2020 của Dior. Ảnh: Vogue Business

Đối với Maria Grazia Chiuri, mỗi bộ sưu tập là một cơ hội để tạo ra những kết nối mới giữa các lĩnh vực thủ công khác nhau, truyền thống của các nghệ nhân cũng như những đổi mới đột phá nhất. Trong show diễn Dior Thu 2023 vào tối 30/3/2023, giám đốc sáng tạo các dòng sản phẩm dành cho nữ của Dior đã chọn Ấn Độ - và cụ thể hơn là địa điểm lịch sử The Gateway of India (Cổng vào Ấn Độ) ở Mumbai. Theo nhà mốt, show diễn sẽ thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Christian Dior và những người kế vị ông, những người có sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với đất nước này.

Giờ đây, khi suy thoái kinh tế đang bám sát thế giới, nền kinh tế Ấn Độ đang đi ngược xu hướng: công ty tư vấn toàn cầu  EY dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 26 nghìn tỷ đô la vào năm 2047, với thu nhập bình quân đầu người tăng gấp sáu lần lên 15.000 đô la. Từ chỗ là những nhà sản xuất, người Ấn Độ giờ đây là những người mặc và nắm giữ thời trang xa xỉ. Buổi trình diễn của Dior và quan hệ đối tác lâu dài với Chanakya cung cấp một kế hoạch chi tiết về cách các thương hiệu quốc tế có thể tận dụng cơ hội ở Ấn Độ. 

Theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, số lượng người siêu giàu (có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên) ở Ấn Độ đã tăng 11% từ năm 2020 đến năm 2021, và sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục. Mặc dù rất khó để thoát ly hoàn toàn sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng khai phá thị trường mới như Ấn Độ cũng là chiến lược mở rộng khả thi cho các thương hiệu. Trong nhiều năm, các nhà phân tích đã dự đoán sự trỗi dậy của Ấn Độ như một siêu cường toàn cầu, ngay cả đại dịch Covid-19 cũng không cản trở được niềm tin tăng trưởng kinh tế dài hạn và tiềm năng thị trường chứng khoán của đất nước.

Trường Thủ công Chanakya trước buổi trình diễn của Dior ở Mumbai.
Trường Thủ công Chanakya trước buổi trình diễn của Dior ở Mumbai.

Bên cạnh đó, đại dịch đã tạo ra những thách thức mới và các thương hiệu xa xỉ cần tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số. Abhay Gupta, người sáng lập kiêm CEO của Luxury Connect chỉ ra: "Dịch bệnh thúc đẩy các lựa chọn phương tiện kỹ thuật số với cổng thông tin thương mại điện tử, mở ra mạng lưới khách hàng mới cho các nhãn hiệu. Ngoài ra bán hàng trên nền tảng số hóa giúp đảm bảo mức tăng trưởng tổng thể. Ấn Độ hiện đã sẵn sàng cho vị trí trung tâm của ngành hàng xa xỉ toàn cầu". 

Theo Vogue Business, giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri bắt đầu hợp tác với các xưởng may của Chanakya International hơn 20 năm trước. Thông qua nhiều chuyến thăm cá nhân; các chuyến đi đến trụ sở Chanakya ở Byculla, Mumbai; phối hợp phát động nhà trường; và mở một xưởng may ở Bologna, Ý, Chiuri đã giúp Dior hòa mình vào kết cấu của Ấn Độ, vạch ra một cách làm việc độc đáo và đa sắc thái với đất nước này. Nhà mốt sang trọng của Pháp từ lâu cũng đã lấy cảm hứng từ Ấn Độ. Đầu năm 2003, John Galliano đã sử dụng những dải vải sari và đồ trang sức lấy cảm hứng từ Ấn Độ cho phần hạ màn của một trong những show diễn của anh ấy. 

Tuy nhiên, lần này, Ấn Độ không bị ngoại lai hóa; vai trò quan trọng của nền văn hóa này trong thời trang đã được thừa nhận và đưa vào xu hướng chủ đạo. Trong show diễn, những khía cạnh đặc sắc trong sáng tạo thủ công của nhà cung cấp Chanakya International sẽ xuất hiện, với các chi tiết như nghề thủ công trang trí lịch sử của Ấn Độ chand jaal được diễn giải lại thành một loại đăng ten tinh tế của Pháp sử dụng các sợi vàng và bạc nguyên chất. 

Nhà mốt Dior từ lâu cũng đã lấy cảm hứng từ Ấn Độ cho nhiều thiết kế thời trang hoặc show diễn của mình.
Nhà mốt Dior từ lâu cũng đã lấy cảm hứng từ Ấn Độ cho nhiều thiết kế thời trang hoặc show diễn của mình.

Bộ sưu tập đã chọn một bảng màu rực rỡ. Các khối màu xanh lá cây, vàng, hồng và tím thể hiện sự tôn kính đối với Bohan, xuất hiện dưới dạng áo khoác dạ hội, váy thẳng lấy cảm hứng từ sari và những đường cắt truyền thống, cũng như quần, áo bolero, áo khoác và áo lót làm nổi bật các di sản và nền văn hóa thời trang khác nhau.

Sự tương tác sáng tạo giữa các nền văn hóa đã tạo ra một bộ sưu tập điều chỉnh các hình dạng và kỹ thuật chất liệu truyền thống cho tư duy thời trang nữ mà Chiuri đã mang đến cho Dior. “Tôi thích việc mọi phụ nữ đều có thể biến đổi mọi thứ cho chính mình. Mỗi thiết kế trang phục có thể được bạn mặc theo một cách khác nhau. Bạn có thể kết hợp trang phục ban ngày và trang phục buổi tối”, Chiuri nói.

Những hình thêu đối xứng và đính sequin, sắc hồng nóng bỏng, đường viền vàng đậm và ren chạm lộng đều được khéo léo nâng lên một mức độ tinh xảo mà chỉ có thể đạt được nhờ tham vọng chung của các nghệ nhân Ấn Độ và một nhà mốt Pháp nhằm tạo ra một thứ gì đó mới mẻ để phục vụ cho xu hướng hiện đại, thời trang và dễ ứng dụng. Chiuri chỉ ra: “Bởi vì, thời trang không chỉ có quần áo. Thời trang là một cách để con người nhận biết nhau”.

Lần cuối cùng địa danh The Gateway of India được sử dụng làm bối cảnh cho một buổi trình diễn thời trang là vào năm 1989, khi đất nước này đang trên đà trở thành một nền kinh tế tự do hóa. Năm 1991, chính phủ Ấn Độ nới lỏng luật thuế, hạn chế đầu tư nước ngoài, kế toán và các quy định pháp lý để mở cửa kinh tế cho các công ty và đầu tư nước ngoài. 

Gần 10 năm sau, cách The Gateway of India không xa, nhãn hiệu xa xỉ của Ý Valentino đã trải thảm đỏ đỏ tươi trên những bậc thang màu trắng của Thư viện Châu Á mang tính biểu tượng cho một buổi trình diễn thời trang vào năm 2004. Cùng năm đó, Chanel khai trương cửa hàng đầu tiên ở New Delhi; Fendi, Hermes, Dior, Louis Vuitton và Gucci theo sau vài năm sau đó. 

Buổi trình diễn của Valentino tại Mumbai vào tháng 12/2004.
Buổi trình diễn của Valentino tại Mumbai vào tháng 12/2004.

Mặc dù Ấn Độ nhiều tiềm năng, nhưng thách thức của các thương hiệu trong giai đoạn tới đây là khoảng cách thu nhập ở Trung Quốc và Ấn Độ, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu theo chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây. Cả hai quốc gia có những lộ trình khác nhau để phát triển và xây dựng đặc điểm thị trường riêng. Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Hành vi Khách hàng, cây bút Julie Bogaert & Teck-Yong Eng đã lập luận rằng: “Ấn Độ sở hữu giới thượng lưu giàu có như Maharajas, tầng lớp hoàng gia tiêu thụ các sản phẩm xa xỉ từ xưa đến nay. Trong khi đó, hệ tư tưởng cộng sản thế kỷ 20 của Trung Quốc hiện hữu bất đồng trực tiếp với tiêu dùng xa xỉ”.

Do đó, các thương hiệu xa xỉ không thể áp dụng cùng một chiến lược thâm nhập thị trường ở Ấn Độ như với Trung Quốc. Ngoài ra, khó có khả năng Bollywood sớm thay thế Mỹ và Trung Quốc trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất toàn cầu. Bởi thực tế là quy mô thị trường hàng xa xỉ của Ấn Độ vẫn còn tương đối khiêm tốn, chỉ ở mức 6 tỷ USD.