09:16 09/05/2008

Thế giới lâm vào khủng hoảng năng lượng?

Trung Việt

Nhiều chuyên gia cho rằng, thế giới đang lâm vào một cuộc khủng hoảng năng lượng mới

Dầu là mặt hàng đặc thù, nhạy cảm, yếu tố quan trọng số một với các nền kinh tế.
Dầu là mặt hàng đặc thù, nhạy cảm, yếu tố quan trọng số một với các nền kinh tế.
Giá dầu thế giới đã liên tục tăng lên mức 123 USD/thùng, trong phiên giao dịch 7/5 và được dự báo có thể lên mức 150-200 USD/thùng trong tương lai gần. Nhiều chuyên gia cho rằng, thế giới đang lâm vào một cuộc khủng hoảng năng lượng mới.

Dầu là mặt hàng đặc thù, nhạy cảm, yếu tố quan trọng số một với các nền kinh tế. Vì vậy, khi mặt hàng này tăng giá đã tác động tiêu cực và gây lo ngại lớn cho các nước trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh, bức tranh kinh tế toàn cầu đang ảm đạm.

Tiếp tục "đợt nóng" giá bất thường

Ngày 7/5, thị trường năng lượng toàn cầu tiếp tục "đợt nóng" bất thường, khi giá dầu thô tăng vọt lên mức 123 USD/thùng, so với mức gần 123/thùng phiên trước đó. Giá dầu tăng lập tức kéo theo giá xăng bán lẻ tại thị trường Mỹ-thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn nhất thế giới lên mức trung bình 3,93 USD/galon, vì dầu thô chiếm tới 72% giá thành chế biến xăng.

Như vậy, giá dầu thế giới đã tăng gần gấp đôi trong vòng một năm qua, từ mức 62 USD/thùng khoảng giữa năm 2007. Từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 20 USD/thùng. Tình trạng tăng giá bất thường này khiến nhiều chuyên gia xác định, thế giới đang rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng mới.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nguồn cung dầu lửa không thỏa mãn cầu. Đồng thời, các nước xuất khẩu dầu lửa muốn khống chế sản lượng, tăng giá bán dầu để bù vào thiệt hại do đồng USD mất giá.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến giá dầu gần đây tăng mạnh là mối lo gián đoạn nguồn cung, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố không tăng sản lượng khai thác. Các nhà đầu tư luôn lo ngại sản lượng khai thác tại hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn là Nga và Mexico sẽ sụt giảm; nguồn dầu xuất khẩu từ Nigeria và khu vực miền Bắc Iraq có thể bị gián đoạn do các hành động bạo lực và phá hoại.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tiếp tục tăng vọt, nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng là nguyên nhân khiến giá dầu thế giới leo thang.

Giá dầu có thể lên mức 200 USD/thùng

Các nhà phân tích còn đưa ra dự báo đáng lo ngại về tốc độ phi mã của giá dầu trong thời gian tới. Ông Arjun Murti, chuyên gia phân tích thị trường thuộc Tập đoàn tài chính, đầu tư danh tiếng Goldman Sachs cho rằng, trong vòng từ 6 tháng đến 2 năm tới, giá dầu thô trên thị trường thế giới có khả năng tăng lên mức cao kỷ lục từ 150 đến 200 USD/thùng.

Cụ thể, ông Murti dự báo giá dầu thô trong năm 2008 sẽ tăng lên mức 125 USD, năm 2009 đạt đỉnh cao 200 USD và đến năm 2010 mới hạ xuống mức 150 USD/thùng.

Các nhà phân tích của Ngân hàng CIBC (Canada) cũng vừa đưa ra dự đoán tương tự, khi cho rằng, nếu kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng bùng nổ trong 4 năm tới, thì đến năm 2012, giá dầu sẽ ở mức 200 USD/thùng.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, giá dầu tăng liên tục trong 5 năm qua đã đánh thức chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ, khiến các nước này bạc đãi các công ty dầu lửa nước ngoài.

Họ tìm cách thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt trên mỏ dầu của mình, trong khi phương tiện, công nghệ khai thác dầu của họ hạn chế, cho nên sản lượng khai thác bị giảm đáng kể. Từ năm 2006 đến nay, sản lượng dầu khai thác của Mexico, Nigeria, Venezuela, đã giảm 10%.

Theo các chuyên gia, tình thế hiện nay chỉ có thể đảo ngược, khi nhu cầu dầu mỏ giảm, các quốc gia xuất khẩu dầu lửa quản lý, điều hành kém sẽ nhanh chóng cạn tiền đầu tư khai thác và buộc phải tạo điều kiện cho các công ty dầu mỏ lớn vào thăm dò, khai thác, trên cơ sở hiệu suất cao và có lợi nhuận.

Những quốc gia dầu lửa được điều hành tốt như Nga, Arập Xêút... cũng sẽ bớt cứng rắn hơn trên trường quốc tế, vì họ không còn ưu thế tuyệt đối về năng lượng...Tuy nhiên, khả năng nhu cầu dầu giảm dẫn đến giá dầu giảm trong tương lai gần là khó xảy ra.