09:52 05/02/2007

Trao Giải Rồng Vàng 2006 - ngày hội của các doanh nghiệp FDI

Thế Hào

60 doanh nghiệp FDI đã đón nhận giải thưởng Rồng Vàng 2006 trong buổi lễ tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 4/2

Đã có 60 doanh nghiệp ở 12 nhóm lĩnh vực khác nhau được nhận giải thưởng Rồng Vàng 2006 - Ảnh: Việt Tuấn.
Đã có 60 doanh nghiệp ở 12 nhóm lĩnh vực khác nhau được nhận giải thưởng Rồng Vàng 2006 - Ảnh: Việt Tuấn.

Lễ trao Giải Rồng Vàng 2006, giải thưởng dành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động hiệu quả tại Việt Nam đã được tổ chức long trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 4/2/2007.

Lễ trao giải được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và bắt đầu bằng một màn múa ấn tượng và đẹp mắt. Ngay trước lễ trao giải, 2 đoàn diễu hành, mỗi đoàn 60 xe mô tô mang biểu trưng của các doanh nghiệp đoạt giải đã đi qua các đường phố lớn của Hà Nội và Tp.HCM.

Tại Hà Nội, ngay sau khi đoàn diễu hành kết thúc tại Nhà hát lớn, một màn múa Rồng sôi động và hấp dẫn cũng đã diễn ra như một lời chúc mừng may mắn và thịnh vượng dành cho các doanh nghiệp đoạt giải.

Giải thưởng công nhận những thành công

Bước sang năm thứ 6 được tổ chức thành công, Rồng Vàng được tiếp tục khẳng định là một giải thưởng uy tín dành cho các doanh nghiệp FDI hoạt động kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

Đây cũng là giải thưởng duy nhất được tổ chức riêng cho khối doanh nghiệp này do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức thường niên. Giải thưởng đã nhận được sự bảo trợ của nhiều cơ quan bộ, ngành như Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Bộ Văn hoá thông tin, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam...

Trước sự chứng kiến của đông đảo các doanh nghiệp, giới truyền thông, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh xuất sắc tại Việt Nam đã vinh dự nhận Cúp Rồng Vàng 2006 được trao bởi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan bộ ngành như Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Phạm Thế Duyệt; bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước và là Chủ tịch danh dự của Giải; ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ...

Đã có 60 doanh nghiệp ở 12 nhóm lĩnh vực khác nhau được nhận giải thưởng Rồng Vàng 2006. Mỗi doanh nghiệp đoạt giải đã được nhận một Cúp pha lê thiết kế cách điệu và nạm trên đó một con rồng bằng vàng 9999.

Phát biểu khai mạc, Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức, nhấn mạnh: “Rồng là linh vật trong huyền thoại dân gian, biểu tượng cho sự thịnh vượng, an bình và hạnh phúc. Đây cũng chính là lý do khiến Rồng Vàng được chọn là biểu tượng cho giải thưởng dành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Giải thưởng Rồng Vàng qua nhiều năm tổ chức thành công đã trở thành một giải thưởng cao quý và sang trọng, không chỉ ở tên gọi Rồng Vàng mà còn ở sự tuyển chọn nghiêm túc của Ban giám khảo”.

Tiếp tục khẳng định vai trò của các doanh nghiệp FDI

Được tổ chức thường niên từ năm 2001, mục tiêu của Giải thưởng Rồng Vàng là nhằm cổ vũ các doanh nghiệp FDI hoạt động tích cực hơn tại thị trường Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, từ đó đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, giải thưởng cũng là một minh chứng về sự thành công của chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, thể hiện chính sách ngày càng coi trọng hơn vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong sự phát triển kinh tế cũng như việc chuyển giao những công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm kinh doanh, quản lý cho đội ngũ nhân lực của Việt Nam. Sự thành công của các doanh nghiệp này cũng là một trong những yếu tố quan trọng kích thích các doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư vào Việt Nam.

Theo Giáo sư Đào Nguyên Cát, có 4 lý do tạo nên uy tín của Giải Rồng Vàng. Đó là doanh nghiệp trao giải tự nguyện tham gia và cung cấp cáo bạch của doanh nghiệp mình với các số liệu cần thiết để được Ban giám khảo xem xét đánh giá. Thứ hai, các doanh nghiệp tham gia giải được bình chọn bởi công chúng thông qua các lá phiếu bình chọn của độc giả Thời báo Kinh tế Việt Nam. Thứ 3 là giải không chỉ được trao cho sản phẩm chất lượng cao mà còn trao cho những doanh nghiệp có phong cách kinh doanh tốt.

Cuối cùng là những doanh nghiệp đoạt giải được chấm bởi một Hội đồng giám khảo có uy tín gồm đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Ngân hàng Nhà nước, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng Ban biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam. Trong quá trình bình xét giải năm nay, Ban tổ chức còn tiến hành lấy ý kiến đánh giá và giới thiệu của các sở kế hoạch đầu tư các tỉnh thành trong cả nước.

Bên lề lễ trao giải, ông Charly Madam, Tổng giám đốc Citigroup tại Việt Nam nói nếu nhìn về tương lai, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang hoạt động hiệu quả và chia sẻ những kiến thức, công nghệ, quản lý với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, những đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng góp phần tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam.

Một trong những doanh nghiệp đoạt giải, ông Alain Cany, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, khẳng định: Giải Rồng Vàng đã giúp ngân hàng tiếp tục phấn đấu giữ vững vị trí tiên phong của mình trong việc cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và tiếp tục nỗ lực để nhận được Giải Rồng Vàng trong các năm tới. HSBC cũng là ngân hàng duy nhất có thành tích 6 năm liên tiếp đoạt Giải Rồng Vàng.

“Giải Rồng Vàng cũng là sự công nhận việc có mặt rất sớm và thành công của chúng tôi tại thị trường Việt Nam cũng như những chất lượng và dịch vụ hoàn hảo của HSBC cung cấp tại thị trường Việt Nam”, ông Alain Cany nói.