21:56 21/03/2022

Triển vọng nào cho cổ phiếu bảo hiểm?

Vũ Phong

Năm 2022 được dự báo là năm tăng tốc của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm, do đó cổ phiếu của nhóm ngành này cũng được giới chuyên môn đánh giá khả quan...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành bảo hiểm đang có những diễn biến mới. Ghi nhận trên thị trường ngày 21/3, cổ phiếu ngành bảo hiểm giao dịch hết sức tích cực. Điển hình nhất khi BVH tăng 4,28%; BMI tăng 6,02%; BIC và MIG đều tăng kịch trần với thanh khoản đột biến.

Trước đó, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc đốc phân tích Chứng khoán VPS từng chia sẻ đã có những chia sẻ về nhóm ngành này. Cụ thể, theo ông Khánh, năm 2022 sẽ là một năm tương đối khó khăn cho thị trường chứng khoán. Điều này xuất phát từ các yếu tố như Covid-19, chu kỳ giá hàng hóa, FED tăng lãi suất, lạm phát.

Đặc biệt, lạm phát tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã lên mức cao nhất trong vòng 20-30 năm trở lại đây. Đồng thời, lạm phát thế giới cùng giá dầu gia tăng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế và đà tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Về việc lựa chọn các cổ phiếu trong môi trường lạm phát, ông Lê Đức Khánh nhấn mạnh: "Nhóm cổ phiếu bảo hiểm là nhóm chống chịu rất nhiều với việc lạm phát, kể cả môi trường lãi suất gia tăng".

Cũng đưa ra nhìn nhận về triển vọng của các công ty bảo hiểm, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, với kịch bản cơ sở là việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022, các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phục thì doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng 22-24%, trong khi mảng phi nhân thọ đạt 8%-10%. Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256 nghìn tỷ đồng ( tăng 18-20% so với cùng kỳ).

Ngoài động lực chính đến từ nhu cầu được phục hồi, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm có thể đến từ hai yếu tố mới.

Thứ nhất, giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (E-insurance) cũng sẽ dần được hợp pháp hoá cho các sản phẩm bảo hiểm khác khác (bảo hiểm sức khỏe, tài sản thiệt hại, hàng hóa), do đó bán hàng qua kênh trực tuyến cũng sẽ dần được đẩy nhanh.

Thứ hai, sự hợp tác với các công ty insurtech để tăng cường đổi mới cải tiến trong việc phân tích big data cũng sẽ giúp các công ty bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối trong tương lai.

Riêng thu nhập từ hoạt động đầu tư tăng. Mặc dù lãi suất huy động giảm trong 2020-2021 và tài sản quản lý (AUM) tăng nhẹ (6-8%), lãi từ hoạt động đầu tư vẫn tăng 27% và 16% tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ (trừ BVH) trong kỳ. Điều này là do lãi thực hiện từ các khoản đầu tư cổ phiếu và hoàn nhập chi phí dự phòng.

Do đó, năm 2022, nhóm nghiên cứu tại SSI kỳ vọng lãi từ hợp đồng đầu tư tăng 8%-10% đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ khi lãi suất huy động tăng nhẹ 20-25 điểm cơ bản, trong khi lãi thực hiện từ đầu tư cổ phiếu hay hoàn nhập dự phòng không nhiều do mức nền so sánh cao trong 2021.

Triển vọng nào cho cổ phiếu bảo hiểm? - Ảnh 1

Thực tế cho thấy, số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm đang có dấu hiệu tăng dần.Tính đến hết tháng 1/2022, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 7.462 tỷ đồng, tăng trưởng 15%

Cụ thể, bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 2.153 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 13% so với cùng kỳ; bảo hiểm tài sản thiệt hại có doanh thu đạt 1.249 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17%, tăng trưởng 29%; bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 302 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4%, tăng trưởng 40%.

Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt 189 tỷ đồng (tăng trưởng 10%), bảo hiểm hàng không đạt 63 tỷ đồng (tăng 25%)…

Trong khi đó, về dài hạn, Công ty Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, ngành bảo hiểm vẫn tương đối tích cực khi tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm đang ở mức khá thấp so với khu vực, trong khi thu nhập bình quân đầu người nhìn chung có xu hướng gia tăng.

“Đồng thời, cơ hội đầu tư trong ngành có thể sẽ đến từ những doanh nghiệp còn câu chuyện thoái vốn và đang có mức P/B thấp so với ngành, cùng năng lực cạnh tranh tốt nhờ lợi thế thị phần như PVI", nhóm nghiên cứu tại BVSC nhấn mạnh.