Tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết là không đáng kể
Với nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết, đã góp phần giúp người lao động thêm gắn bó với doanh nghiệp, tỷ lệ lao động quay trở lại sau kỳ nghỉ khá cao tại nhiều địa phương. Việc thiếu hụt lao động là không đáng kể...
Thông tin về các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động và tình hình lao động, việc làm sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, các hoạt động chăm lo tiếp tục được tổ chức với nhiều hình thức, có sự đổi mới; ưu tiên chăm lo cho đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người lao động thiếu, mất việc làm…
Các cấp công đoàn tiếp tục tổ chức tặng vé tàu, vé xe, vé máy bay, hỗ trợ phương tiện đưa, đón người lao động về quê đón Tết và quay lại làm việc sau Tết. Thông qua Chương trình, đã có 243.735 lượt đoàn viên và người lao động được hỗ trợ vé tàu, vé xe, vé máy bay, với tổng số tiền hỗ trợ trên 106 tỷ đồng.
Đồng thời, đã tổ chức và phối hợp với cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động tổ chức hơn 5.000 chuyến xe tập trung miễn phí đưa trên 170.000 người lao động về quê đón Tết với tổng số tiền gần 49 tỷ đồng.
Thông qua công tác chăm lo đã góp phần động viên người lao động yên tâm quay trở lại làm việc sau Tết đúng thời gian. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, ngành, đến hết ngày 15/2, khoảng 92% doanh nghiệp, người lao động đã quay lại sản xuất, kinh doanh, làm việc bình thường, tùy theo địa phương, tỷ lệ dao động từ 42% đến 100%.
Trong đó, TP. Cần Thơ, tỉnh Quảng Ngãi, các ngành Dầu khí, Hàng hải, Hàng không, Ngân hàng, Quốc phòng, Than – Khoáng sản, Y tế, Điện lực, Đường sắt đạt 100%; các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa đạt 98%; các tỉnh An Giang, Ninh Bình đạt 97%; Thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Khánh Hòa, Nghệ An, Vĩnh Long, Tiền Giang, các ngành Dệt may, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Xây dựng đạt 95%; các tỉnh còn lại đạt từ 80% trở lên…
Số lao động chưa trở lại làm việc chủ yếu ở các tỉnh, thành phố xa nghỉ phép thêm ngày, nghỉ ốm hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trở lại từ ngày 19/2 (tức mùng 10 tháng Giêng).
Theo nhận định của các doanh nghiệp, tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết không đáng kể, tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính…
Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nhận định, trong năm 2024, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhu cầu thị trường thế giới tăng.
Nhu cầu trong nước cũng đang phục hồi, đầu tư công và đầu tư tư nhân dự kiến sẽ phục hồi, cải cách tiền lương trong năm 2024 cũng sẽ tạo sức mua lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố này sẽ có tác động đến thị trường lao động tiếp tục phục hồi trở lại.
Để ổn định thị trường lao động sau Tết, Bộ này cũng đề nghị các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ; bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ.
Đặc biệt là việc rà soát, nắm bắt về tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là tại các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...) ngay sau Tết, để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.
Đồng thời, tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.
Ghi nhận ngay sau Tết, các sàn giao dịch việc làm theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến liên tục được tổ chức tại các địa phương, như Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc, qua đó giúp người lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, thông qua hoạt động giao dịch việc làm kết nối các tỉnh, thành phố, thị trường lao động của các địa phương sẽ "xích lại" gần nhau hơn.
"Đặc biệt, việc này sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp có cơ hội tìm được nhiều nguồn lao động, dễ dàng tuyển dụng. Còn người lao động cũng có thể tìm được vị trí việc làm phù hợp hơn", ông Thành nói.
Theo ông Thành, tại Hà Nội, theo quan sát ở thời điểm này, các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng nhiều lao động ở một số lĩnh vực, ngành nghề như: Thương mại dịch vụ, công nhân sản xuất (điện – điện tử, dệt may, da giày), xây dựng, bất động sản, văn phòng, công nghệ thông tin...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng dự báo, nhu cầu thị trường lao động trong quý 1 năm nay là 51,7 triệu người, tăng 217.000 người so với quý trước. Những ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%...