12:37 08/09/2018

Cần chính sách ủng hộ phát triển mạng xã hội Việt

Thủy Diệu

Cần một số chính sách để phát triển mạng xã hội Việt Nam với mục tiêu đến năm 2022 bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông sáng ngày 8/9/2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông sáng ngày 8/9/2018.

"Cần một số chính sách để phát triển mạng xã hội Việt Nam với mục tiêu đến năm 2022 bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60-70% thị phần", Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ này, sáng nay, 8/9.

Ông Hùng cho biết, hiện nay, doanh thu quảng cáo mạng xã hội là 370 triệu USD nhưng phần lớn thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại. Cụ thể là Google chiếm khoảng 135 triệu USD với 35 triệu người dùng, Facebook 235 triệu USD với 60 triệu người dùng.

Mặt khác, mạng xã hội nước ngoài hiện chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam về thuế, yêu cầu về an toàn, an ninh...

Trong khi đó, theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các mạng xã hội của doanh nghiệp Việt Nam với 436 mạng xã hội đã được cấp phép thì vẫn chiếm một lượng thị phần rất nhỏ. Ngay như mạng xã hội của doanh nghiệp Việt có tên tuổi nhất (mạng xã hội Zalo của VNG – PV) với 40 triệu người dùng thì doanh thu cũng chỉ đạt khoảng 7 triệu USD.

"Đã đến lúc không thể dừng lại. Cần có chính sách để ủng hộ phát triển mạng xã hội Việt Nam", ông Hùng nói, đồng thời cũng đề xuất phương án dùng cả biện pháp kinh tế, kỹ thuật để quản lý mạng xã hội nước ngoài.

Bên cạnh mạng xã hội "made in Vietnam", lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề cập đến việc xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, trọng tâm là mạng xã hội Việt Nam. Bởi nếu không có hệ sinh thái nội dung số Việt Nam, mạng xã hội Việt Nam thì sẽ không có sức mạnh đàm phán với Facebook, Google.

Và khi đó, các mạng xã hội của nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục không tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Theo ông Hùng, hệ sinh thái số Việt Nam bao gồm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm diệt virus, trong đó quan trọng nhất là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm. Việc xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam sẽ huy động chủ yếu các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, và phải là do doanh nghiệp Việt xây dựng.

"Mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 10 nước về phát triển hệ sinh thái số, với 60-70% người dân dùng hệ sinh thái nội", ông Hùng nói.