15:08 24/05/2012

“Lãi suất cao đang giết chết nền kinh tế”

Nguyên Thảo

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nói cần xem chính sách tài khóa và tiền tệ tại Nghị quyết 11 có “quá liều” hay không

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nói cần xem chính sách tài khóa và tiền tệ tại Nghị quyết 11 có “quá liều” hay không - Ảnh: TD.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nói cần xem chính sách tài khóa và tiền tệ tại Nghị quyết 11 có “quá liều” hay không - Ảnh: TD.
“Nghi ngờ” con số 4% của tăng trưởng kinh tế quý 1/2012 vẫn là quá cao so với thực tế, TS. Trần Hoàng Ngân nói rằng “lãi suất cao đang giết chết nền kinh tế và doanh nghiệp”.

Trao đổi với VnEconomy bên lề phiên thảo luận tổ về kinh tế, xã hội sáng nay (24/5), TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Tp.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đại biểu Quốc hội đoàn Tp.HCM nhìn nhận, dù lạm phát đã được kiểm soát khá thành công song chính sách tài khóa và tiền tệ được nêu tại Nghị quyết 11 có vẻ hơi “quá liều”.

Thưa ông, tại phiên khai mạc kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội đã nhắc đến dấu hiệu giảm phát, còn Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều quan ngại về dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế, nhận định của ông thế nào?

Tôi nghĩ nền kinh tế chúng ta đang suy giảm và dấu hiệu lạm phát đang được kiểm soát tốt chứ chưa gọi là giảm phát, vì giảm phát là âm, mà chỉ số lạm phát hiện nay so với cùng kỳ năm trước vẫn 8%. Lạm phát mức đó cao lắm, nước khác là 4% thôi, nếu chúng ta sử dụng không khéo thì điều hành rất khó, các nước lạm phát bình quân 4% nên lãi suất cho vay là khoảng 6%, còn hiện nay ở ta 8%, nên đó là yếu tố cần thận trọng. Nếu nói giảm phát thì không khéo 1 gói kích cầu như năm 2009 sẽ thổi bùng lên lạm phát.

Thông điệp cần thiết của Chính phủ là kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô. Năm nay lạm phát 8% là hợp lý nên không có lý do gì mà để lãi suất cao. Lãi suất nên đi theo lạm phát cơ bản, lạm phát lõi, chứ nếu đi theo lạm phát chung (CPI) thì lại chạy theo cơn sóng, vì giá xăng dầu thế giới bùng lại thì CPI lại lên lại sẽ làm lãi suất tăng.

Mà 2006 - 2007 lãi suất chỉ có 12% thôi, 2008 lên 20%, cuối 2008 xuống còn 15%, đến 2009 còn 10%, rồi 2010 lên 17%, 2011 đẩy lên 20%,  bây giờ kéo lại 15%. Lãi suất thay đổi quá thì các doanh nghiệp không dự báo được và không đưa ra quyết định đầu tư nên tình trạng “thủ” rất lớn, không biết làm gì bây giờ? Bởi vậy nên thông điệp giữ lãi suất ổn định ở thời gian dài thì doanh nghiệp mới làm ăn được.

Tại kỳ họp trước ông có nói với VnEconomy rằng, CPI tăng 10% được dự kiến cho năm 2012 so với nhiều nước cũng là cao lắm rồi. Ông cũng đề nghị Chính phủ cam kết với dân là dứt khoát phải kiểm soát được lạm phát. Nhưng hiện nay nhiều ý kiến đang lo ngại khi CPI “rơi tự do”?

Với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội thì đã làm rất tốt, tháng 8/2011 so với tháng 8/2010 lạm phát lên tới 23%, nhưng đến 5/2012 thì lạm phát chỉ 8%, như vậy là có thành công trong kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, cũng phải xem liều thuốc tại Nghị quyết 11 về chính sách tài khóa và tiền tệ có hơi quá liều hay không, vì đang dẫn đến hậu quả chỉ hơn một năm có khoảng 80.000 doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động và hệ lụy là suy giảm kinh tế.

Quý 1 năm nay tăng trưởng 4% tôi cho đó là con số đó cao quá, con số đó không thật, vì dư nợ tín dụng giảm, trong khi kinh tế tăng trưởng nhờ vốn, doanh nghiệp thì phá sản rất nhiều nên số đó nếu mà thật thì nên bình tĩnh là chúng ta có nội lực rất tốt, vấn đề là có đúng 4% hay không?

Ông từng nói, nếu chỉ đơn giản là thắt chặt tài khóa và tiền tệ thì chưa thể kiềm chế lạm phát một cách phát bền vững nhất mà cần đi vào cái gốc của hệ thống bán lẻ về kiểm soát giá. Vậy kết quả kiềm chế lạm phát thời gian qua có phần do việc này đã được làm tốt hay chỉ đơn thuần do thắt chặt tiền tệ và tài khóa?

Điều đáng lưu ý là kiềm chế lạm phát đã thành công nhưng không có nghĩa là đã bình yên, vẫn có yếu tố đe dọa bùng lạm phát trở lại.

CPI từ 23% vào tháng 8/2011 mà xuống còn 8% vào tháng 5, đó là thành công, nhưng mà đã bền chưa, thì đó là cái lo vì trong rổ hàng hóa để tính CPI 40% nằm ở  hàng lương thực thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình.
 
Trở lại dấu hiệu suy giảm kinh tế qua con số quá lớn về doanh nghiệp giải thể, phá sản mà ông vừa nhắc đến, có thể khẳng định một trong các nguyên nhân là do chính sách tiền tệ, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân, có thể có vấn đề “vòng đời” sinh lão bệnh tử, nhưng ở đây "tử" nhanh quá vì thành lập quá dễ dàng nhưng quản lý rất yếu kém, cấp giấy phép rồi sau đó doanh nghiệp còn hoạt động hay không cũng không biết.

Bên cạnh đó một số làm theo thương vụ ăn theo đầu tư công, khi đầu tư công xiết lại thì cũng gặp khó. Rồi hàng bán lẻ cao cấp và của hàng ô tô đóng cửa nhiều hơn, bởi trước đây đã tạo cơ chế làm cho giàu nhanh quá, và giàu ảo nên giờ xiết lại làm ăn thì nhiều nơi đóng cửa, trong khi hàng tiêu dùng bình dân, quán cóc, hàng rong vẫn đông.

Những doanh nghiệp liên quan dến thị trường bất động sản, cái đó là tôi lo nhất, các nước thì bong bong bất động sản nổ ra dẫn đến đổ hệ thống ngân hàng, dẫn đến khủng hoảng tài chính, làm suy giảm kinh tế. Ở ta bong bong bất động sản chúng ta chủ động cho xẹp dần, nó chưa nổ nhưng mà cũng gây ra những tác nhân, những doanh nghiệp liên đới đóng cửa rất nhiều.

Nhưng nguyên nhân lớn là lãi suất cao quá và kéo dài, đó là liều thuốc quá liều, cái đó cần có giải pháp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết Ngân hàng Nhà nước đang tập trung tham khảo thông lệ quốc tế và đánh giá việc công bố, xác định lãi suất cơ bản trong điều kiện Việt Nam để phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý phù hợp vấn đề này trong 6 tháng đầu năm 2012, theo ông giải pháp này có khả thi không?

Theo tôi hiện nay có thể xem xét lại các chính sách lãi suất và điều hành theo hướng tự do hóa lãi suất. Thời điểm này với nền kinh tế này với CPI này phải giảm sâu lãi suất huy động , có thể kéo xuống 10%  và đưa một lãi suất của ngân hàng trung ương, là lãi suất cơ bản, tái cấp vốn hay tái chiết khấu… nhưng khi ta kéo về 10% và  xem 10% là lãi suất cơ bản, thì Ngân hàng nhà nước cần có thông điệp chúng tôi sẵn sàng cho bất kỳ ngân hàng nào vay với lãi suất 10%. Nếu ngân hàng trung ương mạnh dạn có thông điệp đó để hỗ trợ vốn cho thị trường thì sẽ xóa đi cạnh tranh vốn trong việc huy động vốn để có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay.

Điều tôi rất chờ đợi ở Thống đốc là đến cuối tháng 5 này những kịch bản hợp nhất, giải thể, sáp nhập, cơ cấu ngân hàng yếu kém… phải được thực hiện dứt điểm. Tôi mong Thống đốc mạnh mẽ hơn vì nếu để càng lâu, nền kinh tế càng gánh hậu quả.

Thời gian qua, chính sự cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng làm lãi suất cao đang giết chết nền kinh tế và giết chết doanh nghiệp. Vì thế hãy làm nhanh hơn, nhanh hơn nữa việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.