09:56 11/06/2012

Vốn ODA sẽ tham gia tái cơ cấu kinh tế?

Bảo Anh

“Đã tái cơ cấu dứt khoát phải có nguồn lực, và là nguồn lực rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định

Kinh tế biển là ngành quan trọng nhưng lại chưa được đề cao trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Kinh tế biển là ngành quan trọng nhưng lại chưa được đề cao trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
“Đã tái cơ cấu dứt khoát phải có nguồn lực, và là nguồn lực rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, trong phần giải trình của ông tại buổi thảo luận của Quốc hội về đề án tái cơ cấu nền kinh tế hôm 8/6 vừa qua.

Ông Huệ đã nêu bài học của Nhật Bản vào cuối những năm 80 thập kỷ trước. “Khi đó, Nhật Bản sa vào bong bóng về nợ như hiện nay của chúng ta và họ đã dùng 10% GDP để cơ cấu lại nợ, lúc đó gặp phải sự phản ứng của dân chúng cho nên Nhật Bản đã chần chừ và không thực hiện tiếp các giải pháp tái cấu trúc. Vì vậy, kinh tế Nhật Bản phải trả giá mấy chục năm bị suy thoái, không dựng dậy được”.

Bộ trưởng Huệ cũng gợi mở một số nguồn lực cho quá trình tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn như quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, công ty mua bán nợ, nguồn lực của các cổ đông chiến lược nước ngoài, vốn ODA…

“Hiện nay ADB đã cam kết cho chúng ta vay khoảng 600 triệu USD để tái cơ cấu một số tập đoàn, tổng công ty với thời gian vay dài và lãi suất rẻ. Tập đoàn được thí điểm đầu tiên là Sông Đà với 120 triệu USD, vay đến 30 năm, lãi suất 0,5%, mà người nước ngoài người ta quản lý việc này rất chặt chẽ”.

Giải trình cho những hạn chế của đề án, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị chủ trì soạn thảo đề án), cho hay, cơ quan này “xin tiếp thu một cách nghiêm túc những ý kiến của các quý vị đại biểu để hoàn thiện đề án”.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Vinh cho biết "là một đề án rất lớn, phạm vi rất rộng, nhưng thực chất chỉ có khoảng 60 ngày để làm, cho nên không đủ lực lượng và thời gian để nghiên cứu một cách thật kỹ lưỡng và đưa ra những vấn đề cụ thể như các đại biểu yêu cầu".

Trước đó, trong phần góp ý đối với đề án, một số đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh vào tính mục đích, sự rõ ràng, chi tiết của đề án cũng như những giải pháp, biện pháp cần phải làm song hành cùng quá trình tái cơ cấu nếu muốn đạt hiệu quả cao.

“Tôi đề nghị phải bổ sung giải pháp phòng, chống tham nhũng, nếu chúng ta không quyết tâm làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng thì đề án này có thay đến mấy cũng không thể vực dậy được nền kinh tế của chúng ta. Tham nhũng, lãng phí như là mối mọt có thể làm cho nền kinh tế của chúng ta kiệt quệ mau chóng, như ngôi nhà gỗ bề ngoài nguyên vẹn đẹp đẽ, nhưng bên trong mục ruỗng, khẽ lay sẽ đổ”, đại biểu Phùng Văn Hùng khuyến cáo.

Theo đại biểu Phùng Văn Hùng, trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng nêu rõ tới năm 2020 kinh tế biển và ven biển phải đóng góp trên 50% vào GDP. Nhưng không hiểu sao trong đề án lại không coi trong vấn đề tái cơ cấu kinh tế biển nhằm tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của ngành kinh tế quan trọng này.

Còn đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi tài nguyên trên đất liền cạn kiệt thì phát triển kinh tế biển là mục tiêu mà tất cả các quốc gia đều tập trung hướng đến nhằm khai thác tài nguyên vốn dồi dào và đa dạng của đại dương.

Quan trọng hơn, việc phát triển kinh tế biển sẽ gắn với việc khẳng định chủ quyền về biển đảo, nhất là gần đây các nước đang gia tăng các hoạt động kinh tế cũng như sự hiện diện của mình trên biển Đông. Thế nhưng trong đề án tổng thể thì nội dung định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp chưa quan tâm nhiều đến thủy sản và kinh tế biển.

“Tôi đề nghị đề án cần khẳng định đây là một nội dung trọng tâm mà trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp, hướng đến gắn với nó là việc phát triển các đội tàu đánh bắt thủy sản tương xứng với các nước trong khu vực”, đại biểu Phúc kiến nghị.