10:09 05/03/2008

Tự cứu mình bằng mua lại cổ phiếu?

Tú Uyên

Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều công ty niêm yết công bố mua lại cổ phiếu của chính công ty mình để làm cổ phiếu quỹ

Nhiều loại cổ phiếu được doanh nghiệp mua lại vẫn "lao dốc".
Nhiều loại cổ phiếu được doanh nghiệp mua lại vẫn "lao dốc".
Không thể ngồi chờ đợi các giải pháp cứu nguy thị trường từ các cơ quan điều hành trước viễn cảnh thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm và có nguy cơ giảm mạnh nữa trong thời gian tới, nhiều công ty niêm yết đã đua nhau mua lại cổ phiếu để làm quỹ; và một số thành viên trong hội đồng quản trị cũng mua lại cổ phiếu của công ty mình.

Biện pháp này trước đây được xem là giải pháp nhằm “cứu giá” cho chính cổ phiếu của chính công ty. Tuy nhiên...

Động thái tích cực

Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều công ty niêm yết công bố mua lại cổ phiếu của chính công ty mình để làm cổ phiếu quỹ.

Chẳng hạn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cũng vừa đăng ký mua lại 200.000 cổ phiếu; Tổng công ty TNHH 1 thành viên Thương mại dầu khí (Petechim) mua 71.120 cổ phiếu COM; Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ hải sản Minh Phú (MPC) mua lại 1.000.000 cổ phiếu của công ty. Công ty Cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (mã chứng khoán SAV) vừa đăng ký mua lại 50.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (mã chứng khoán GTA) cũng đã đăng ký mua lại 500.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.

Thành viên Ban kiểm soát của Công ty Cổ phần Bibica (Mã chứng khoán BBC) cũng vừa thông báo mua 41.000 cổ phiếu. Rồi các thành viên trong Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 (mã chứng khoán SC5), Công ty Cổ phần Nhựa Đà Nẵng (mã chứng khoán DPC), Công ty Cổ phần Cảng Đoạn Xá (mã chứng khoán DXP), Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán RAL)... cũng thông báo mua lại cổ phiếu vì thấy giá hợp lý.

Trước đó, nhiều công ty niêm yết khác cũng đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu của chính mình để làm cổ phiếu quỹ như Công ty Cổ phần Tân Đại Hưng (TPC), Công ty Cổ phần Container Việt Nam (VSC) bắt đầu dùng thặng dư vốn để mua lại cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ. Công ty Cổ phần Viglacera Bá Hiến (BHV) mua 45.000 cổ phiếu, Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu (COM) mua 200.000 cổ phiếu và Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) mua 1 triệu cổ phiếu. Thậm chí Ngân hàng Cổ phần An Bình - một ngân hàng chưa niêm yết cũng công bố việc mua lại khoảng 2,42 triệu cổ phiếu; rồi TPC mua 1 triệu cổ phiếu, VSC mua 100.000 cổ phiếu, ALT mua 116.105 cổ phiếu...

Nhận xét về việc mua lại cổ phiếu của các công ty niêm yết, nhiều chuyên gia chứng khoán cho biết, đó là một động thái tích cực từ phía công ty niêm yết nhằm mục đích bình ổn giá cổ phiếu của công ty mình. Đối với những công ty vừa phát hành có thặng dư vốn mà chưa sử dụng thì đây là điều rất nên làm. Trong quá khứ, khi nhiều công ty niêm yết đồng loạt có các nỗ lực bình ổn giá như việc mua lại cổ phiếu thì thị trường sẽ ổn định trở lại".

Mặt khác, không ai khác hơn chính những người chủ chốt trong công ty biết rõ nhất giá trị của cổ phiếu, cũng như tình hình hoạt động của công ty mình. Khi thấy cổ phiếu đã xuống dưới giá trị thực thì việc hội đồng quản trị có quyết định sử dụng vốn nhàn rỗi để mua lại cổ phiếu, giảm bớt lượng cổ phiếu lưu hành, nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông là một biện pháp cần phải làm nhất trong tình hình hiện nay.

...nhưng có khả thi?

Thế nhưng... nếu như ở thời điểm trước đó, khi có bất kỳ thông tin nào về việc các thành viên trong Hội đồng Quản trị hoặc những người có liên quan đăng ký mua lại cổ phiếu thì gần như lập tức giá cổ phiếu đó tăng giá. Tuy nhiên, trong thời điểm mà thị trường chứng khoán đang có nhiều yếu tố tiêu cực tác động vào như lạm phát cao, chính sách tiền tệ (tăng dự trữ bắt buộc, kế hoạch phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, Quyết định 03 thay thế Chỉ thị 03 về cho vay đầu tư chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước) đã khiến cho việc mua lại cổ phiếu của chính công ty lại có tác dụng ngược.

Chẳng hạn, cách đây không lâu, khi các nhà đầu tư nghe được thông tin Chủ tịch Hội đồng Quản trị một ngân hàng tên tuổi đang niêm yết trên thị trường đăng ký mua lại 2 triệu cổ phiếu thì lập tức “kháo nhau” cổ phiếu này sẽ tăng giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà đầu tư mua hôm nay lỗ ngay ngày mai. Không chỉ có cổ phiếu của ngân hàng này, mà nhà đầu tư còn “dở khóc dở cười” khi thấy tiền “mồ hôi nước mắt” của mình ngày càng “teo” đi khi đã trót mua vào những cổ phiếu mà chính những thành viên trong Hội đồng Quản trị đã đăng ký mua vào.

Mới đây nhất là Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) đã đăng ký mua lại 1 triệu cổ phiếu PPC, 1 triệu cổ phiếu PVD, và 2 triệu cổ phiếu DPM. Thế nhưng giá các cổ phiếu này vẫn “lao dốc”.

Giám đốc một công ty niêm yết (dấu tên) bức xúc nói: “Làm sao các công ty như chúng tôi có thể tự “cứu” được mình khi mà thị trường vừa dấu hiệu phục hồi thì một lần nữa lại bị “đạp” xuống sâu hơn bằng quyết định tăng giá bán xăng, dầu. Và hậu quả của nó là khả năng lạm phát sẽ bùng phát trong những tháng tới là điều tất yếu.

Những định hướng chính sách thiếu cụ thể và hiện thực đẩy tâm lý nhiều nhà đầu tư vào hoang mang, mất niềm tin. Nhiều tài khoản đã “đóng băng” hoặc chuyển vốn sang cơn sốt vàng nổi bật trong tháng, hoặc hưởng siêu lãi suất tại ngân hàng thương mại. Một số nhà đầu tư trước đây còn “chai lỳ” với sự sụt giảm của thị trường với hy vọng “xuống rồi sẽ lên” nay cũng đã hoang mang, và liên tục cắt lỗ khiến cho thị trường ngày càng “lún sâu” hơn.

Và thị trường trong những ngày đầu tháng 3/2008 đã mở ra với những tín hiệu từ phiên họp thường kỳ của Chính phủ (định hướng tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán, tiếp tục hỗ trợ thị trường phát triển ổn định) và cả tin đồn về việc mở “room” tại các ngân hàng. Tuy nhiên, xu hướng thị trường trong những phiên đầu tháng 3 vừa qua cho thấy nhà đầu tư dường như đã “chai lì” với các thông tin được xem là tin đồn và thật sự họ đang chờ thông tin chính thống và tích cực từ phía các nhà điều hành thị trường và Chính phủ.